Ảnh minh họa.
Theo khoản 3, Điều 21, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì đối với những thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định cần lưu ý:
Nếu không có lý do chính đáng thì coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.
Nếu do ốm đau, tai nạn, có giấy xác nhận của bệnh viện quận, huyện trở lên hoặc do thiên tai có xác nhận của UBND quận, huyện trở lên, cơ sở đào tạo xem xét quyết định tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.
Nếu do sai sót, nhầm lẫn của cán bộ thực hiện công tác tuyển sinh hoặc cá nhân thí sinh gây ra, cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan xem xét các minh chứng và quyết định việc tiếp nhận thí sinh vào học hoặc bảo lưu kết quả tuyển sinh để thí sinh vào học sau.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống theo kế hoạch chung, tại Điều 19, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT cũng quy định, Bộ GD&ĐT hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự tuyển đợt 1 đào tạo chính quy (bao gồm cả những thí sinh đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống (qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia) theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Thí sinh thể hiện nguyện vọng của mình qua những lựa chọn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT) như sau:
- Thứ tự ưu tiên của nguyện vọng (số 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất);
- Lựa chọn về cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển sinh (mã trường);
- Lựa chọn ngành, nhóm ngành, chương trình đào tạo (mã ngành);
- Lựa chọn phương thức tuyển sinh (mã phương thức);
- Lựa chọn tổ hợp xét tuyển (mã tổ hợp) đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi theo bài thi/môn thi, hoặc phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập các môn học cấp THPT.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quy định tại Điều 19, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT và quy định, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Ngoài ra, việc tổ chức đăng ký và xét tuyển đại học các đợt bổ sung quy định tại Điều 22, Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT cũng nêu rõ, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học vào các ngành, chương trình đào tạo, hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo xem xét, quyết định xét tuyển các đợt bổ sung. Cơ sở đào tạo công bố kế hoạch xét tuyển, phương thức xét tuyển và hình thức đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung; điều kiện xét tuyển đối với các ngành, chương trình đào tạo theo từng phương thức xét tuyển nhưng không thấp hơn điều kiện trúng tuyển đợt trước.
Thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển, cơ sở đào tạo công bố trên trang thông tin điện tử điểm trúng tuyển (và các điều kiện, tiêu chí phụ nếu có) vào các ngành, chương trình đào tạo theo các phương thức tuyển sinh; tổ chức cho thí sinh tra cứu kết quả xét tuyển của cá nhân; gửi giấy báo trúng tuyển và hướng dẫn cho thí sinh trúng tuyển nhập học.
TRẦN MINH
Tuyển sinh đại học dựa trên kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024