Một số khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

04/09/2022 15:01 | 2 năm trước

(LSVN) - Thời gian qua, việc tiếp công đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đạt kết quả tốt; công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân được thực hiện ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn; hiệu quả của công tác tiếp công dân ngày càng được khẳng định, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy nhà nước. Do đó, hoạt động tiếp công dân cần phải được coi trọng, củng cố và tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp công dân vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là việc tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Theo khoản 2 Điều 16 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định: "Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh bố trí công chức thuộc Thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân. Việc tiếp công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và việc tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất tổ chức và hoạt động của từng cơ quan"; khoản 2 Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân quy định: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân mà không cử người tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân các cấp phải bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm khang trang, thuận tiện, có phòng tiếp công dân riêng, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân".

Việc triển khai quy định này, trên thực tế phát sinh những khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, theo quy định, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải bố trí công chức thuộc Thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân, tuy nhiên hiện nay, với chủ trương sắp xếp tổ chức, bộ máy và tinh gọn các phòng chuyên môn bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh nên một số cơ quan không còn tổ chức thanh tra, do đó, không thể bố trí công chức thanh tra làm công tác tiếp dân.

Thứ hai, theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ thì nếu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không cử người tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thì phải có phòng tiếp công dân riêng. Thực hiện quy định này, ở nhiều địa phương, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện không thống nhất; có nơi bố trí phòng tiếp công dân riêng, có nơi không bố trí hoặc bố trí tại phòng làm việc của Thanh tra Sở, Văn phòng Sở hoặc các phòng chuyên môn khác.

Thứ ba, hiện số lượt người đến phòng tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là rất ít, trừ các cơ quan như Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều cơ quan chuyên môn cả năm không tiếp lượt công dân nào đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nhưng vẫn phải duy trì phòng tiếp công dân và các trang thiết bị phục vụ cho công tiếp công dân, nhất là phải bố trí công chức thường xuyên trực tiếp công dân nên đã gây ra sự lãng phí không cần thiết.

Thứ tư, Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân; theo đó, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/1 ngày/1 người. Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương được bồi dưỡng 150.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/1 ngày/1 người.

Mặc dù, pháp luật đã quy định cụ thể, rõ ràng về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, tuy nhiên, một số cơ quan không chi chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tiếp công dân do không phát sinh việc tiếp công dân hoặc có cơ quan không phát sinh việc tiếp công dân nhưng vẫn chi tiền bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tiếp công dân; hoặc có cơ quan không chi tiền bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tiếp công dân theo ngày mà chi bồi dưỡng khi phát sinh vụ việc tiếp công dân. Điều này, dẫn đến việc áp dụng quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân không thống nhất và không công bằng giữa người làm nhiệm vụ tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân với nhau.

Thiết nghĩ, từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần thiết phải được tổng kết, nghiên cứu và hướng dẫn để áp dụng pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hiện nay.

ĐỖ VĂN NHÂN

Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2022