Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Đánh bạc và gá bạc là gì?
Trả lời về vấn đề, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tội "Tổ chức đánh bạc" là tội xâm phạm trực tiếp đến trật tự xã hội và đôi khi là cả tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.
Đây là hành vi tập hợp, rủ rê, lôi kéo nhiều người (từ 02 người trở lên) tham gia vào việc đánh bạc.
Theo đó, người đứng ra tổ chức thông thường sẽ có sự chuẩn bị, bàn bạc, sắp xếp kế hoạch đánh bạc rồi mới tập hợp, rủ rê những người khác tham gia.
Khác với tội "Tổ chức đánh bạc", tội "Gá bạc" thể hiện ở hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho việc đánh bạc như: Cho thuê, cho mượn hoặc đi thuê, mượn địa điểm, phương tiện để cho người khác sử dụng làm nơi tụ tập đánh bạc. Bản chất của "Gá bạc" là mục đích trục lợi qua con bạc thông qua việc lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của con bạc, cho thuê địa điểm đánh bạc…
Cần lưu ý rằng, cả "Gá bạc" và "Tổ chức đánh bạc" đều chỉ bị truy cứu trách nhiệm khi đó là hành vi trái phép, đối với hành vi tổ chức đánh bạc đã được cấp phép thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
Ví dụ, hiện nay đã có Nghị định 03/2017 quy định về điều kiện kinh doanh casino và cho phép người Việt Nam được chơi tại các sòng casino này. Những tổ chức, cá nhân nào kinh doanh sòng bạc không tuân thủ các quy định tại Nghị định này thì được xem là trái phép và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.
Mức phạt tội "Tổ chức đánh bạc" thế nào?
Tùy vào mức độ vi phạm, hành vi "Tổ chức đánh bạc" có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Về xử phạt hành chính:
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi tổ chức đánh bạc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4, Điều 28, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
"Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc...".
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 322, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, mức phạt áp dụng với tội "Tổ chức đánh bạc" hoặc "Gá bạc" như sau:
Hình phạt chính:
- Khung 01: Phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên hoặc tổ chức từ 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 05 triệu đồng trở lên;
+ Sử dụng địa điểm thuộc sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 05 triệu đồng trở lên;
+ Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần trị giá từ 20 triệu đồng trở lên;
+ Thực hiện các hành vi: Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội này hoặc Tội đánh bạc, chưa được xóa án tích mà tái phạm.
- Khung 02: Phạt tù từ 05 - 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người khác thuê nhà để đánh bạc bị xử lý thế nào?
Tại điểm b, khoản 1, Điều 322, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội "Tổ chức đánh bạc" hoặc "Gá bạc" quy định:
"1. Người nào "Tổ chức đánh bạc" hoặc "Gá bạc" trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 05 triệu đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 05 triệu đồng trở lên".
Theo quy định trên, người nào dùng nhà thuộc quyền sở hữu hoặc do mình quản lý để cho người khác đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức đánh bạc" hoặc "Gá bạc", nếu:
- Để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 05 triệu đồng trở lên.
- Hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 05 triệu đồng trở lên.
Như vậy, trường hợp cho thuê nhà để tổ chức đánh bạc trái phép với quy mô từ 10 người trở lên hoặc từ 02 chiếu bạc trở lên mà tổng hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 05 triệu đồng trở lên, chủ nhà có thể bị phạt tiền đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù đến 05 năm.
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 - 10 năm:
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên;
- Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội...
TRẦN QUÝ
Trường hợp nào sẽ bỏ phiếu kín hoặc bốc thăm khi xác định kết quả đấu giá?