Một số điểm mới đáng chú ý về thuế GTGT và thuế TNCN với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Thông tư 40

12/07/2021 03:22 | 3 năm trước

(LSVN) - Ngày 01/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Thông tư 40). Thông tư này được ban hành thu hút đông đảo sự quan tâm của các cá nhân, hộ kinh doanh với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Lê Thu Hà, Công ty Luật TNHH Vietthink. 

Thứ nhất, Thông tư 40 bổ sung nhiều khoản thu nhập chịu thuế GTGT và thuế TNCN

So với Thông tư 92/2015/TT-BTC (Thông tư 92), Phụ lục I của Thông tư 40 vẫn quy định bốn nhóm ngành nghề chịu thuế GTGT và TNCN nhưng các nội dung đã được bổ sung tương đối nhiều.

Ví dụ như các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán chịu thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0.5%; quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số chịu thuế GTGT 5%, thuế TNCN 2%... Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác cũng là thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân, hộ kinh doanh. 

Thứ hai, chia nhóm đối tượng áp dụng các phương pháp tính thuế khác nhau

Để phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 40 đã quy định chi tiết hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Cụ thể như sau: 

Về đối tượng áp dụng: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai (khoản 1 Điều 5 Thông tư 40); 

Về cách thức thực hiện: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng; trừ trường hợp các hộ và cá nhân này đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn phương án này. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng (khoản 2, 3 Đều 5 Thông tư 40). 

Thứ ba, xác định căn cứ chung để tính thuế cho cá nhân, hộ kinh doanh

Theo Thông tư 92, mỗi phương pháp tính thuế sẽ được quy định một căn cứ tính thuế riêng nhưng Thông tư 40 đã gộp chung thành một quy định duy nhất về căn cứ tính thuế tại Điều 10. Theo đó, căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. 

Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…

Tỷ lệ tính thuế trên doanh thu bao gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN được nêu chi tiết tại Phụ lục I của Thông tư 40. Cụ thể:

Thứ tư, phương pháp tính thuế với cá nhân, hộ kinh doanh cho thuê tài sản

Điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40 quy định rằng cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuế) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch; doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Như vậy nghĩa là đối với cá nhân, hộ gia đình không cho thuê tài sản trong thời gian trong 12 tháng/năm thì căn cứ để xác định việc đóng thuế là doanh thu danh nghĩa chứ không phải doanh thu thực tế phát sinh. 

Trên thực tế, kể từ khi văn bản này được ban hành đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Do đó, trong tương lai, cơ quan thuế sẽ có những quy định và cụ thể hơn với từng trường hợp và những trường hợp đặc biệt. Thông tư 40 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2021. 

LÊ THU HÀ

Công ty Luật TNHH Vietthink

Bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo quy định của pháp luật