Ảnh minh họa.
Trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy đóng trên xã thuộc vùng rẻo cao biên giới ở phía Tây huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thị trấn Kiến Giang gần 58 km đường rừng. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống. Để mang con chữ đến cho đồng bào, các thầy cô phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Cùng với Ban Giám hiệu nhà trường, thầy Ngô Mậu Tình (Phó Hiệu trưởng nhà trường) là một người tâm huyết, gắn bó và đóng góp cho ngôi trường vùng sâu, vùng xa có nhiều nhiều khởi sắc. Thầy cũng là tác giả quen thuộc của những ký sự, phóng sự, thơ ca,... về đề tài giáo dục được in trên các báo trung ương và địa phương.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Ngô Mậu Tình về những vấn đề liên quan đến giáo dục hiện nay.
PV: Xin thầy cho biết đôi nét về trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy?
Thầy Ngô Mậu Tình: Trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy đóng trên xã thuộc vùng rẻo cao biên giới ở phía Tây huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thị trấn Kiến Giang gần 58 km đường rừng. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều sinh sống. Trong chiến tranh nhân dân, Lâm Thủy anh hùng đã góp phần cùng cả nước làm nên 2 cuộc kháng chiến vĩ đại. Hòa bình lập lại, họ một nắng hai sương bám rừng làm rẫy, trỉa lúa trồng ngô để duy trì cuộc sống và gìn giữ núi rừng. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi, không còn cảnh chạy vạy từng bữa ăn, vá từng manh áo như ngày trước.
Tuy nhiên do địa bàn xã biên giới rẻo cao nên đường sá đi lại cực kì khó khăn vào mùa mưa, nhiều điểm sạt lở, bị chia cắt khi vào mùa giông gió nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học. Một số bà con không quan tâm nhiều đến công tác giáo dục nên nhà trường cùng các cơ quan ban ngành phải kiên trì, thực hiện công tác vận động, dân vận để mang cái chữ đến với con em bản làng.
Các mạnh thường quân cùng đồng hành với chúng tôi nên đã chia sẻ phần nào những khó khăn mà trường đang gặp.
PV: Thầy có thể cho biết việc triển khai năm học và sách giáo khoa (SGK) mới đối với thầy trò vùng sâu, vùng xa Lâm Thủy?
Thầy Ngô Mậu Tình: Với đặc điểm địa lý, văn hóa và điều kiện kinh tế ở vùng đặc biệt khó khăn nên việc triển khai năm học và SGK gặp những khó khăn nhất định.
Có thể nói, khó khăn lớn nhất là SGK, do giá gấp 2 đến 3 lần so sách cũ nên đồng bào không thể mua sách cho con em học được. Vì thế, huyện Lệ Thủy trong mấy năm qua đã tặng 100% SGK cho học sinh ở trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy cũng như các trường đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn.
SGK mới có nhiều điểm mới về nội dung, phương pháp và mục tiêu giáo dục nhưng vẫn còn nhiều “hạt sạn” mà phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia giáo dục phát hiện ra nên trong quá trình thực hiện nhất định sẽ có những lúng túng, nghi ngại về chất lượng biên soạn và xuất hiện tư tưởng thất vọng. Điều này, thể hiện trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua với nhiều ý kiến thẳng thắn, tích cực nhằm hoàn thiện chương trình đổi mới thay sách cho những năm tiếp theo.
PV: Trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy đang học bộ SGK nào? Qua quá trình triển khai việc dạy và học, thầy thấy có gì thuận lợi và bất cập?
Thầy Ngô Mậu Tình: Trường PTDT bán trú TH&THCS Lâm Thủy cũng như rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh đang học bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam. Qua việc thực hiện SGK mới, chúng tôi thấy rằng về tinh thần, chương trình SGK mới đưa vào luồng gió mới trong quan điểm giáo dục, cố gắng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, về SGK, mọi người dễ dàng nhận thấy còn nhiều bất cập như: sách quá đắt đỏ, không đóng gáy như trước đây mà dùng công nghệ dán các trang lại nên rất dễ hư hỏng, in màu và dùng giấy bóng song dễ bong tróc, không thể dùng lâu dài cho nhiều thế hệ cùng học một quyển sách như trước đây. Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn. Nhà nông dân có 3 đứa con học chương trình thay sách, họ phải bán nhiều lúa, vay nợ mới mua nổi được sách giáo khoa để học. Bên cạnh đó bộ sách này còn sai về kiến thức, giáo dục ở môn Khoa học tự nhiên lớp 6; ngữ liệu phản cảm như Tiếng Việt lớp 1,2; Ngữ văn 6 có những văn bản chưa được chọn lựa theo đúng tiêu chí nhân văn, đảm bảo tính khoa học và giáo dục,…
PV: Ý kiến của thầy về việc khắc phục những bất cập này?
Thầy Ngô Mậu Tình: Theo tôi, điều đầu tiên là cần chấm dứt ngay việc “đồng phục” sách giáo khoa. Ở những địa phương nào có tình trạng đồng loạt sử dụng một bộ sách giáo khoa là có “vấn đề”. Cần thiết Bộ Công an vào cuộc để xác minh sự minh bạch. Có ý kiến cho rằng có hay không "kit test Việt Á" trong giáo dục là vấn đề hay, cần làm rõ. Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội vừa rồi, tôi thấy rất thẳng thắn, bản lĩnh. Chúng tôi đồng tình với ý kiến của bà.
Những bất cập này sẽ hạn chế được nếu có sự cạnh tranh công bằng giữa các NXB và các bộ SGK. Cần có cuộc cạnh tranh lành mạnh vì giá trị và những ưu việt của từng bộ SGK, chứ không phải là sự lựa chọn của bất kỳ tác động nào.
PV: Vừa qua, công luận được biết NXB Giáo dục Việt Nam đã sửa chữa, thu hồi và tiêu hủy hàng ngàn cuốn SGK sai, như cuốn Khoa học tự nhiên 6 là một ví dụ. Nhà trường đã tiến hành việc thu hồi SGK này như thế nào?
Thầy Ngô Mậu Tình: Theo dõi truyền hình, qua ý kiến của Đại biểu Quốc hội, tôi được biết Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng trả lời về việc đã sửa chữa, thu hồi và tiêu hủy hàng ngàn cuốn SGK sai. Nhưng đến bây giờ, trường chúng tôi chưa nhận được một công văn, mệnh lệnh nào về việc triển khai thu hồi, sửa chữa sách sai. Đến kết thúc năm học, thầy và trò nhà trường chúng tôi vẫn thực hiện theo phân phối chương trình như đầu năm học. Cho đến bây giờ tôi cũng được biết, đồng nghiệp ở các tỉnh thành khác cũng vậy. Họ cũng chưa bao giờ nhận được thông báo hay công văn về việc thu hồi, sửa chữa những cuốn SGK sai đã được công luận lên tiếng. Kết thúc năm học, học trò trường chúng tôi vẫn phải học những cuốn SGK có những lỗi sai nghiêm trọng ấy.
PV: Trường thầy xử lý như thế nào về những lỗi sai của các cuốn sách khi dạy cho học sinh?
Thầy Ngô Mậu Tình: Nhìn chung, các thầy cô phải loay hoay tự điều chỉnh khi SGK gặp “sự cố” trên. Cũng như việc không dạy chữ "p" ở lớp 1 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam vậy. Bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh ở Ngữ văn 6 tập 1, không thể hướng tới việc cam chịu bắt nạt, thầy cô phải giáo dục sự dũng cảm ở các em.
Nếu dạy như SGK sai e rằng, hệ quả thực tiễn và kiến thức sẽ rất phản cảm, thậm chí nguy hiểm cho học trò. Như cuốn Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là một ví dụ.
Hi vọng năm học mới, những cuốn SGK đúng, chuẩn về kiến thức, có giá trị về khoa học và thực tiễn, giàu tính nhân văn sẽ thay thế những kiến thức sai ở các cuốn SGK này. Thầy cô và học sinh có quyền được dạy và học những bộ SGK tốt nhất.
PV: Là cán bộ quản lý, đồng thời cũng là người trực tiếp giảng dạy, xin thầy cho biết những ý kiến, trăn trở của mình?
Thầy Ngô Mậu Tình: Là một giáo viên, với mong muốn cùng ngành giáo dục thực hiện thành công chương trình thay SGK năm 2018 nhằm đưa giáo dục phát huy tinh hoa, đảm bảo sự ổn định, khoa học, nhân văn, tôi có những đề xuất sau:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đoàn công tác đặc biệt đến các sơ sở giáo dục thay vì chỉ đạo và nghe báo cáo từ các Sở về việc lựa chọn SGK. Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng nhiều kênh, cần thanh tra nghiêm túc và cần thiết mời Công an vào cuộc để tránh hiện tượng kit test Việt Á trong giáo dục.
- Cần có sự đồng bộ giữa SGK và thiết bị phục vụ cho dạy và học. Mảng thiết bị giáo dục sẽ là một câu hỏi rất lớn, bởi nó "ngốn" ngân sách nhà nước quá lớn. Tuy nhiên, chất lượng thiết bị dạy học các trường nhận như thế nào, thời gian có thể sử dụng bao lâu, giá cả ngất ngưởng như vậy có đúng với thực tế không, Bộ nên cần làm rõ và minh bạch. Cần kịp thời và minh bạch, chuẩn xác về thông tin trước những vấn đề “nóng” của giáo dục mà công luận đã phản ánh và xã hội quan tâm.
- Có cơ chế nắm bắt tình hình của dư luận và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, phát huy hơn nữa tính dân chủ trong giáo dục để giáo viên được bộc lộ quan điểm tích cực, phát huy tính trách nhiệm với ngành, với nhân dân và đặc biệt với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn những ý kiến của thầy.
QUANG NGUYÊN (thực hiện)
Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: Vì sao không đưa chữ ‘p’ vào SGK lớp 1?