/ Thư viện pháp luật
/ Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới

Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới

04/01/2024 15:02 |

(LSVN) - Bộ Công thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Ảnh minh họa.

Theo đó, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại biên giới. Đồng thời, khắc phục những vấn đề phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP như khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới thời gian qua, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là nông sản) qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hình thức thương mại chính ngạch. 

Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công thương đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới như sau:

Điều chỉnh quy định liên quan đến nơi cư trú của chủ thể tham gia hoạt động thương mại biên giới
Tại Luật Cư trú năm 2020 và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan không có quy định giải thích từ ngữ đối với cụm từ "hộ khẩu thường trú". Như vậy, khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 16 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đang sử dụng cụm từ "hộ khẩu thường trú" là chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 16 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP:

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau: Cư dân biên giới thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là công dân Việt Nam có nơi thường trú tại xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị hành chính tương đương có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16: Thương nhân, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, có nơi thường trú tại khu vực biên giới hoặc cư trú tại khu vực biên giới theo quy định pháp luật.

Tại dự thảo, Bộ Công thương cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 4 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP theo hướng bỏ phương thức thanh toán bằng tiền mặt đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cụ thể như sau: "Phương thức thanh toán: Thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng); thanh toán bằng tiền mặt chỉ áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới."

Như vậy, việc bỏ phương thức thanh toán bằng tiền mặt đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của thương nhân qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới là phù hợp với thực tế và không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán thương mại biên giới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh tiền tệ khu vực biên giới.

Bộ Công thương cũng đề xuất điều chỉnh quy định về giấy tờ được sử dụng để xác định chủ thể của nước có chung đường biên giới hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và giấy tờ xuất nhập cảnh của: chủ thể xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam; chủ thể xuất nhập cảnh người và phương tiện của nước có chung đường biên giới.

Theo dự thảo, trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029, chỉ cư dân biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác (nếu có) theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2030, hàng hoá chỉ được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ, lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới, lối mở biên giới theo quy định pháp luật hiện hành và đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

THU HƯƠNG

Bùi Thị Thanh Loan