/ Tin tức
/ Mưa lớn kéo dài nhiều nơi ngập lụt, Huế ban hành công điện ứng phó với mưa lũ

Mưa lớn kéo dài nhiều nơi ngập lụt, Huế ban hành công điện ứng phó với mưa lũ

14/10/2023 13:19 |

(LSVN) - Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nhằm chủ động trong công tác ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành công điện về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng túc trực, giăng dây cấm người và phương tiện qua lại các điểm nước chảy xiết.

Trước tình hình mưa lũ kéo dài, để chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ (chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ đang mang thai, người già yếu,…). Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc; các hộ dân ven sông Hương, sông Bồ.

Kiểm tra công tác dự trữ vật tư, phương tiện, hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền người dân thực hiện tốt việc dự trữ tại chỗ. Kiểm tra, rà soát khu tránh trú bão phục vụ các tàu, thuyền thủy sản; công tác đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vận tải khi có mưa lũ.

Chỉ đạo, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng đô thị khi mưa lớn.

Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ. Kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 04 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ”.

Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Ban Chỉ huy, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức theo dõi diễn biến thiên tai, tham mưu, chỉ đạo ứng phó thiên tai theo thẩm quyền. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cấp huyện triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 04 tại chỗ.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai rà soát, cập nhật báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ.

Chính quyền địa phương cấm người dân di chuyển qua lại các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.

Sở Công thương kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt, bảo đảm an toàn đối công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện; kiểm tra việc dự trữ tại các Doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống thiên tai, bão lũ, sạt lở, chia cắt, cô lập.

Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trình đang thi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh, sườn dốc; kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố sạt lở, sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi mưa lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Rà soát phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thủy sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở chăn nuôi, diện tích hoa màu.

Sở GD&ĐT, Đại học Huế rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai ngành GD&ĐT; chỉ đạo các trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên khi có thiên tai xảy ra.

Sở GTVT chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: cầu Nguyễn Hoàng, cầu cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây,… chống va trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị vận tải, nhà ga tàu hỏa, sân bay quốc tế Phú Bài, bến xe, bến thuyền xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tư, an toàn tính mạng, tài sản, đảm bảo lương thực, nước uống cho hành khách với các tình huống.

Tối 13/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các địa phương đã sơ tán, di dời hơn 140 người tại khu vực bị ngập lụt đến nơi an toàn. Cụ thể, tại huyện Phong Điền đã di dời 15 hộ dân với 21 khẩu tại xã Phong Hiền; huyện Phú Lộc di dời 20 hộ với 68 khẩu tại xã Lộc Tiến; thị xã Hương Trà sơ tán 03 khẩu ở phường Hương Văn và TP. Huế sơ tán 50 học sinh đang ở trọ khu vực Xóm Gióng.

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, sạt lở; không được chủ quan, lơ là, nhất là vào thời điểm ban đêm. Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo cho các học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ chiều 13/10.

Nhiều địa phương thấp trũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nước ngập sâu.

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lớn, đoạn đê qua xã Quảng Phước tại các khu vực hạ lưu Sông Bồ, khu vực cống Hồ (thôn Mai Dương) bị sạt lở dài gần 100m và ăn sâu vào nền đường, nguy cơ vỡ rất cao, đe dọa trực tiếp đến an toàn, tính mạng của người dân. Nhận được tin báo, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS huyện Quảng Điền huy động lực lượng, phương tiện phối hợp tiến hành các biện pháp đắp đê, chống sạt lở. 

Tại hiện trường, gần 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân, công an và lực lượng tại chỗ đã dùng sắt cuộn làm hàng trăm rọ đựng đá để gia cố các vị trí bị hở hàm ếch do nước xoáy. Đến 16h cùng ngày, các lực lượng đã hoàn thành gia cố đoạn đê bị sạt lở, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn trong ngày 13/10 đã khiến hơn 30 tuyến đường tại TP. Huế và nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ của bị ngập sâu. Hàng trăm người dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng thấp trũng đến nơi ở an toàn.

THÚC PHƯƠNG

Bộ Y tế yêu cầu rà soát công tác hiến, ghép bộ phận cơ thể người

Nguyễn Hoàng Lâm