/ Phòng xử đa chiều
/ Một vụ việc không cần xử lý hình sự

Một vụ việc không cần xử lý hình sự

05/01/2021 17:51 |

LSVNO - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Đề Thám the...

LSVNO - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Đề Thám theo đề nghị của chủ đầu tư. Quá trình bồi thường đã có nhầm lẫn. Thanh tra tỉnh đề nghị UBND thành phố Cao Bằng chỉ đạo và chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ số tiền. Sự việc đang trong quá trình xử lý thu hồi thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng có quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Cáo trạng số 65/Ctr-VKSNCB-P2 ngày 29/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng, nội dung vụ việc như sau:

Ngày 20/7/2007, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 1256/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Đề Thám. Ngày 28/9/2007, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 1808/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 214.398 tỷ đồng trên diện tích 92,21 ha đất các loại. Tiếp đó, ngày 24/6/2008, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 1089/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Đề Thám với phạm vi giải phóng mặt bằng là 95,21 ha. Ngày 07/4/2009, UBND tỉnh Cao Bằng có Quyết định số 609/QĐ-UBND thu hồi đất đai xây dựng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Đề Thám, tỉnh Cao Bằng. Đến ngày 20/12/2011, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 2758/QĐ-UBND điều chỉnh tổng mức đầu tư là 316.279 tỷ đồng.

Sau khi có Quyết định số 609/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) đã tiến hành thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng từ tháng 7/2009 với khoảng 30 hộ dân, 150 nhân khẩu đang sinh sống và khoảng 55 hộ dân khác sinh sống liền kề.

Thực hiện dự án và trình tự thủ tục tổ chức việc thu hồi, bồi thường hỗ trợ, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng theo đề nghị của chủ đầu tư theo Quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 24/6/2008 và Quyết định số 7537/QĐ-UBND ngày 01/12/2011 phê duyệt bổ sung. Phương án giải phóng mặt bằng chi tiết cũng đã được phê duyệt từng đợt, cụ thể là 07 đợt. Quá trình bồi thường thực tế giải ngân được 06 đợt thì Thanh tra tỉnh Cao Bằng tiến hành thanh tra theo Quyết định số 219/QĐ-TTr ngày 25/7/2012 của Chánh Thanh tra tỉnh Cao Bằng.

Theo Kết luận số 148/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Cao Bằng ngày 16/5/2013, quá trình chi trả tiền bồi thường đất đai, tài sản, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án, chủ đầu tư thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT và hợp đồng kinh tế số 25A/HĐKT ngày 22/5/2009 với Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng. Quá trình thực hiện hợp đồng đã có nhầm lẫn nên chi trả nhầm cho dân số tiền 2.827.462.370 đồng. Thanh tra tỉnh đề nghị “UBND thành phố Cao Bằng chỉ đạo và chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ số tiền nêu trên để nộp vào tài khoản chờ xử lý của Thanh tra tỉnh Cao Bằng mở tại kho bạc nhà nước tỉnh”.

Sự việc đang trong quá trình xử lý thu hồi thì ngày 10/6/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Cao Bằng có quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Đề Thám, tỉnh Cao Bằng; cùng ngày 10/6/2017 ký quyết định khởi tố các bị can Đoàn Anh Tuấn - Phó văn phòng UBND thành phố Cao Bằng (nguyên Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng thị xã Cao Bằng), Bế Thị Phương - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cao Bằng và Nông Thúy An - chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cao Bằng.

Ảnh minh họa.

Ngày 29/11/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Cáo trạng số 65/CTr-VKSNCB-P2 truy tố các bị can: Vương Đức Lợi - nhân viên hợp đồng Ban giải phóng mặt bằng thành phố Cao Bằng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999; Đoàn Anh Tuấn, Nông Thúy An, Bế Thị Phương tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Luật sư Mai Thế Bày - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng việc khởi tố các bị can nêu trên của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng là chưa có cơ sở vững chắc, chưa điều tra đầy đủ toàn diện, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xung quanh vụ án còn nhiều ý kiến, tranh cãi đáng quan tâm.

Về tố tụng

Thứ nhất, trong vụ án này, với cáo trạng truy tố các bị can về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng chưa xác định được các thành phần tham gia tố tụng trong vụ án; chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân nào là nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án; chưa xác định được tư cách tham gia tố tụng của UBND thành phố Cao Bằng trong vụ án (phê duyệt dự toán và điều chỉnh dự toán lần 5+6), Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám Cao Bằng, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Cao Bằng, Ủy ban nhân dân phường Đề Thám.

Thứ hai, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng đã cắt khúc vụ việc để điều tra là chưa đầy đủ, chưa khách quan. Việc lập dự toán đền bù, tái định cư KCN Đề Thám bắt buộc phải thông qua ý kiến của chính quyền địa phương, Ban địa chính xã phường nơi có dự án. Dự toán sẽ không được phê duyệt nếu không có xác nhận của chính quyền sở tại, một số hồ sơ dự toán đền bù nếu có thiếu sót gây thất thoát tiền đền bù thì đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên là Ủy ban nhân dân phường Đề Thám, cụ thể là cán bộ địa chính và cán bộ tham gia kiểm đếm lập dự toán. Điều này đã được thanh tra kết luận, tuy nhiên, trong vụ việc này, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát loại trách nhiệm của cán bộ địa chính UBND phường Đề Thám ra khỏi vụ việc là không đúng.

Mặt khác, chủ đầu tư là Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám Cao Bằng - đơn vị được UBND tỉnh Cao Bằng giao thực hiện dự án và thực hiện việc giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, tái định cư cho các hộ dân, sau đó ký hợp đồng kinh tế giao khoán lại cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Cao Bằng cũng được cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng đưa ra khỏi vụ việc là không bảo đảm sự công bằng. Bởi lẽ, theo hồ sơ phản ánh thì Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Cao Bằng, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cao Bằng không phải là đơn vị được UBND tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và tiến hành chi trả bồi thường; các đơn vị này thực hiện trên cơ sở hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám, về mặt pháp lý Công ty này chịu trách nhiệm trực tiếp với Nhà nước về việc “Bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng”, toàn bộ số tiền tạm ứng thanh toán từ kho bạc đều chuyển về tài khoản của Công ty. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và Phòng Tài nguyên và Môi trường không phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Nhà nước mà chịu trách nhiệm với Công ty theo hợp đồng kinh tế hai bên đã ký. Việc xem xét trách nhiệm hình sự của một bên trong hợp đồng, còn bên kia không xem xét là thiếu công bằng. 

Thứ ba, các cơ quan tố tụng đã điều tra chưa toàn diện, chưa tiến hành điều tra các chứng cứ có ý nghĩa xác định các bị can không phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ việc. Theo Kết luận thanh tra số 148/KL-TTr ngày 16/5/2013 của Thanh tra tỉnh Cao Bằng thì đến ngày 22/8/2014, UBND thành phố Cao Bằng đã có Quyết định số 1664/QĐ-UBND điều chỉnh giảm giá trị bồi thường đã được phê duyệt trong dự toán tại đợt 5, đợt 6 trước đó. Như vậy về mặt pháp lý, kể từ thời điểm 22/8/2014, chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám Cao Bằng sẽ không được quyết toán theo dự toán được duyệt trước đó mà phải quyết toán theo quyết định điều chỉnh số 1664/QĐ-UBND của UBND thành phố Cao Bằng. Cũng có nghĩa là ngân sách nhà nước không mất tiền, việc này quá trình điều tra và kiểm sát điều tra không điều tra làm rõ trước khi ban hành cáo trạng. Cơ quan tố tụng cũng không xác minh làm rõ quá trình xử lý sau thanh tra của UBND thành phố Cao Bằng, cụ thể là việc ban hành các văn bản thu hồi số tiền thừa trả cho dân theo kết luận thanh tra.

Mặt khác, cơ quan điều tra chưa tiến hành điều tra việc chi trả tiền bồi thường tái định cư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân có thiếu hay không? Bởi thực tế trong việc bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, có trường hợp trả dư nhưng cũng có trường hợp trả thiếu nên cần điều tra làm rõ để xác định chính xác thiệt hại nếu có. Tất cả các vấn đề nêu trên chưa được làm rõ trước khi chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Về nội dung

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng truy tố ông Vương Đức Lợi tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”  và ông Đoàn Anh Tuấn, bà Nông Thúy An, bà Bế Thị Phương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đều chưa có căn cứ pháp lý vững chắc.

Về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với ông Vương Đức Lợi. Vương Đức Lợi là nhân viên hợp đồng tại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, không phải là công chức, viên chức nhà nước, không được bổ nhiệm chức vụ gì nên không đủ yếu tố về mặt chủ thể để truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là loại tội danh có chủ thể đặc biệt, phải là người có “chức vụ, quyền hạn”. Vương Đức Lợi chỉ là nhân viên hợp đồng thực hiện công việc kiểm đếm, ký các biên bản kiểm đếm, trực tiếp tổng kết số liệu, đối chiếu văn bản và lập dự toán đợt 5, đợt 6, không phải là người có chức vụ quyền hạn để phê duyệt dự toán, các biên bản của Lợi lập sẽ không có giá trị nếu không được xác nhận của cán bộ địa chính phường và UBND phường Đề Thám nên không thể quy kết Vương Đức Lợi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Việc truy tố các bị can về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng không đầy đủ căn cứ pháp lý vững chắc:

Một là, việc truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng dựa trên cơ sở cho rằng Đoàn Anh Tuấn, Bế Thị Phương, Nông Thúy An đã không kiểm tra để Vương Đức Lợi cố ý làm trái nên gây ra hậu quả thất thoát số tiền 1.554.172.517 đồng, như vậy hành vi phạm tội của các bị can xuất phát từ hành vi phạm tội của Vương Đức Lợi, trong khi Vương Đức Lợi không phải là chủ thể của tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai là, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cao Bằng không phải là đơn vị được UBND tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ “bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng KCN Đề Thám” vì đây là công trình do UBND tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư. Điều này cũng đã được cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng ghi nhận là “Đợt 1, 2 duyệt dự toán là do UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, không phải do UBND thành phố Cao Bằng phê duyệt. Kết luận thanh tra, kết luận điều tra và các tài liệu thu thập được đều khẳng định UBND tỉnh Cao Bằng giao việc lập dự toán, chi trả tiền bồi thường tái định cư, giải phóng mặt KCN Đề Thám cho chủ đầu tư là Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám Cao Bằng”. Sau đó Công ty này mới ký hợp đồng kinh tế giao khoán lại cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Cao Bằng thực hiện thay (hợp đồng kinh tế số 03 ngày 30/6/2009, hợp đồng kinh tế số 25 và số 25A ngày 22/5/2009). Như vậy, việc lập dự toán chi trả tiền bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng KCN Đề Thám không phải là nhiệm vụ mà UBND tỉnh Cao Bằng, UBND thành phố Cao Bằng giao mà là thực hiện hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư là Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám Cao Bằng, nên không có căn cứ pháp lý về chủ thể để khởi tố và truy tố các bị can nêu trên về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quan hệ giữa Ban giải phóng mặt bằng với Công ty là quan hệ dân sự được thiết lập dựa trên hợp đồng. Nếu Ban giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên và Môi trường có sai sót trong quá trình thực hiện hợp đồng dẫn đến thiệt hại cho Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám thì họ phải bồi thường theo hợp đồng dân sự mà hai bên đã ký chứ không phải xử lý bằng phương thức “hình sự hóa”.

Ba là, việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng cho rằng công trình hạ tầng KCN Đề Thám tạm ứng và quyết toán theo năm tài chính đối với số tiền bồi thường cho dân, năm 2011 và năm 2012 Sở Tài chính tỉnh Cao Bằng đã quyết toán cho dự án hệ thống hạ tầng KCN Đề Thám số tiền 48.816.186.917 đồng. Kết luận này của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng trái Luật Ngân sách nhà nước, vì dự án KCN Đề Thám được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nên Sở Tài chính không có thẩm quyền phê duyệt quyết toán mà chỉ có thẩm quyền thẩm tra trình UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt và công trình chỉ được quyết toán sau khi hoàn công đưa vào sử dụng. Ở thời điểm năm 2011 và năm 2012, việc giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành theo kết luận thanh tra thì không thể có việc quyết toán, số tiền nêu trên chỉ là số tiền tạm ứng thanh toán của chủ đầu tư. Để làm rõ vấn đề này, cần thiết phải trưng cầu giám định tài chính đối với toàn bộ dự án KCN Đề Thám đối với Công ty Phát triển hạ tầng KCN Đề Thám Cao Bằng, nhằm xác định chính xác dự án đã được quyết toán hay chưa; quyết toán thời gian nào; tổng giá trị quyết toán đối với hạng mục “giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ, bồi thường giá trị tài sản, hoa màu, đất” là bao nhiêu, từ đó mới có căn cứ để kết luận có hay không có thất thoát.

Bốn là, về số liệu bị coi là thiệt hại để truy tố các bị can, hồ sơ điều tra thể hiện:

- Số liệu thanh tra: Xác định thất thoát 2.922.486.270 đồng.

- Số liệu theo cơ quan điều tra: Xác định thất thoát 1.682.467.471 đồng.

- Số liệu theo cáo trạng của Viện kiểm sát: Xác định thất thoát 1.554.172.517 đồng.

Qua số liệu nêu trên, cho thấy các cơ quan tố tụng chưa xác minh, làm rõ chính xác con số thiệt hại để truy tố các bị can. Trong khi dự án KCN Đề Thám đến nay chưa được quyết toán với chủ đầu tư.

Năm là, tại Thông báo số 426-TB/TU ngày 09/5/2014, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo như sau “Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất số tiền sai phạm phải thu hồi theo kết luận thanh tra ngày 16/5/2013 của Thanh tra tỉnh và báo cáo số 248/BC-UBKT ngày 06/5/2014 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thu hồi số tiền thanh toán đền bù sai hoàn thành trước ngày 30/10/2014. Nếu không thu hồi được hoặc không thu được toàn bộ thì quy trách nhiệm cá nhân và buộc cán bộ công chức có liên quan bồi thường theo quy định. Nếu không khắc phục hậu quả thì chuyển sang công an xem xét theo quy định pháp luật”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, trong khi chờ thu hồi số tiền từ người dân nhận thừa, UBND thành phố Cao Bằng đã có quyết định điều chỉnh dự toán và ban hành các quyết định thu hồi tiền các cá nhân đang chiếm giữ, đồng thời động viên các cán bộ, công chức có liên quan nộp tiền. Theo Kết luận điều tra số 73 ngày 16/11/2017 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng, đến trước ngày khởi tố vụ án đối với Đoàn Anh Tuấn, Nông Thúy An, Bế Thị Phương, số tiền thu hồi và nộp vào tài khoản tạm giữ là 1.682.467.471 đồng. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát thì số tiền cần thu hồi là 1.524.218.553 đồng; mặt khác, số tiền đã thu của chủ đầu tư hai khoản tiền của hộ ông Vi Văn Lập (105.084.000 đồng) và hộ ông Ma Văn Diễn (342.284.000 đồng) cũng chưa được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đưa vào hồ sơ vụ án để cân đối theo quy định pháp luật. Số tiền thực thu tổng cộng là 2.129.835.471 đồng. Như vậy, số tiền thu hồi đã vượt quá số tiền mà Viện kiểm sát kết luận, nên theo chỉ đạo trong văn bản nói trên của Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng, vụ việc không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự.

Minh Trường