/ Bút ký Luật sư
/ Moskva – Tình yêu của tôi...: Kỳ I: Khởi nguồn tình yêu nước Nga

Moskva – Tình yêu của tôi...: Kỳ I: Khởi nguồn tình yêu nước Nga

05/01/2021 17:57 |

LSVNO - Khi thi vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1977 nhưng bất ngờ bị chuyển sang Khoa Pháp lý, tôi bắt đầu được tiếp cận với tiếng Nga như là môn học ngoại ngữ bắt buộc. Nước Nga trong...

LSVNO - Khi thi vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1977 nhưng bất ngờ bị chuyển sang Khoa Pháp lý, tôi bắt đầu được tiếp cận với tiếng Nga như là môn học ngoại ngữ bắt buộc. Nước Nga trong tôi vẫn chỉ là sự cảm nhận mơ hồ về xứ sở Bạch Dương mênh mông, đã tận lòng góp sức người và vật chất to lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam.

Ký túc xá Mễ Trì nằm ở Km thứ 3 tính từ Hà Đông vào Hà Nội, có tuyến tàu điện chạy thẳng đến Bờ Hồ. Mùa đông năm 1977, ký túc xá lúc đó chỉ có hai dãy nhà cao tầng cho sinh viên nội trú ở, hai giảng đường lớn để học.

Ở phía ngoài sát cánh đồng là hai dãy nhà một tầng, mái lợp ngói đối diện nhau dành cho sinh viên lớp A và B khóa 22 của Khoa pháp lý Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này hợp nhất được tính là Khóa 2 Đại học Luật Hà Nội).

Vốn dĩ là học sinh đoạt giải Văn toàn miền Bắc, tôi vẫn nuôi ước vọng được quay trở lại Khoa Văn, ngóng sang đám bạn bên ấy tụ họp bàn chuyện văn chương ngoài sân Chùa Thầy - nơi huấn luyện quân sự cho tất cả sinh viên các khoa mới nhập học, nghe nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ tình với niềm đam mê không tả xiết…

Đêm đến, bên ánh đèn dầu leo lắt, tôi say sưa đọc các cuốn tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng của Liên Xô cũ… Nguyễn Ngọc Anh (nay là GS. TS, Trung tướng, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an) vốn là học sinh giỏi Văn ở tỉnh Phú Thọ, nằm ở giường trên, thường trao đổi với tôi về niềm đam mê văn học.

Tôi nhớ lại tuổi ấu thơ, nằm trên thảm cỏ xanh trước khu Học viện Thủy Lợi Hà Nội, ngửa mặt lên bầu trời xanh ngắt, nhìn những đám mây lững thững trôi, tôi mường tượng ra thế giới kỳ bí của vũ trụ và tự nhiên, chợt thấy thân phận nhỏ bé của mình chỉ như một hạt cát trong thế giới ấy, mà khoảng thời gian của một đời người chỉ là một nét chấm phá nhỏ nhoi trong hành trình bất tận của thời gian…

Sinh viên lớp B Khóa 22 Khoa Pháp lý - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Khóa 2 Đại học Luật Hà Nội). Ảnh tư liệu năm 1977.

Vậy là rốt cuộc tôi vẫn ở lại cùng Khoa pháp lý, cùng các bạn đồng môn đối diện với những môn học lạ lẫm phần lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, rồi các môn học chuyên sâu của tư pháp quốc tế với những bí ẩn của các hệ thuộc xung đột trong giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài. Không những thế, môn tiếng Nga được coi là một trong những ngôn ngữ khó học nhất trong nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Chúng tôi là lứa học sinh phổ thông thi thẳng vào đại học, chỉ chiếm chừng 10% so với các anh chị trải qua thời quân ngũ từ chiến trường trở về, nên việc học và nghiên cứu sách chuyên ngành tiếng Nga cũng thuận lợi hơn chút ít.

Thầy Quán vóc người nhỏ bé, với mái tóc điểm bạc sớm, là một trong những thầy dạy tiếng Nga xuất sắc nhất thời bấy giờ. Giáo trình học tiếng Nga của thầy Quán được in roneo đóng thành tập phát cho sinh viên theo cấp độ từ dễ đến khó, chúng tôi chuyền tay nhau đến nhàu nát.

Ngay từ năm thứ hai, chúng tôi đã có thể tham khảo các sách chuyên ngành của các học giả người Nga để viết tham luận khoa học pháp lý. Cách đây mấy năm, nhân dịp họp lớp, chúng tôi gặp lại thầy Quán, dù tuổi đã cao, hình dáng và tính cách của thầy vẫn như ngày xưa, tình thầy trò đầy ấm áp…

Tháp đồng hồ Điện Kremlin ngày 29/7/2019.

Sau này, với kiến thức thụ hưởng chủ yếu từ nền tảng lý luận Nhà nước và pháp luật, từ giáo trình và bài giảng của các thầy tốt nghiệp tại các Trường Luật ở Liên Xô cũ đã thúc đẩy tôi lựa chọn chuyên ngành tư pháp quốc tế - một chuyên ngành còn vô cùng mới mẻ vào thời điểm bấy giờ.

Không biết nhận thức của tôi có đúng không, nhưng một trong những giá trị quan trọng nhất mà sinh viên các Khóa đầu tiên của Đại học Luật Hà Nội chúng tôi thụ hưởng được là tích lũy được tư duy pháp lý khoa học, cố gắng nhìn sự vật, hiện tượng trong sự phát triển biện chứng, có tính lịch sử và thực tiễn của nó.

Cùng với đó là tình yêu với nước Nga ngày càng sâu đậm, những câu chuyện hài hước về cách nói tiếng Nga “giọng miền Trung”, hay ôm đàn hát những bài hát Nga nổi tiếng một thời đã trở thành những kỷ niệm vui đời sinh viên.

Nhiều thầy, cô, bạn bè cùng khóa tôi đã tiếp tục sang các nước thuộc Liên Xô cũ hoàn tất chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ luật học, sau này trở thành những chuyên gia pháp lý hàng đầu, đảm nhiệm các cương vị cao trong bộ máy tư pháp và tố tụng của đất nước…

Bất chợt, tôi nhớ lại những năm tháng đời sinh viên nghèo khó, trong tim vẫn rung động về bộ phim nổi tiếng “Moskva - tình yêu của tôi” của đạo diễn Aleksandr Mitta được trình chiếu sau năm 1975.

Nội dung bộ phim kể về câu chuyện tình yêu của Yukiko One là một nữ diễn viên múa tài năng của Nhật Bản, được mời đến luyện tập tại Nhà hát Bolshoy danh giá.

Tình yêu tràn ngập hạnh phúc nhưng ngắn ngủi của cô dành cho chàng vũ công Nga bỗng chốc biến thành bất hạnh khi cô bị tái phát bệnh ung thư máu do di chứng của hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima nơi cô sinh ra. Cái chết của cô trong vòng tay của chàng trai Nga tại Moskva khi kết thúc phim cứ ám ảnh tôi rất lâu sau này…

Luật sư Phan Trung Hoài chụp ảnh lưu niệm với Luật sư Aleksandr Shefer tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA) năm 2018 tại Rome (Italy).

Vậy mà bây giờ tôi mới có cơ hội lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga xa xôi. Câu chuyện kết nối này bắt đầu nhân dịp tôi được phân công làm Trưởng Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sang dự Hội nghị thường niên Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA) tại Rome (Italya).

Vào chiều ngày 11/10/2018, bên lề phiên họp Hội đồng IBA, ông Aleksandr Shefer, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Quốc tế Liên đoàn Luật sư Liên bang Nga đã chủ động tiếp xúc và chào xã giao đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Về phía Liên đoàn Luật sư Liên bang Nga mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với Liên đoàn Luật sư Việt Nam phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga; đồng thời đề nghị tổ chức các Đoàn công tác viếng thăm hữu nghị giữa tổ chức luật sư hai nước.

Các thành viên của Đoàn công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trên cơ sở kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2019, kết quả trao đổi giữa Ủy ban hợp tác quốc tế hai bên, nỗ lực cá nhân của Luật sư Aleksandr Shefer, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam do TS. LS. Đỗ Ngọc Thịnh làm Trưởng Đoàn, với sự tham gia của 14 thành viên các Đoàn Luật sư địa phương đã sang thăm và làm việc với Liên đoàn Luật sư Liên bang Nga và Đoàn Luật sư Saint Petersburg từ ngày 27/7/2019 đến 06/8/2019.

Ngoại trừ Trưởng Đoàn, tất cả các thành viên tham gia Đoàn công tác đều tự bỏ toàn bộ chi phí đi lại và ăn ở trong thời gian thăm và làm việc tại Liên bang Nga…

Tôi chạm mặt nước Nga với ánh nắng ngập tràn trên từng tượng đài, góc phố như lạ, như quen, với tình yêu trong tâm tưởng kéo dài đã 42 năm kể từ ngày nhập trường đến nay… 

Luật sư Phan Trung Hoài

 

Kỳ II: Nét truyền thống và hiện đại của mô hình tố tụng Liên bang Nga.