Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Định với bị đơn với Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung bị hoãn.
Ngày 03/02/2021 tại TAND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã mở phiên xét xử sơ thẩmvụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Định với bị đơn là Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung). Sau đó, TAND TP. Huế đã phải quyết định hoãn phiên tòa, lý do là Luật sư của bị đơn vắng mặt.
Đúng một tháng sau, ngày 03/3, TAND TP. Huế mở lại phiên tòa, nhưng phiên tòa lại phải hoãn lần thứ 2 vì lý do bất khả kháng.
Sau đó, TAND TP. Huế bất ngờ cung cấp thêm “tình tiết mới” liên quan vụ án cho các bên đương sự.
Tuy nhiên, theo Luật sư của nguyên đơn thì đây chỉ là biện pháp cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian xét xử vụ án. Dấu hiệu “kéo dài vụ án” nhằm gây sức ép từ phía con nợ, vẫn là nỗi lo canh cánh của chủ nợ tại các phiên tòa…
Như vậy, sau hơn 1 năm 8 tháng, kể từ ngày Tòa thụ lý, vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến nợ xấu Công ty Hoàng Cung sau 2 lần hoãn vẫn chưa thể xét xử, và chưa biết kéo dài đến bao giờ...
Nỗi lo kéo dài vụ án vụ mua nợ xấu Hoàng Cung
Ngày 25/3/2021, Luật sư Nguyễn Tiến Quang, thuộc Công ty Luật TNHH KEY Việt Nam - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Nguyễn Thị Định trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” do TAND TP. Huế thụ lý đã có Bản kiến nghị gửi Chánh án TAND TP. Huế với nội dung: Kiến nghị Tòa đưa vụ án ra xét xử đúng quy định, do thời gian tố tụng đã kéo dài, không hình sự hóa quan hệ dân sự.
Bà Nguyễn Thị Định là người trúng đấu giá khoản nợ xấu mà con nợ là Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Cty Hoàng Cung) đã nợ 3 ngân hàng Vietcombank, Agribank và Vietinbank (Chi nhánh tại Huế). Do Công ty Hoàng Cung bất hợp tác nên bà Định phải khởi kiện ra TAND TP. Huế.
Cho rằng, 3 ngân hàng đã vi phạm Điều 6 NQ42 của Quốc hội khi bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh nợ xấu, Công ty Hoàng Cung phản tố, yêu cầu Tòa xử hủy hợp đồng mua bán nợ xấu giữa ngân hàng và bà Định.
Sau hơn 1 năm 6 tháng, kể từ ngày Tòa thụ lý, vụ án sau 2 lần hoãn vẫn chưa thể xét xử. Ngày 03/3/2021, TAND TP. Huế bất ngờ cung cấp tình tiết mới liên quan vụ án cho các bên đương sự.
Theo Bản kiến nghị, tình tiết mới là “Phòng cảnh sát kinh tế (CSKT), Công an TP. Huế tiếp nhận Đơn trình báo của Công ty Hoàng Cung” cho rằng “trong quá trình xử lý, mua bán nợ, Ngân hàng đã có dấu hiệu vi phạm quy trình đấu giá gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Công ty Hoàng Cung, việc mua bán có dấu hiệu rửa tiền…”.
“TAND TP. Huế đã có văn bản trao đổi với Phòng CSKT để làm rõ các nội dung liên quan tại Đơn trình báo. Cụ thể, ngày 26/2/2021, TAND TP. Huế đã gửi Công văn số 32/CV-TA đề nghị Phòng CSKT cho biết, hiện nay đã khởi tố vụ án theo Đơn trình báo của Công ty Hoàng Cung hay chưa? Nếu có và Tòa án tiếp tục xét xử thì có ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra hay không, có làm thay đổi bản chất vụ án dân sự mà Tòa đang giải quyết hay không?”. Ngày 02/3/2021, Đại tá Nguyễn Quốc Huy – Trưởng Phòng CSKT đã gửi Công văn phúc đáp số 143/PC03-Đ1. Theo đó, Phòng CSKT “đang thu thập các tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo và tiến hành xác minh để xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Đến nay, Công an chưa khởi tố vụ án theo Đơn trình báo của Công ty Hoàng Cung”.
Từ nội dung trên, Bản kiến nghị cho rằng: “Văn bản phúc đáp của Phòng CSKT là chưa đầy đủ theo nội dung trao đổi của TAND TP. Huế”. Đồng thời, nêu nghi vấn với TAND TP. Huế: “Việc trao đổi những nội dung trên của TAND TP. Huế có cần thiết cho việc giải quyết vụ án hay không?; hay TAND TP. Huế chỉ cần căn cứ vào hồ sơ và quy định của pháp luật để giải quyết vụ án? Điều này vô hình trung khiến cho việc giải quyết vụ án bị trì hoãn và kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng thời hạn xét xử vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS)”.
Tiếp đó, Bản Kiến nghị tập trung làm rõ 2 nội dung. Một là căn cứ vào Bộ luật TTDS năm 2015, trong quá trình thụ lý và chuẩn bị xét xử sơ thẩm, trường hợp nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, TAND TP. Huế phải chuyển hồ sơ đến cơ quan CSĐT để xem xét, giải quyết, đồng thời tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
“Tuy nhiên, theo tài liệu, chứng cứ và các tình tiết của vụ án này, tôi khẳng định không đủ cơ sở để tạm đình chỉ vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật TTDS 2015… Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP. Huế, VKSND TP. Huế đã tiến hành thu thập, nghiên cứu và đánh giá các tài liệu, chứng cứ. Do có đủ cơ sở để khẳng định đây là vụ án thụ lý, giải quyết đúng thẩm quyền nên TAND TP. Huế đã Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2021/QĐXXST-KDTM, ngày 22/01/2021.
Với tư cách là Luật sư nguyên đơn trong vụ án, tôi cho rằng, quyết định đưa vụ án ra xét xử là đúng với các quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và nguyên tắc xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án”.
Đó là các quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức TAND 2014, Điều 12 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định thẩm phán và hội thẩm độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơi quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ cũng quy định: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm”.
Nội dung thứ 2 mà Bản kiến nghị đề cập là thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTHS 2015 quy định: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra phải ra 1 trong 3 quyết định: Khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết.
Tuy nhiên, tính đến ngày 25/3, quá thời hạn luật định 10 ngày, 1 trong 3 quyết định trên vẫn chưa được CQĐT Công an TP. Huế gửi tới các bên đương sự.
Từ các nội dung trên, Bản Kiến nghị: “Đề nghị quý Tòa, HĐXX, cũng như các cơ quan liên quan có thẩm quyền căn cứ quy định của pháp luật TTDS hiện hành đưa vụ án ra xét xử vì thời hạn tố tụng đã kéo dài, vụ án đã bị hoãn xét xử tới 2 lần, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn”.
Nói về nội dung Đơn trình báo của bị đơn, Luật sư Nguyễn Đức Quang, đại diện nguyên đơn khẳng định: “Đây chỉ là những chiêu trò luẩn quẩn của bị đơn nhằm trì hoãn một bản án công minh của Tòa. Đó là một bản án thuyết phục cả về pháp lý và đạo lý: Nợ thì phải trả, không thể chây ỳ. Với chúng tôi, những nội dung trình báo của bị đơn chẳng có giá trị gì, chỉ làm tốn thêm thời gian của cơ quan thực thi pháp luật mà thôi".
“Cạm bẫy” kéo dài vụ án và quy định tại NQ42
Luật sư Phạm Huỳnh Công, nguyên Kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao cho biết, tại “Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng”, Điều 8 “Áp dụng thủ tục rút gọn” của NQ42 được UBTVQH giải trình: “Việc không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của Tổ chức tín dụng. Do đó, Nghị quyết đã bổ sung cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở giao dịch bảo đảm này đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, Nghị quyết này giao TAND Tối cao hướng dẫn chi tiết về áp dụng thủ tục rút gọn”.
Tuy nhiên, đến nay, dù NQ42 đã triển khai gần hết thời hạn 5 năm nhưng trình tự rút gọn vẫn chưa được áp dụng. Trong khi đó, thực tế kéo dài vụ án liên quan đến nợ xấu nhằm gây khó chủ nợ là có thật.
Tại Lào Cai, Công ty Tân Trà Việt sau khi mua nợ xấu của Doanh nghiệp Hậu Giang với Ngân hàng cũng phải kiện ra Tòa để đòi quyền chủ nợ. Bị đơn trong vụ này cũng phản tố giống Công ty Hoàng Cung, là Công ty Tân Trà Việt không có chức năng kinh doanh nợ xấu nên Ngân hàng căn cứ Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của các Tổ chức tín dụng là trái với Điều 6 NQ42, nên đề nghị Tòa xử hủy Hợp đồng mua bán nợ xấu. TAND TP. Lào Cai tại Bản án số 08/2018/KDTM ngày 20/11/2018 đã hiểu sai NQ42 nên đã tuyên theo yêu cầu của bị đơn. Sau đó, tại Bản án số 01/2019/HDTM-PT, ngày 02/4/2019, TAND tỉnh Lào Cai xét xử phúc thẩm đã kịp thời sửa sai.
Tuy nhiên, bị đơn không dừng lại, tiếp tục có Đơn đề nghị Giám đốc thẩm. Phải đến ngày 25/8/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội mới ra Thông báo giải quyết, kết luận không có cơ sở để kháng nghị vì: “Tại thời điểm Ngân hàng ký Hợp đồng mua bán nợ với Công ty Tân Trà Việt thì Thông tư 09 có hiệu lực”.
Tính ra, Công ty Tân Trà Việt phải gồng mình theo đuổi vụ kiện gần 3 năm trời mới được công nhận quyền chủ nợ.
Vụ án tiếp theo, tại Bình Dương, từ năm 2003, Công ty Thiên Phú vay Agribank với tổng dư nợ sau quy đổi là 1.117.689.720.000 đồng; và dùng dự án Hòa Lân làm tài sản thế chấp. 15 năm sau, do không trả được nợ, Thiên Phú phải giao dự án cho Agribank bán đấu giá và Công ty Kim Oanh trúng đấu giá. Sau đó, thị xã Thuận An được nâng lên thành phố, dự án Hòa Lân từ “cục nợ xấu” trở thành “cục vàng”. Từ đây, Thiên Phú trở mặt kiện ngân hàng ra tận... TAND quận 7 TP. HCM (Tòa quận 7).
Thiên Phú chỉ cần bỏ ra 1 tỉ “ký quỹ”, ngày 27/2/2019, Tòa quận 7 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa dự án Hòa Lân. Sau gần 1 năm 8 tháng bị phong tỏa, chỉ tính riêng số vốn 1600 tỉ bị “chôn” vào dự án, Kim Oanh đã thiệt hại trên 200 tỉ đồng.
Ngày 07/9/2020, Công ty Kim Oanh có Đơn gửi VKSND quận 7 đề nghị Tòa quận 7 nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đồng thời, yêu cầu Tòa quận 7 phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Kim Oanh do kéo dài vụ án với nhiều vi phạm của thẩm phán chủ tọa, tạm tính là 589 tỉ đồng!...
Cuối cùng, sau rất nhiều lần hoãn, phải đến ngày 12/11/2020, Tòa quận 7 mới ra được bản án bác gần như toàn bộ yêu cầu khởi kiện của “con nợ xấu” Thiên Phú. Như vậy, cũng sau gần 3 năm, Công ty Kim Oanh mới được cấp sơ thẩm ra bản án giải tỏa áp lực nặng nề từ phía con nợ.
PV
Vụ kiện nợ xấu Công ty Hoàng Cung: 'Tòa sẽ xét xử công minh'!