/ Tư vấn
/ Mua nhà ở xã hội nhưng không ở mà để cho thuê có được không?

Mua nhà ở xã hội nhưng không ở mà để cho thuê có được không?

01/04/2025 10:37 |3 ngày trước

(LSVN) - Việc mua nhà ở xã hội nhưng không ở có thể cho thuê hay không là thắc mắc của nhiều người. Vậy, pháp luật hiện nay quy định thế nào về vấn đề này?

Theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện tại, Luật Nhà ở 2023 chỉ quy định cấm việc người đang thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội không được cho người khác thuê lại trong thời gian đang thuê.

Còn nếu đã “mua đứt” nhà ở xã hội thì luật chỉ không cho phép chuyển nhượng trong vòng 05 năm kể từ thời điểm thanh toán hết tiền chứ không giới hạn việc cho thuê lại nhà ở xã hội đã mua đó.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điều này được thể hiện ở nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua và bán nhà ở xã hội được quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 88 Luật Nhà ở 2023. Cụ thể:

Việc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

- Khu vực nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; nếu chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có thế chấp nhà ở thì phải giải chấp trước khi bán, cho thuê mua nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý không phải giải chấp;

- Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, cho thuê, trừ nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công;

- Nhà ở có đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 160 của Luật này.

Đối với nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng để cho thuê chỉ phải thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật này.

Mỗi đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật này chỉ được mua hoặc thuê mua 01 căn nhà ở xã hội. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này chỉ được mua hoặc thuê mua 01 căn nhà ở xã hội hoặc 01 căn nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Mỗi đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 và 11 Điều 76 của Luật này tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội hoặc 01 căn nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được sử dụng nhà ở phục vụ vào mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

Như vậy có thể thấy, Luật chỉ quy định người đang thuê nhà ở xã hội không được sử dụng nhà đang thuê vào bất kỳ mục đích gì (bao gồm cả việc cho người khác thuê lại) trừ mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình chứ không cấm người đã mua nhà ở xã hội mà không ở nhà đó thì không được cho thuê.

Theo đó, nếu cá nhân đang thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không có nhu cầu sử dụng nhà đó nữa thì phải chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà cho chủ đầu tư.

Trường hợp đang thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà cho thuê lại thì theo điểm b khoản 2, điểm d khoản 6 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định, bên cho thuê nhà ở xã hội sai quy định bị phạt tiền từ 100 - 120 triệu đồng và bị buộc thu hồi lại nhà ở xã hội đó.

Luật sư cũng lưu ý, mức phạt trên là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).

TRẦN MINH

Các tin khác