Theo đó, người có đất thu hồi được hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
Điều kiện hỗ trợ cụ thể như sau:
- Người có đất thu hồi được hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ điều kiện sau: Là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013.
- Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
- Người có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học.
Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, người có đất thu hồi được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm dịch vụ việc làm công lập trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố và nguồn vốn Hỗ trợ giảm nghèo (trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo). Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/lao động đối với Quỹ quốc gia về việc làm, 100 triệu đồng/hộ đối với nguồn vốn Hỗ trợ giảm nghèo và 10 triệu đồng/lao động, không quá 30 triệu đồng/hộ theo Quyết định số 34/2017/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tổ chức lại “Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố”.
Đáng chú ý, người dân có đất thu hồi còn được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, người có đất thu hồi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Mức chi hỗ trợ được quy định như sau:
- Đào tạo nghề: Mức hỗ trợ tối đa theo khoản 1 Điều 3 của Quy định này;
- Đào tạo ngoại ngữ: theo chi phí thực tế, mức hỗ trợ tối đa 3.000.000 đồng/người/khóa học;
- Bồi dưỡng kiến thức cần thiết: theo chi phí thực tế, mức hỗ trợ tối đa 530.000 đồng/người/khóa học;
- Tiền ăn trong thời gian đào tạo: Mức hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày thực học;
- Chi phí đi lại: mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên.
- Hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài gồm: Lệ phí làm hộ chiếu theo mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mức quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: mức tối đa 200.000 đồng/người; Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động; Chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được phép thực hiện khám sức khỏe đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người.
Ngoài ra, hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, mức vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Thời hạn cho vay tối đa bằng thời gian đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.