Ảnh minh họa.
Cổ đông thiểu số là khái niệm trên thực tế còn tồn tại rất nhiều tên gọi khác nhau. Đặt trong mối quan hệ tương quan với cổ đông sở hữu nhiều vốn, thì người ta có thể gọi cổ đông sở hữu ít vốn là cổ đông ít vốn, cổ đông nhỏ hay cổ đông thiểu số, thậm chí có người còn gọi họ với cái tên ví von là “những ông chủ thấp cổ bé họng” [1].
Hiện nay, về mặt pháp luật thực định chúng ta chưa có một định nghĩa về cổ đông thiểu số hay các đặc điểm về cổ đông thiểu số, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, chúng ta có thể tiếp cận định nghĩa này trong mối quan hệ với định nghĩa về “cổ đông lớn”. Như vậy, khi đưa ra khái niệm cổ đông thiểu số cần phải dựa vào đồng thời hai tiêu chí là: (i) Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty và (ii) Khả năng tham gia vào quá trình quản lý, kiểm soát công ty của cổ đông. Bởi lẽ, “nếu không tính đến khả năng kiểm soát công ty thì bản thân số lượng cổ phần không thể xác định được vị trí của cổ đông là cổ đông thiểu số hay cổ đông đa số” [2].
Trên thực tế, khả năng tham gia vào quá trình quản lý, kiểm soát công ty của cổ đông là phụ thuộc vào tỷ lệ phần vốn góp mà cổ đông nắm giữ trong công ty. Theo đó, cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần càng cao trong công ty thì khả năng chi phối tới quá trình quản lý, kiểm soát công ty càng cao và ngược lại. Chính vì vậy mà “nếu cổ đông nhỏ không bị chèn ép bởi những cổ đông lớn thì bản thân phần vốn góp ít ỏi trong công ty cũng sẽ làm cho họ bị hạn chế về quyền lợi, đặc biệt là quyền quyết định và quyền hưởng lợi tức” [3]. Điều đó cũng có nghĩa là khi những cổ đông thiểu số liên kết lại với nhau tạo thành nhóm cổ đông và thực thi được các quyền của nhóm cổ đông, thì khi này, cổ đông sở hữu ít vốn sẽ không còn được xem là cổ đông thiểu số vì họ đã gián tiếp thông qua nhóm cổ đông để tham gia vào quá trình quản lý, kiểm soát công ty.
Tóm lại, khái niệm cổ đông thiểu số được hiểu một cách tương đối như sau: Cổ đông thiểu số là cổ đông sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong công ty cổ phần và không có khả năng chi phối, kiểm soát hoạt động của công ty.
Cho đến nay, vẫn chưa có một quy định nào của pháp luật đưa ra định nghĩa về nhóm cổ đông, tuy nhiên từ các quy định của pháp luật, có thể hiểu rằng “Nhóm cổ đông là tập hợp các cổ đông thiểu số sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” (khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020).
Như vậy, nhóm cổ đông có thể được tạo ra từ nhiều cách thức khác nhau, bởi theo nguyên tắc chỉ cần hai cổ đông trở lên tập hợp lại với nhau cũng tạo thành một nhóm cổ đông. Nhưng nhóm cổ đông theo quy định của pháp luật phải là nhóm cổ đông đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về thời gian sở hữu cổ phần của các cổ đông và tổng số cổ phần mà nhóm cổ đông sở hữu.
Bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số được hiểu là hoạt động pháp lý được thực hiện bởi những chủ thể có nghĩa vụ bảo vệ các lợi ích được hưởng của cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần nhằm phòng ngừa, trừng trị hành vi vi phạm quyền của cổ đông thiểu số, đồng thời phục hồi những quyền đã bị hạn chế, tước bỏ bởi hành vi vi phạm quyền của cổ đông thiểu số.
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những thay đổi cơ bản nhằm tăng cường mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số và để bảo vệ cổ đông thì phải sử dụng công cụ pháp luật mà trong đó quy định về quyền của cổ đông giữ vai trò quan trọng nhất. Quyền của cổ đông là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để bảo vệ cổ đông, là phương tiện để cổ đông có thể sử dụng để bảo vệ mình. Những yếu tố khác như cơ chế kiểm soát bên trong thông qua cấu trúc quản trị nội bộ hay cơ chế kiểm soát bên ngoài và thiết chế đảm bảo thực thi pháp luật là những yếu tố bổ trợ, yếu tố đảm bảo, là điều kiện cho các quyền của cổ đông được thực thi nhằm bảo vệ cổ đông.
Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số theo các quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020
Bảo vệ quyền quản trị công ty của cổ đông thiểu số
- Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông từ 5% xuống 10%
Tại điểm a khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền tham gia các hoạt động liên quan đến quản lý công ty. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền của cổ đông nói chung và quyền của cổ đông thiểu số nói riêng vì nó quy định một khả năng gom nhóm của cổ đông để nâng cao quyền lực cho cổ đông, thực hiện quyền một cách tập thể.
Bằng cách gom nhóm các cổ đông thiểu số có quyền đề cử, ứng cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát góp tiếng nói về quản lý công ty và từ đó hạn chế sự lạm dụng quyền lực của những người quản lý công ty. Đây là cơ chế đảm bảo các cổ đông phổ thông luôn có đại diện của mình trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Có đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, họ có thể nắm bắt được thông tin và tham gia quyết định, góp ý một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc liên quan đến quyết định chào bán cổ phần, cổ phiếu và giá cổ phần chào bán ra bên ngoài. Hầu hết các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông chủ yếu chỉ là thông qua những nội dung mà Hội đồng quản trị đã chuẩn bị sẵn. Một thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, chỉ khoảng 8% công ty cổ phần có bổ sung nội dung mới vào Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
- Bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông và quyền cổ đông nhỏ lẻ được bảo đảm trong công ty cổ phần
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:
Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp;
Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết;
Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty.
Trước đây theo Luật Doanh nghiệp 2014 những quyền của nhóm cổ đông thiểu số chỉ dành cho nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần và nhóm cổ đông phải nắm giữ cổ phần tối thiểu trong 6 tháng. Trong quy định này có phần hơi phi lý khi ràng buộc điều kiện các cổ đông hay nhóm cổ đông phải nắm giữ cổ phần tối thiểu trong 6 tháng. Đã là chủ sở hữu thì đương nhiên có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, nhưng trong quy định này, luật lại tước đi quyền định đoạt của cổ đông thiểu số; nhưng sau khi cướp đi quyền này thì lại trang bị cho họ cơ chế thực hiện cái quyền mình không còn.
- Quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần, bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, thì Đại hội đồng cổ đông quyết định những vấn đề quan trọng của công ty, quyền hạn của Đại hội đồng cổ đông là rất lớn.
Tuy nhiên, hiện nay các cổ đông thiểu số trong nhiều công ty cổ phần vẫn đang bị hạn chế quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông bởi các cổ đông lớn và Hội đồng quản trị dưới nhiều hình thức. Đồng thời, các quy định về quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông của cổ đông trong Luật Doanh nghiệp 2014 còn tồn tại một số bất cập, khiến cho các cổ đông. Đặc biệt là cổ đông thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền cổ đông này của mình, cũng như các khó khăn mà các công ty cổ phần gặp phải trong công tác tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông cũng khiến cho quyền dự họp của cổ đông thiểu số không được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Quyền dự họp và phát biểu chỉ là hình thức, là hư quyền, còn kết quả cuối cùng luôn được khẳng định bằng lá phiếu biểu quyết, là thực quyền, thì quyền của cổ đông nhỏ gần như không có ý nghĩa. Điều này đã được Luật Doanh nghiệp 2020 khắc phục.
- Quyền biểu quyết và tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định tại Đại hội đồng cổ đông.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 ra đời và có hiệu lực pháp luật đã khắc phục được phần nào những hạn chế của Luật Doanh nghiệp 2014 về quyền biểu quyết của cổ đông, các nhà làm luật đã ghi nhận hình thức thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông theo hướng mở rộng, tạo điều kiện cho các cổ đông thực hiện quyền biểu quyết của mình.
Bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của cổ đông thiểu số
Nhìn chung pháp luật đã quy định khá đầy đủ và chi tiết về nghĩa vụ công bố thông tin công ty cổ phần, cũng như nghĩa vụ công bố thông tin của người quản lý công ty. Tuy nhiên, trên thực tế việc công bố thông tin công ty cổ phần vẫn mang tính hình thức. Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều công ty thực hiện việc công bố thông tin thiếu chính xác, không đầy đủ hoặc không kịp thời, lợi dụng việc công bố thông tin để gây nhiễu thị trường, làm cho cổ đông nhỏ hoang mang dẫn đến việc chuyển nhượng cổ phần bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng cổ đông lớn, đặc biệt là cổ đông nội bộ của các công ty niêm yết tiến hành giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin.
Về quyền xem xét và trích lục sổ sách, tài liệu của cổ đông thiểu số: Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền này còn không ít bất cập. Một là, lượng thông tin bắt buộc phải cung cấp khi có yêu cầu là rất hạn chế; Hai là, giới hạn chủ thể được yêu cầu cung cấp, chỉ có cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 5% mới có quyền này, nếu không thỏa mãn hai điều kiện trên thì không có quyền yêu cầu.
Nâng cấp quản trị doanh nghiệp công ty cổ phần
Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là tạo nên sự thay đổi trong quản trị công ty. Các vấn đề này rất kỹ thuật, nhưng sẽ làm thay đổi bản chất hoạt động của doanh nghiệp.
Một cách tổng quan nhất, các điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến quản trị doanh nghiệp tập trung vào mở rộng quyền, phạm vi của cổ đông, nhóm cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty. Cụ thể, giảm bớt yêu cầu, điều kiện để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng như đề cử, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Luật Doanh nghiệp 2020 giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần, bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục từ trên 06 tháng, bỏ yêu cầu sử dụng mẫu đại diện ủy quyền của cổ đông do công ty phát hành. Có thể nói, thông qua những sửa đổi có tính đột phá đối với khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ chuẩn mực mới quản trị công ty, tuân thủ yêu cầu về công khai, minh bạch. Đây chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tìm kiếm bạn hàng, đối tác mới... Doanh nghiệp sẽ lớn lên chính từ sự chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp.
Thực tế, lâu nay, quản trị doanh nghiệp vẫn được coi là điều “xa xỉ” ở doanh nghiệp Việt Nam. Những vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong ngành cà phê một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đều có một nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Không những thế, thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp
Pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số theo các quy định mới của Luật Chứng khoán 2019
Luật Chứng khoán 2019 quy định cụ thể 6 nguyên tắc quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng tại Điều 40 bao gồm: Cơ cấu quản trị hợp lý, hiệu quả; Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị đối với công ty và cổ đông; Bảo đảm quyền của cổ đông, đối xử bình đẳng giữa các cổ đông; Bảo đảm vai trò của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và các tổ chức trung gian trong việc hỗ trợ hoạt động quản trị công ty; Tôn trọng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị của công ty; Công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và minh bạch hoạt động của công ty; bảo đảm cổ đông được tiếp cận thông tin công bằng.
Luật Chứng khoán 2019 cũng nêu rõ quyền và nghĩa vụ của cổ đông nói chung và cổ đông thiểu số nói riêng như sau: Được đối xử bình đẳng; Được tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường do công ty công bố theo quy định của pháp luật; Được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị đình chỉ, hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Cổ đông lớn không được lợi dụng ưu thế của mình gây ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích của công ty, của các cổ đông khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; có nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của pháp luật; Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Luật Chứng khoán 2019 với nhiều quy định mới nhằm ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả đầu tư và niềm tin của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đặc biệt là đối với các cổ đông thiểu số và hoạt động trên thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực trạng pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số và một số định hướng
Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật chứng khoán 2019 nhìn chung đã có thêm cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư thiểu số khi cho phép nhóm cổ đông tối thiểu 5% có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường.
Thực tế đã có nhiều trường hợp xung đột lợi ích giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn và thiệt hại phần nhiều thuộc về cổ đông nhỏ bởi họ thường thiếu thông tin và quyền hạn chế. Mặc dù trong luật quy định cổ đông nhỏ lẻ có nhiều quyền như được yêu cầu trích lục bút toán... song gần như doanh nghiệp niêm yết "bỏ lơ", trong khi nhiều cổ đông nhỏ không biết có quyền này.
Các chuyên gia cho rằng Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán dù có tăng quyền cho nhóm cổ đông nhỏ, song để thực hiện là không hề dễ. Như nhóm cổ đông nhỏ đạt tỉ lệ 5% cổ phần có quyền triệu tập đại hội cổ đông nhưng để làm sao cổ đông nhỏ lẻ cùng tập hợp, liên kết đủ 5% lại là vấn đề. Vì vậy, cần phải có tổ chức chuyên nghiệp, chuyên gia bảo vệ cổ đông nhỏ. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần phải định nghĩa rõ ràng cổ đông thiểu số là ai, đặc điểm của cổ đông thiểu số là gì để có thể nhận dạng được họ, đồng thời để họ biết quyền và nghĩa vụ của mình ra sao. Nên chăng việc xác định có là cổ đông thiểu số hay không không nên dựa vào tỷ lệ sở hữu với những con số tuyệt đối, mà nên căn cứ vào khả năng chi phối được công ty, khả năng áp đặt quan điểm, ý chí, đường lối, sách lược trong công ty. Tùy vào cơ cấu sở hữu mỗi công ty để xác định đâu là cổ đông thiểu số sẽ chính xác hơn, tránh tình trạng cùng một tỷ lệ sở hữu cổ phần như nhau nhưng có công ty thì họ là cổ đông thiểu số, có công ty thì họ lại không phải là cổ đông thiểu số nếu căn cứ theo tỷ lệ 5%.
Để thực hiện hiệu quả việc bảo vệ cổ đông thiểu số trên thực tế, thì bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp lý liên quan, thì cần phải đảm bảo việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Cần thiết phải tăng cường sự thanh tra, giám sát và sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán nhà nước trong hoạt động công bố thông tin và các giao dịch của công ty cổ phần trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, pháp luật còn phải có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền lợi của cổ đông thiểu số, để tạo sự răn đe. Và chính cổ đông thiểu số cũng phải có ý thức trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, các cổ đông thiểu số phải biết liên kết lại với nhau để tạo thành sức mạnh chống lại sự chèn ép của cổ đông lớn và nâng cao hiểu biết pháp luật của mình.
===================== [1] Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Đình Cung (2009), “Công ty: Vốn, quản lý & Tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp 2005”, NXB Tri Thức, tr. 347. [2] Nguyễn Hoàng Thuỳ Trang (2008), “Bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần – So sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Vương Quốc Anh”, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Đại học Luật TP. HCM, tr. 12. [3] Lê Văn Qua (2008), “Pháp luật về bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần”, Khoá luận Cử nhân Luật, Đại học Luật TP. HCM, tr. 9. |
LINH CHI