/ Bút ký Luật sư
/ Mười năm là bấy nhiêu ngày

Mười năm là bấy nhiêu ngày

23/03/2024 07:46 |

(LSVN) - Thế là đã 10 năm trôi qua kể từ ngày Tạp chí Luật sư Việt Nam ra số đầu tiên (25/3/2014). Mười năm là một khoảng cách ngắn ngủi trong chiều dài vô tận của thời gian, nhưng với tôi, đó là một quãng đời chứa nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui có, buồn có nhưng đầy ý nghĩa trong cuộc đời mình. Nói theo dân gian, Tạp chí là đứa con tinh thần của chúng ta. Đứa con ấy đến nay vừa tròn 10 tuổi, đã qua cái thời chập chững từng bước đi để vào đời với đôi chân vững chãi trong làng báo chí Việt Nam. Viết đến đây, một niềm tự hào, khiêm tốn cứ nhen lên trong lòng tôi, khiến tôi thật bồi hồi, xúc động…

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (ngoài cùng bên phải) tại buổi Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập mới của Tạp chí Luật sư Việt Nam (01/9/2020).

Cơn đau sinh thành

Sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Liên đoàn) được thành lập vào tháng 5/2009, Hội đồng Luật sư toàn quốc và Ban Thường vụ Liên đoàn phải giải quyết nhiều công việc cấp bách trong tổ chức và hoạt động của Liên đoàn. Hoạt động truyền thông cũng được chú ý bằng phương án Liên đoàn xin phép ra một tờ báo Luật sư, nhưng không may lại đúng vào thời điểm Chính phủ đang sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí nên việc ra báo gặp nhiều khó khăn, phải chuyển đổi thành phương án xin ra một tờ tạp chí, xuất bản định kỳ hàng tháng. Mãi đến cuối tháng 01 năm 2014 mới có giấy phép xuất bản tờ tạp chí in của Liên đoàn với cái tên “Tạp chí Luật sư Việt Nam”.

Để có giấy phép này, Liên đoàn đã có nhiều cuộc họp chọn nhân sự lãnh đạo và quản lý tạp chí. Tiêu chí lựa chọn đưa ra: phải là người có kinh nghiệm hoạt động báo chí và phải là Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn. Kiểm lại, trong Ban Thường vụ Liên đoàn có hai người đủ tiêu chí này là Luật sư Phan Trung Hoài và tôi (Luật sư Nguyễn Minh Tâm). Thực lòng, tôi không dám nhận vì thấy mình chưa đủ khả năng và điều kiện đảm nhiệm một chức danh nặng nề và khó khăn như thế. Khổ một nỗi, người có đủ khả năng đảm nhận là Luật sư Phan Trung Hoài thì lại đang làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí Golf Việt Nam nên không thể đảm nhận thêm một chức danh Tổng Biên tập nữa. Tôi đành nhận theo phân công của Ban Thường vụ Liên đoàn.

Thực ra, tôi đã tham gia viết báo từ hồi còn ở trong quân ngũ. Chỉ sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mới bắt đầu chính thức làm báo và nhận thẻ Nhà báo từ năm 1982 với vai trò Biên tập viên Tạp chí Luật học của Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Tạp chí Nhà nước và Pháp luật của Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Sau đó, khi chuyển vào công tác tại phía Nam, tôi làm Trưởng ban Kinh tế - xã hội của Tuần báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh từ năm 1992 và đến năm 1998 thì chuyển công tác về Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh làm giảng viên và kiêm phụ trách Thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa học pháp lý của Trường. Tôi chưa có một ngày làm lãnh đạo một tờ báo hoặc tạp chí nào với tư cách Tổng Biên tập. Vậy làm sao tôi có thể đảm đương được chức danh này, lại trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của Liên đoàn lúc bấy giờ?

Những băn khoăn, lo lắng của tôi đã được Luật sư Lê Thúc Anh - Chủ tịch Liên đoàn khi đó - động viên hết mực. Có thể nói, Chủ tịch Lê Thúc Anh là người đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho việc ra đời trong tổ chức và hoạt động của Tạp chí. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn lúc bấy giờ cũng hết lòng với tôi trên tinh thần trách nhiệm chung và tình anh em thân thiết từ nhiều năm trước. Luật sư Thịnh nói với tôi: Liên đoàn đã tìm được một Nhà báo có kinh nghiệm làm phó cho anh rồi. Đó là Nhà báo Liêu Chí Trung. Tôi chưa gặp Liêu Chí Trung, nhưng cái tên này tự nhiên gợi cho tôi nhớ đến cuốn sách “Phương pháp hùng biện” mà Trung là tác giả. Tôi đã tham khảo và sử dụng tác phẩm này để đưa vào bài giảng “Nghệ thuật hùng biện của Luật sư” của tôi đã dùng cho khóa đào tạo Luật sư từ những năm đầu (2000-2001) của Trường Đào tạo các chức danh tư pháp (nay là Học viện Tư pháp) thuộc Bộ Tư pháp.

Và chúng tôi gặp nhau cùng đảm nhận vai trò lãnh đạo Tạp chí trong những ngày đầu tiên của Tạp chí Luật sư Việt Nam. Tôi quý Chí Trung như cậu em trai của mình, mặc dù Trung chỉ hơn con gái Minh Phương của tôi mấy tuổi. Trung cũng coi tôi như người anh và cũng hết mình trong công việc giúp tôi quản lý, điều hành Tạp chí.

Bước đi chập chững ban đầu

Bây giờ, ngồi nhớ lại thời đó mới thấy chúng tôi quả là “dũng cảm” khi bắt đầu công việc từ con số “0” tròn trĩnh. Nhân sự ban đầu của Tạp chí chỉ gồm: tôi (Ths. Luật sư Nguyễn Minh Tâm) - Tổng Biên tập, Ths. Luật sư Liêu Chí Trung - Phó Tổng Biên tập và 01 biên tập viên duy nhất là cô Nguyễn Thị Ngọc, nhưng đều làm việc kiêm nhiệm. Một vài vị trí khác, như kế toán, hành chính trong khoảng nửa năm đầu là do người của Văn phòng Liên đoàn được phân công hỗ trợ. Sau khi Tạp chí tổ chức ra mắt ngày 25/3/2014, chúng tôi có thêm 01 nhân viên mới để hỗ trợ cho công việc phóng viên, phát hành. Rồi từng bước, Tạp chí cũng tuyển được một số nhân viên như: kế toán, quảng cáo phát hành, hành chính tạp vụ,… Về cơ sở vật chất, Tạp chí được Liên đoàn bố trí cho 01 phòng làm việc rộng khoảng gần 30m2 (sau ngăn làm đôi) gồm: 01 phòng nhỏ của tôi và Trung ở trên lầu, 01 phòng dành cho biên tập viên, phóng viên và nhân viên làm việc; đồng thời được tạo điều kiện để mua mấy bộ bàn ghế làm việc, 02 máy vi tính, 01 máy in, 02 tủ sắt đựng tài liệu, 01 két sắt,…. Liêu Chí Trung do Liên đoàn ký hợp đồng lao động trước đó nên được hưởng 01 suất lương như lương của nhân viên Văn phòng Liên đoàn, còn tôi trong suốt thời gian làm Tổng Biên tập thì không có lương. Tạp chí phải tự trả lương cho phóng viên, biên tập viên và nhân viên tòa soạn… Số tiền Liên đoàn hỗ trợ được coi như khoản tiền tạm ứng đầu tư để chúng tôi có thể tổ chức và hoạt động cho Tạp chí. Vậy thôi.

Kế hoạch đặt bài, viết bài, chuẩn bị nội dung cho số đầu tiên được gấp rút thực hiện. Để ra được số đầu tiên vào ngày 25/3/2014, Ban Biên tập chúng tôi cùng họa sĩ trình bày phải trần lưng làm việc suốt ngày đêm, trong đó đặc biệt là có một Thư chúc mừng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và một bài viết của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Để có bài viết này, chúng tôi đã đặt trước nhưng phải chờ đợi đến nửa đêm ngày 21/3/2014 mới có, vì Bộ trưởng đang đi công tác xa, đã cố gắng viết để gửi về trong đêm cho chúng tôi kịp đưa vào nội dung. Có thể nói, Bộ trưởng Hà Hùng Cường là người quan tâm, chăm lo và có trách nhiệm rất lớn đối với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Điều các cụ dạy “vạn sự khởi đầu nan” quả rất đúng với chúng tôi khi bắt đầu hoạt động tạp chí. Nhờ trời và sự quan tâm của Thường trực Liên đoàn, sự cố gắng nỗ lực của chúng tôi đã có thành quả: số đầu tiên ra mắt bạn đọc với nội dung tương đối phong phú, có tính hấp dẫn được thể hiện dưới một hình thức cũng không đến nỗi nào. Chúng tôi thở phào, nhẹ nhõm như trút được một nỗi lo khởi đầu.

Gánh nặng đường dài

Ra được số đầu tiên đã khó thì việc duy trì, củng cố và phát triển Tạp chí càng khó hơn. Thị trường báo viết cũng đang vào thời kỳ khó khăn chung. Số lượng phát hành các báo in, kể cả các tờ báo có bề dày truyền thống và lượng bạn đọc lớn cũng bị giảm sút đáng kể. Làm sao để Tạp chí có bạn đọc? Làm sao để có thu nhập trang trải các chi phí nghiệp vụ, trả lương cho anh chị em trong tòa soạn và nhuận bút của tác giả. Các cộng tác viên ban đầu của Tạp chí gồm các luật gia, cán bộ pháp luật đã nghỉ hưu, các Luật sư và những người có kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật nói chung và hoạt động Luật sư nói riêng. Khoản nợ nhuận bút của tác giả là khoản nghĩa vụ khiến tôi âu lo nhất, bởi một số luật gia cộng tác viên về hưu, thương mình mà viết bài cho Tạp chí lại không được nhận nhuận bút kịp thời. Có người cứ gặp tôi là hỏi “Ông Tổng ơi, sao tôi chưa nhận được nhuận bút?” làm tôi lúng túng, cố gắng nhẹ nhàng giải thích và cầu xin lòng thông cảm của các vị. Cuối cùng thì mọi người cũng gọi là đùa vui thế thôi chứ không có điều gì cấn cá vì họ rất đồng cảm với khó khăn của tôi nói riêng và Tạp chí nói chung.

Khó khăn cứ thế kéo dài qua thời gian. Một điều thật khó đối với riêng tôi là nhận làm Tổng Biên tập nhưng tôi lại ở trong TP. Hồ Chí Minh, không trực tiếp quản lý, điều hành hàng ngày ở Tòa soạn. Tôi phải làm thủ tục ủy quyền cho Phó Tổng Biên tập Liêu Chí Trung điều hành thay tôi. Tất nhiên, phạm vi ủy quyền, phân định trách nhiệm phải rõ ràng trong các hoạt động như tư cách chủ tài khoản, chi tiêu, duyệt bài từng số và ký chuyển bản thảo Tạp chí đến nhà in. Chỉ riêng khâu quản lý anh chị em phóng viên tác nghiệp, điều hành sự phối hợp hoạt động giữa các ban trong tòa soạn đã cho thấy tính phức tạp của việc tổ chức và hoạt động điều hành. Hàng tháng, tôi phải bỏ tiền túi của mình mua vé máy bay ra Hà Nội từ 01-02 lần để thực hiện chức trách Tổng Biên tập, họp với tòa soạn và anh chị em phóng viên, nhân viên, giải quyết các việc thuộc chức trách, thẩm quyền của Tổng Biên tập… Tôi thực sự thấy mệt mỏi và có phần… nản trong thân tâm mình.

Trong suốt hơn 03 năm hoạt động, Tạp chí in cũng được bạn đọc đón nhận và không mắc một sai sót gì về nội dung cũng như các hoạt động tác nghiệp báo chí khác.

Rồi, như các cụ nói “đầu xuôi đuôi lọt”. Nhu cầu thông tin của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đòi hỏi Tạp chí phải có một ấn bản điện tử để kịp thời chuyển tải các thông tin, quảng bá hoạt động của Liên đoàn, của giới Luật sư Việt Nam, cũng như việc tuyên truyền, phổ biến, xây dựng pháp luật… trong cộng đồng xã hội. Ban Thường vụ Liên đoàn đã có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng khi chúng tôi quyết định xây dựng phương án xin phép thành lập Tạp chí Luật sư Việt Nam phiên bản điện tử. Tôi phải cam kết sẽ cố gắng quản lý, điều hành Tạp chí điện tử để bảo đảm sự thống nhất ý kiến của Ban Thường vụ Liên đoàn. Cuối cùng, phương án của Liên đoàn đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử (www.lsvn.vn) số 164/GP-BTTT ngày 20/4/2017. Đây là giấy phép hoạt động báo chí thứ hai cho Tạp chí Luật sư Việt Nam cũng do tôi làm Tổng Biên tập và Liêu Chí Trung làm Phó Tổng Biên tập. Có thể nói, có được giấy phép này, Liên đoàn đã nhận được sự quan tâm, ưu ái của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tổ chức và hoạt động điều hành của tạp chí điện tử phức tạp và khó khăn gấp bội so với tờ tạp chí in. Đó là cái khó về tìm, tuyển người và điều hành nhân sự biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên cũng như kinh nghiệm tổ chức và điều hành một tờ tạp chí điện tử. Làm thế nào để quản lý anh chị em phóng viên giữ được đạo đức nghề báo khi tác nghiệp loại hình báo điện tử, để không ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Tạp chí cũng như của cơ quan chủ quản là Liên đoàn? Song, với sự nỗ lực của Ban biên tập cũng như đội ngũ phóng viên, nhân viên, Tạp chí đã dần dần khắc phục khó khăn, có kinh nghiệm và thành thục trong kỹ thuật làm báo điện tử. Các tin bài được đăng tải kịp thời, đáp ứng được nhu cầu thông tin của Liên đoàn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Tạp chí điện tử cũng để xẩy ra một vài sơ xuất nhỏ. Chúng tôi coi đó là những bài học kinh nghiệm để quản lý, giáo dục đội ngũ phóng viên tác nghiệp trong quá trình củng cố, phát triển của Tạp chí.

Mở ra chặng đường mới

Tự nhận thấy mình không thể tiếp tục đảm nhận chức trách Tổng Biên tập Tạp chí một cách hiệu quả nên tôi đã đề nghị với Thường trực và Ban Thường vụ Liên đoàn tìm người thay tôi để tiếp tục lãnh đạo, quản lý Tạp chí. Liên đoàn đồng ý và giao cho tôi tìm người thay thế. Qua một số kênh thông tin, cũng đã có một vài người cung cấp hồ sơ và tôi cũng đã trực tiếp gặp ban đầu, nhưng thật là khó đối với các yêu cầu do chúng tôi đặt ra, nên tôi cứ lưỡng lự mãi chưa quyết được. May thay, tôi được biết Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam đã nghỉ hưu. Luyến và tôi có quan hệ anh em đồng nghiệp từ lâu, hiểu biết và tin cậy nhau nên tôi đã tìm đến Luyến và thuyết phục để anh về thay tôi lãnh đạo, quản lý Tạp chí. Ban đầu, Luyến lưỡng lự vì sau gần 25 năm làm lãnh đạo một tờ báo lớn, đã muốn nghỉ ngơi an phận với gia đình. Tôi phải năn nỉ, động viên mãi vì một lý do, chỉ khi Đặng Ngọc Luyến về thay tôi thì tôi mới yên tâm về sự tiếp tục phát triển của đứa con tinh thần mà chúng tôi và Liên đoàn đã lao tâm khổ tứ về nó. 

Luyến có phần chia sẻ với tâm trạng đó của tôi nên sau một hồi trầm tư, đã hẹn suy nghĩ và “tìm” người tin cậy để cộng tác với mình. Mấy tháng sau, Luyến cho tôi biết là sẽ có Trần Mạnh Quyết đồng ý về Tạp chí cùng với Luyến. Thế là tôi yên tâm, thở phào nhẹ nhõm, chính thức báo cáo nhân sự mới với Thường trực và Ban Thường vụ Liên đoàn.

Bây giờ thì quý vị đã thấy, Tạp chí đã có một dàn lãnh đạo mới do Nhà báo dày dạn kinh nghiệm Đặng Ngọc Luyến làm Tổng Biên tập và Liêu Chí Trung với Trần Mạnh Quyết làm Phó Tổng Biên tập cùng đội ngũ đông đảo phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp. Từ khi có nhân sự mới, Tạp chí đã không ngừng được củng cố và phát triển, bộ mặt và nội dung Tạp chí đã được cải tiến, có những nét khác biệt so với ban đầu; trụ sở Tạp chí cũng được Liên đoàn quan tâm chăm lo và sự nỗ lực đóng góp kinh phí xây dựng của anh em trong Tòa soạn nên trông khang trang, bề thế và mang tính chuyên nghiệp. Uy tín của Tạp chí cũng ngày được nâng cao trong làng báo chí Việt Nam. Tôi đã có một niềm xúc cảm về buổi gặp mặt chia tay anh chị em trong Tòa soạn; đặc biệt là đến bây giờ, lãnh đạo Tạp chí cùng anh chị em phóng viên… vẫn quý mến gọi tôi là “Tổng Biên tập đầu tiên” của Tạp chí Luật sư Việt Nam. Đó là món quà tinh thần vô giá đối với tôi. Xin cảm ơn các đồng nghiệp yêu quý!

Một chặng đường mới đã được mở ra cho Tạp chí Luật sư Việt Nam. Một điều đáng quý là lãnh đạo cùng Ban Biên tập, anh chị em phóng viên, nhân viên Tạp chí hiện là một tập thể đoàn kết, hiểu biết, thương yêu và tin cậy lẫn nhau; kỷ cương được xây dựng, duy trì và giữ vững trên cơ sở tự giác của mỗi người. Đó là tài sản tinh thần quý báu góp phần làm nên những thành tựu mà Tạp chí đã gặt hái được trong chặng đường mới vừa qua.

Mười năm là bấy nhiêu ngày…

Tôi viết những dòng này trong một tâm thức hồi tưởng xúc động xen lẫn vui mừng, tự hào về tờ Tạp chí mà tôi đã cùng anh chị em gắn bó, trăn trở, lao tâm từ thuở ban đầu trong suốt bảy năm từ tháng 02/2014 đến tháng 09/2020. Xin chúc mừng Tạp chí của chúng ta trong ngày Kỷ niệm 10 năm ra số đầu tiên với niềm tin tưởng chắc chắn Tạp chí sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu và mong đợi của Thường trực, Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng Luật sư toàn quốc và toàn thể giới Luật sư Việt Nam cùng bạn đọc xa gần, đủ sức vững bước trên chặng đường mới trong làng báo chí Việt Nam.

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ,

Phó Tổng thư ký, Tổng Biên Tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Vượt qua thử thách và khẳng định bản sắc 

Nguyễn Hoàng Lâm