/ Thư viện pháp luật
/ Một số điểm mới hướng dẫn thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Một số điểm mới hướng dẫn thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

02/05/2024 18:53 |

(LSVN) - Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, có một số điểm mới như thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, việc trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Ảnh minh họa.

Theo đó, trong phạm vi điều chỉnh, Thông tư số 14/2024/TT-BCA quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, công nhận thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; trình tự, thủ tục điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đồng thời, quy định về việc huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Liên quan đến việc huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo Thông tư các nội dung huấn luyện, bồi dưỡng bao gồm: Nắm tình hình về an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

Đối với diễn tập, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, Công an các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với nhiệm vụ được giao theo một số tình huống.

Cụ thể gồm: Trực tiếp phát hiện vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách.

Tham gia cùng Công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng; nắm thông tin nhân khẩu trên địa bàn phụ trách; nắm thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tham gia vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở.

Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Bảo vệ hiện trường, bảo vệ an ninh, trật tự, cấp cứu người bị nạn.

Bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã.

Giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Tham gia cùng Công an cấp xã tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự; phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông.

Một số tình huống khác phục vụ trực tiếp việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thông tư quy định, Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định tại khoản 1, Điều 25, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể gồm: Dùi cui cao su, Dùi cui kim loại, Áo giáp chống đâm, Găng tay bắt dao.

Thông tư số 14/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

NGUYỄN QUÝ

Thời điểm ban hành Nghị định chế độ tiền lương mới

Nguyễn Hoàng Lâm