/ Luật sư trực ban
/ Mức đóng, hưởng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2022-2023

Mức đóng, hưởng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2022-2023

22/09/2022 07:43 |

(LSVN) - Trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên được đặc biệt quan tâm và tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Vậy, mức đóng, hưởng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2022-2023 thế nào?

  

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo khoản 1, Điều 2, Luật BHYT năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc áp dụng với các đối tượng được quy định trong Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Trong đó, khoản 4, Điều 12, Luật BHYT hiện hành đã nêu rõ các đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng:

4. Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

b) Học sinh, sinh viên.

Theo đó, đối tượng học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT. Khi đăng ký tham gia BHYT, học sinh cả nước đều sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.

Bên cạnh đó, những trường hợp học sinh thuộc diện tham gia BHYT theo nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng như: Trẻ em dưới 06 tuổi; trẻ thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; trẻ thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn; người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; con của liệt sỹ; con của Công an đang công tác, bộ đội đang tại ngũ,… thì không cần mất tiền tham gia BHYT mà được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Còn đối với các học sinh còn lại, căn cứ Điều 18, Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, mức đóng hằng tháng được xác định như sau:

Mức đóng BHYT tối đa của học sinh, sinh viên = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở.

Trong đó: Mức lương cơ sở hiện đang áp dụng = 1,49 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, hầu hết các nhà trường đều thực hiện thu tiền BHYT cho cả năm (12 tháng) nên số tiền BHYT mà các bậc phụ huynh phải đóng cho con đầu năm sẽ được tính như sau:

Tiền đóng BHYT = 12 tháng x  70% x 4,5% x 1,49 triệu đồng = 563.220 đồng.

Quyền lợi về BHYT đối với học sinh khi đi khám, chữa bệnh?

Căn cứ Điều 22, Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014, khi đi khám, chữa bệnh, học sinh sẽ được thanh toán quyền lợi về BHYT như sau:

Trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến:

- Học sinh là trẻ em dưới 06 tuổi; trẻ thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; trẻ thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn; người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; con của liệt sỹ: Được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.

- Học sinh là con của Công an đang công tác, bộ đội tại ngũ: Được thanh toán 95% chi phí khám, chữa bệnh.

- Các đối tượng học sinh khác: Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh.

Ngoài ra các đối tượng này còn được thành toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau:

- Khám, chữa bệnh tại tuyến xã.

- Chi phí khám, chữa bệnh/lần thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

- Tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh/năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.

Trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mức hưởng đúng tuyến.

HOÀNG NGUYÊN

Mặt hàng nào phải chịu thuế bảo vệ môi trường?

Lê Minh Hoàng