/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số ý kiến về đề xuất chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn 05-10 năm

Một số ý kiến về đề xuất chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn 05-10 năm

30/05/2024 19:58 |

(LSVN) - Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư mới, thay thế Luật Luật sư hiện hành. Trong đó, đề xuất được đông đảo Luật sư quan tâm và tham gia tranh luận là quy định Chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn 05 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định (Điều 17, dự thảo Đề cương).

Ảnh minh họa.

Chúng tôi cho rằng, đề xuất này chưa thật sự thuyết phục và có thể để lại nhiều hệ lụy. Sau đây, chúng tôi xin phân tích cụ thể quan điểm này và có ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Luật Luật sư mới của Bộ Tư pháp như sau:

1. Về lập luận của đề xuất này

Theo đó, tại Điều 19, dự thảo Đề cương, Bộ Tư pháp giải thích: “Quy định việc cấp, đổi Chứng chỉ hành nghề Luật sư khi hết thời hạn 05 hoặc 10 năm để sàng lọc đội ngũ Luật sư khi trong thời gian hành nghề có những hành vi vi phạm hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của Luật, thủ tục bảo đảm nhanh, gọn”.

Với mục tiêu sàng lọc những Luật sư có những hành vi vi phạm, chúng tôi cho rằng Luật Luật sư hiện hành đã có quy định cụ thể tại Điều 18 về các trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề Luật sư, trong đó có các trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề do bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, bị kết án.

Tương tự, với mục tiêu sàng lọc những Luật sư ảo, không hành nghề, Điều 18, Luật Luật sư cũng đã quy định về các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề do không gia nhập Đoàn Luật sư trong thời hạn 02 năm, không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề Luật sư hoặc không đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn 03 năm.

Như vậy, quy định hiện hành của Luật Luật sư đã đầy đủ và chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc sàng lọc những Luật sư có hành vi vi phạm pháp luật, những Luật sư ảo, không hành nghề hoặc không đủ điều kiện khác theo quy định. Việc thực hiện triệt để Luật Luật sư và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Tư pháp và các Đoàn Luật sư vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp mà không cần đặt ra quy định mới về thời hạn của Chứng chỉ hành nghề như Bộ Tư pháp đề xuất.

2. Những hệ lụy có thể phát sinh

Làm phát sinh thủ tục hành chính, gây tốn kém thời gian và tiền bạc của Nhà nước và xã hội:

Như đã phân tích ở trên, các quy định của Luật Luật sư đã đảm bảo yêu cầu sàng lọc của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, với đề xuất mới này, Bộ Tư pháp không lựa chọn phương án tiết kiệm mà vẫn có hiệu quả như hiện tại, là xử lý từng trường hợp vi phạm cụ thể và thu hồi Chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp này. Mà Bộ Tư pháp lựa chọn thực hiện phương án buộc tất cả đội ngũ Luật sư phải thực hiện việc gia hạn Chứng chỉ hành nghề, sau đó lọc ra những trường hợp không đủ điều kiện.

Mặc dù, Bộ Tư pháp cho rằng đảm bảo thủ tục nhanh, gọn, nhưng chắc chắn vẫn phải bố trí số lượng nhân lực và vật lực không nhỏ để thực hiện công việc này. Điều này không chỉ gây tốn kém về thời gian lẫn tiền bạc của Nhà nước và xã hội, mà còn đi ngược lại xu thế đơn giản hóa thủ tục hành chính và Đảng, Nhà nước đặt ra. Đơn cử mới đây, nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng đang được cân nhắc cho đến khi về hưu.

Gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và không bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng:

Trong thời gian Luật sư thực hiện việc gia hạn Chứng chỉ hành nghề, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể yêu cầu Luật sư chứng minh việc đang thực hiện thủ tục gia hạn. Điều này có thể kéo dài thời gian nộp thủ tục Luật sư, trong khi thủ tục Luật sư cần được thực hiện nhanh chóng để Luật sư có thể nhanh nhất bảo vệ được quyền lợi của khách hàng. Hay trong quá trình giải quyết vụ việc, khi thực hiện xong thủ tục gia hạn, Luật sư phải nộp bổ sung Chứng chỉ hành nghề cho các cơ quan có thẩm quyền, điều này lại một lần nữa gây tốn kém thời gian và công sức của Luật sư và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Về phía khách hàng, rõ ràng khi tìm đến dịch vụ pháp lý của Luật sư, khách hàng cũng có quyền phân vân về việc lựa chọn Luật sư có Chứng chỉ hành nghề sắp hết hạn và đang thực hiện việc gia hạn.

Làm giảm sức cạnh tranh của Luật sư trong môi trường hội nhập quốc tế:

Theo tờ trình, Bộ Tư pháp đã: “Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, thông lệ quốc tế về Luật sư, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động Luật sư ở Việt Nam, tạo điều kiện để nghề Luật sư hội nhập quốc tế”. Mặc dù không rõ Bộ Tư pháp chọn lọc kinh nghiệm của những nước nào, nhưng có thể khẳng định không phải toàn bộ các nước khác đều quy định về việc Chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn. Việc học hỏi kinh nghiệm cần có chọn lọc, trong khi quy định của Luật Luật sư hiện hành vẫn đảm bảo việc sàng lọc đội ngũ Luật sư có chất lượng thì không cần thiết phải thay đổi và làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, trong môi trường làm việc quốc tế, việc Luật sư Việt Nam phải thực hiện thủ tục gia hạn và nộp bổ sung Chứng chỉ hành nghề cho Tổ chức hành nghề Luật sư sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Luật sư Việt Nam so với các đồng nghiệp nước ngoài mà Chứng chỉ hành nghề của họ không quy định thời hạn.

Như vậy, chúng tôi cho rằng, Bộ Tư pháp có thể thực hiện các biện pháp hiện tại một cách hiệu quả và tiết kiệm. Do đó, việc thay đổi này là không cần thiết.

Luật sư VŨ CHÍ CƯỜNG

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long

Cần tạo điều kiện cho Luật sư có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi khách hàng

Nguyễn Hoàng Lâm