Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Có thể nói, cụm từ Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội hay Văn hóa còn thì dân tộc còn… là những cụm từ về văn hóa - xã hội được truyền thông đề cập đến rất dày đặc trong năm 2023.
Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa có những bước phát triển quan trọng. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Trong đường lối của mình, Đảng ta coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, là nguồn lực nội sinh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, coi trọng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, coi trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa gắn với con người, do con người sáng tạo. Khi đề cập đến văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII luôn nhấn mạnh việc phát huy vai trò con người, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Việc nhấn mạnh đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng thể hiện sự phù hợp với quan điểm tiến bộ về văn hóa – xã hội trên thế giới hiện nay.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, năm 2023, một chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) có thể được coi là một trong số những sự kiện văn hóa-xã hội nổi bật trong năm 2023. 80 năm đã qua, giá trị bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày càng được khẳng định, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế, thể hiện vị trí vai trò của văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú được tổ chức, trong đó đáng chú ý là Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển"; Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.
Ngoài ra còn có các chương trình, sự kiện đặc biệt như: Chương trình nghệ thuật đặc biệt, Tuần phim, Triển lãm… Lần đầu tiên tổ chức sự kiện “Tuyên dương 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023” và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc. Bên cạnh đó, có một số sự kiện nổi bật như Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027. Trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng có nhiều thành tựu nổi bật: TP. Hội An (Quảng Nam) và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được công nhận Thành phố sáng tạo UNESCO. Đề cương văn hóa Việt Nam là cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, có vai trò định hướng cho nhận thức và phương châm hoạt động của nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Đây cũng là văn bản chuyên đề đầu tiên thể hiện quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa – xã hội.
Năm 2023 cũng là năm các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng nhiều hình thức, biện pháp xử lý mạnh hơn đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-xã hội bởi họ là những người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội, nhất là trên các trang mạng xã hội có tốc độ lan truyền nhanh chóng. Xã hội sẽ tốt hơn nếu họ là những tấm gương tích cực và ngược lại. Trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những tác động tiêu cực từ mặt trái của quá trình thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào đời sống xã hội, làm suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người và xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng. Sự đan xen giữa yếu tố tích cực và tiêu cực trong quá trình vận động và phát triển của nền kinh tế ở thời kỳ chuyển đổi đã tạo nên sự phức tạp trong vấn đề xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người. Do đó, để làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội,… đã phối hợp xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật, hướng tới mục tiêu "xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam" [1], những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể phải gánh chịu nhiều chế tài nghiêm khắc như bị cấm sóng; hạn chế biểu diễn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội hoặc xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình,...
Đảng ta là Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 4 Hiến pháp 2013 Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa-xã hội. Muốn tập hợp, lôi kéo được quần chúng, Đảng phải có ảnh hưởng tốt trong quần chúng. Nếu không đấu tranh, phản bác với văn hóa độc hại thì Đảng khó mà tập hợp quần chúng.
Ngay từ rất sớm, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã xác định công cuộc phát triển đất nước dựa trên ba trụ cột chính đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, Đảng đã xác định nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên tất cả các lĩnh vực trong đó có văn hóa- xã hội. Nhà nước đã cụ thể hóa quan điểm và ngày càng tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực văn hóa, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện. Thông qua đó, quan điểm của Đảng về văn hóa-xã hội được thẩm thấu và đi vào cuộc sống,
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021- 2030, Đảng ta xác định đẩy mạnh ba đột phá chiến lược đó là thể chế, nhân lực và hạ tầng. Quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta xác định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực cho phát triển; tuyệt đối không đánh đổi công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế [2]. Ngày 12/11/2021, Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Chiến lược khẳng định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...
Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược đó là Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các Luật như: Điện ảnh, Di sản văn hóa, Sở hữu trí tuệ, Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng mới các Luật: Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Triển lãm…và hệ thống các văn bản dưới luật.
Về mặt thể chế, chính sách, Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, Luật Điện ảnh coi điện ảnh là một trong những điểm nhấn của công nghiệp văn hóa, vừa tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật Điện ảnh mới được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật, như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; giải thưởng điện ảnh Việt Nam, quốc tế trong và ngoài nước, cùng chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thể chế hóa chủ trương của Đảng trong vấn đề xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đoàn kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[3].
Lĩnh vực di sản cũng nhận được nhiều sự quan tâm về thể chế khi dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) [4] được hoàn thiện và trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, trình Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến; xây dựng dự thảo Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 05 thông tư liên quan đến bảo tồn, bảo vệ di sản. Trên thế giới, ở các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, người Ảrập chiếm số lượng rất khiêm tốn chỉ hơn 20%, phần còn lại là người nhập cư, tuy nhiên những dấu ấn văn hóa của người Ảrập là điểm hấp dẫn khách du lịch trên khắp thế giới. Đồng thời, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 có nội dung trình Quốc hội cho ý kiến dự án luật Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Gần đây, để góp phần đảm bảo ổn định trật tự an toàn về văn hóa- xã hội, Luật Đất đai sửa đổi vừa được kỳ họp bất thường của Quốc hội thông qua.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa-xã hội, với mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,... trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đồng thời là giải pháp đầu tiên đó là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Một xã hội, một tổ chức hay một con người nếu không có động lực hoạt động thì sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, cầm chừng, thậm chí là suy thoái, tan rã. Về động lực trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, khoa học - công nghệ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[5]. Động lực đó càng trở nên cần thiết trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, mỗi tổ chức, cá nhân người dân trong lĩnh vực hoạt động của mình cần luôn có ý thức kiên quyết lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Khi hình thành văn hóa chính trị rộng rãi, nền công vụ của chúng ta chắc chắn không còn những đại án tham nhũng, tiêu cực như vừa qua. Khi văn hóa trong hoạt động kinh tế trở thành một thói quen, người dân, doanh nghiệp chắc chắn không đánh đổi công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Khi mỗi cá nhân ý thức sâu sắc về hành vi hàng ngày góp phần hình thành văn hóa dân tộc, đó là lúc chúng ta xây dựng thành công đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.106. [2] https://moitruong.net.vn/viet-nam-khong-danh-doi-tien-bo-cong-bang-xa-hoi-moi-truong-lay-tang-truong-kinh-te-don-thuan-63088.html [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.223. [4] https://baochinhphu.vn/nghi-quyet-ve-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-nam-2024-102230621164810761.htm [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 110. |
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. 2. Chính phủ (2021), Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. 3. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025. |
TIẾN SĨ BÙI THỊ LONG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất