/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số quy định về dạy thêm, học thêm mà giáo viên cần lưu ý nhằm tránh vi phạm

Một số quy định về dạy thêm, học thêm mà giáo viên cần lưu ý nhằm tránh vi phạm

11/02/2025 07:03 |1 tháng trước

(LSVN) - Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định nhiều điểm mới về dạy thêm học thêm có hiệu lực kể từ ngày 14/02 tới.

Các trường hợp không được dạy thêm học thêm

Theo đó, tại Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về các trường hợp không được dạy thêm, học thêm bao gồm:

- Không tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy, giáo viên tất cả các trường công lập, tư thục hay giáo viên tự do ở các trung tâm đều không được dạy các môn văn hoá cho học sinh lớp 1. Giáo viên có thể dạy thêm nhằm bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2019, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định trên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được xếp vào đội ngũ viên chức và phải thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức.

Trong đó, với quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Như vậy, giáo viên các trường công lập sẽ không được tự mở trung tâm hay tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng nêu rõ, nguyên tắc của dạy thêm, học thêm là chỉ được tổ chức khi học sinh, sinh viên có nhu cầu và tự nguyện học và được phụ huynh hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường hoặc các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được dùng hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

Điều này, tránh được tình trạng phụ huynh phải “tự nguyện” viết đơn xin học thêm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các trường hợp tổ chức, cá nhân dạy thêm vì phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm nhưng vi phạm các quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng sẽ bị xử lý theo quy định.

Điều kiện để giáo viên được dạy thêm

Giáo viên trường công lập và tư thục đều được dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, giáo viên phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT như:

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện việc đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm

UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, thanh tra

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo đó, Công điện số 10/CĐ-TTg nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Bởi vì, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số nơi còn bất cập chưa được kịp thời xử lý ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT cũng có nội dung UBND tỉnh, thành phố là đơn vị chịu trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.

Trong đó, UBND tỉnh, thành phố là đơn vị ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương, trong đó có quy định về trách nhiệm của UBND các cấp; các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; Việc quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm.

UBND tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở GD&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lí trên địa bàn.

Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

Kiến nghị làm rõ quy định về 'cấm ép học thêm'

Ngày 07/02/2025, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học là quy định có tính “cách mạng”, góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc hình thành doanh nghiệp công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học sẽ tạo “vườn ươm” công nghệ, đóng góp tích cực trong sự phát triển khoa học công nghệ, đồng thời “cởi trói” cho các nhà công nghệ, vừa là các nhà giáo trong các trường đại học lớn.

Dẫn chứng Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm đang được dư luận xã hội quan tâm, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị làm rõ, chi tiết hơn quy định cấm “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức” và để tránh trá hình bằng hình thức viết đơn “tự nguyện học thêm” của phụ huynh.

Cụ thể, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, mặc dù Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có những biện pháp “hơi mạnh” nhưng cần thiết để tránh tiêu cực phát sinh.

Nhằm bảo đảm nhu cầu dạy thêm, học thêm chính đáng: Giáo viên giỏi có quyền dạy thêm để có thêm thu nhập, học sinh thiếu hụt về kiến thức hoặc muốn học giỏi hơn nên cần học thêm; nhưng phải tránh xảy ra những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn lại việc dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhiều nội dung liên quan những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm, nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được?. Bên cạnh đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, việc ép buộc hay không ép buộc rất khó, vì không ép buộc thì có đơn tự nguyện và phụ huynh cũng phải viết đơn tự nguyện đấy. Đồng thời, học sinh có thể không muốn đi học thêm, nhưng nếu không đi lại có khi lại bị phân biệt đối xử.

Từ đó, cần quy định rõ việc “tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền” để giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm trá hình.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, cập nhật các quy định pháp luật đang được sửa đổi, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

MINH NGUYÊN

Các tin khác

LSVN