LSVNO - Được sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), từ ngày 21-30/01/2018, Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam gồm 14 thành viên do Luật sư Nguyễn Văn Trung - Phó chủ tịch LĐLS Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác, nghiên cứu tại Nhật Bản. Kết quả mà chuyến công tác đầu năm mới này mang lại không những về kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn là cơ hội tuyệt vời đối với mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi khi được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm thực tế ở xứ sở hoa anh đào.
Sự chỉn chu, tính kỷ luật, ý thức tự giác của người Nhật
Lần đầu tiên được đến với đất nước mặt trời mọc, nhưng từ nhiều “kênh” thông tin khác nhau và qua các cuộc làm việc với các luật sư đồng nghiệp Nhật Bản, từ lâu tôi đã dành sự quan tâm và có thiện cảm đặc biệt về đất nước, con người của xứ sở này. Mang theo tâm trạng háo hức cùng với những dự định khám phá nên chuyến bay đêm của Hãng hàng không Nhật Bản từ sân bay quốc tế Nội Bài (Việt Nam) đến sân bay quốc tế Narita (Nhật Bản) không quá dài sau hơn 5 giờ cất cánh.
Chưa kịp cảm nhận về thời tiết khô lạnh như đã được báo trước và sự choáng ngợp của sân bay tấp nập thứ ba thế giới tọa lạc ở phía Đông vùng Đại Tokyo, trước mắt chúng tôi xuất hiện 3 cụ ông U70 với ánh mắt thân thiện chỉ tay vào hơn mười chiếc vali to tướng vừa được tập kết. Dường như chỉ chờ có dấu hiệu của người hướng dẫn đoàn, 3 cụ ông đã nhanh chóng chuyển số hành lý đó lên 3 chiếc taxi đã xếp hàng ngay ngắn gần đó. Trước sự ngỡ ngàng, ái ngại của chúng tôi, anh Cẩm - người gốc Quảng Nam đã sống hơn 40 năm ở Nhật, một trong hai người phiên dịch của đoàn giải thích: “Cứ để họ làm. Ở Nhật, lái taxi chủ yếu là người già không à. Những người cao tuổi ở đây họ tham gia làm rất nhiều việc bởi tuổi thọ trung bình ở Nhật cao, tỷ lệ người lớn tuổi chiếm số đông. Nhưng điều đặc biệt là dù trước đó có người làm lãnh đạo, nhưng khi đã nghỉ hưu và trở thành nhân viên lao động, họ đều thấy vui, không “vỗ ngực” về quá khứ của mình”. Hình ảnh những người lớn tuổi cần mẫn làm việc với vai trò lao công, lái taxi, phục vụ tại nhà hàng,… sau đó chúng tôi gặp khá nhiều trong những ngày ở xứ sở hoa anh đào.
Các thành viên của đoàn chụp ảnh trước Hoàng cung Nhật.
Sự chỉn chu, tính kỷ luật, ý thức tự giác và tiết kiệm của người Nhật là điều đã nghe đến từ lâu, nhưng khi được “mục sở thị” mới khiến người ta phải kinh ngạc. Cùng với những tuyến đường nhiều tầng, dải nhựa phẳng lì, luôn sạch sẽ, phương tiện tham gia giao thông trên mặt đất chủ yếu là ô tô “đi trái chiều” so với Việt Nam di chuyển như lập trình sẵn, thì hệ thống tàu điện ngầm và tàu hỏa cùng với “cuộc sống dưới lòng đất” ở Nhật Bản càng đáng nể hơn. Gần như tất cả đều được tự động hóa, mọi nhu cầu đi lại đã có các sơ đồ, bảng chỉ dẫn, mà không hề thấy bóng dáng của cảnh sát hay người hướng dẫn giao thông. Có lẽ vậy mà Tokyo được Saskia Sassen mô tả là một trong 3 “trung tâm chỉ huy” của nền kinh tế thế giới, với dân số 37,2 triệu người trong diện tích 2.188km2, nhưng hiếm thấy có sự ồn ào hay phức tạp lớn nào về trật tự, an toàn xã hội. Qua tìm hiểu mới biết, từ năm 1603, Tokyo (khi đó có tên là Edo) đã được thiết lập và nhanh chóng trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất trên thế giới với dân số trên 1 triệu người vào thế kỷ 18. Sau 263 năm “làm mưa làm gió” trên chính trường, chế độ Mạc phủ bị lật đổ và vào năm 1869, Minh Trị Thiên Hoàng chính thức cho dời đô từ Kyoto về Edo cùng với việc đặt tên lại là “Tokyo” (Đông Kinh). Cũng như Osaka, Tokyo đã được thiết kế từ thập niên 1900 như là thành phố đường sắt, nghĩa là thành phố xây xung quanh các nhà ga xe lửa lớn với một mật độ dân số cao. Sau nhiều biến cố, Tokyo trở thành thành phố lớn nhất trên thế giới vào năm 1965 (vượt qua New York), hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo và các đường xe lửa đi lại ở đây cũng trở nên bận rộn hàng đầu thế giới.
Các luật sư Nhật Bản rất hào hứng khi được giới thiệu về Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Trong thời gian 10 ngày ở Nhật Bản, chương trình học tập, nghiên cứu của đoàn chúng tôi được phía JICA và LĐLS Nhật Bản thống nhất trước đó với LĐLS Việt Nam khá chi tiết. Với chủ đề “Khái quát về chế độ kỷ luật, chế độ đào tạo, tham gia xây dựng luật và hoạt động quảng bá của Nichibenren (cách gọi khác của LĐLS Nhật Bản) và đoàn thành viên”, chương trình chính của đợt tập huấn gồm 13 chuyên đề học tập trung ở hội trường tại Tokyo và Fukuoka. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, chúng tôi còn có các buổi làm việc với lãnh đạo LĐLS Nhật Bản, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Tokyo, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Fukuoka; tham dự và nghiên cứu thực tế một phiên tòa hình sự tại tỉnh Fukuoka; tham quan và trao đổi về nghiệp vụ ở 4 tổ chức hành nghề luật sư của hai địa phương này. Ngoài ra, Đoàn còn phải dành thời gian để các thành viên báo cáo kết quả, đánh giá tổng kết quá trình nghiên cứu, đi tham quan hội quán Nichibenren, nghe hướng dẫn về cách thức sinh hoạt, quy định chung…
Các thành viên trong đoàn chụp ảnh cùng đại diện lãnh đạo LĐLS Nhật Bản, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Fukuoka.
Do chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và với phương pháp bồi dưỡng bài bản cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian, các buổi học tập, nghiên cứu của đoàn diễn ra đúng yêu cầu. Điều đáng nói ở đây là sự chính xác về thời gian và cách làm việc khoa học của các chuyên gia, luật sư phía bạn luôn khiến chúng tôi phải “nhập cuộc” với tinh thần nghiêm túc nhưng không kém phần hào hứng, thoải mái. Tại các buổi học tập trung, cùng với việc trình bày cô đọng, dễ hiểu, các giảng viên luôn đặt ra các tình huống thực tế và dành thời gian để mọi người đều có cơ hội trao đổi, giải quyết thấu đáo vấn đề. Nhờ vậy mà các chuyên đề đã được chúng tôi nắm bắt dễ dàng, liên hệ thực tế khá thuận lợi. Qua học tập, nghiên cứu, cho thấy có rất nhiều điều mới mẻ, ấn tượng về quá trình hình thành, hoạt động của giới luật sư nước bạn. Với lịch sử phát triển 169 năm, đến nay LĐLS Nhật Bản đã được thiết lập chặt chẽ với nhiều mô hình tổ chức, cách thức quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp hợp lý, nhằm giữ gìn phẩm giá của nghề luật sư. Đơn cử như việc các đoàn luật sư ở Nhật cho duy trì, giải quyết kịp thời, linh hoạt những vướng mắc liên quan đến luật sư qua việc hình thành phòng tiếp công dân nhằm hòa giải các bức xúc, phát sinh ngay từ đầu là điều rất mới. Bên cạnh đó, việc LĐLS Nhật Bản và các đoàn luật sư thành viên rất chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá hoạt động nghề luật sư đến cộng đồng một cách đa dạng, sáng tạo, thể hiện sự chủ động, khoa học, không những giúp cho hình ảnh của luật sư trở nên gần gũi, thân thiện hơn với cộng đồng mà còn cho thấy truyền thông luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần hiệu quả trong việc tạo lập vị thế của nghề luật sư ở Nhật Bản.
Tại các buổi làm việc, nghiên cứu thực tế, chúng tôi không những được phía bạn đón tiếp chân tình, mà còn có nhiều điều kiện để tìm hiểu, trao đổi về kỹ năng, nghiệp vụ. Vẫn biết, Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử phát triển văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là về thể chế chính trị vẫn còn những điểm khác biệt, nhưng sứ mệnh bảo vệ công lý của luật sư và quá trình hành nghề luật sư thì ở đâu cũng có thể thấy sự tương đồng. Không vậy mà, tuy là một quốc gia phát triển, nền dân chủ được coi trọng, LĐLS Nhật Bản có quyền tự quản cao và giới luật sư rất được coi trọng, nhưng các bạn vẫn thừa nhận họ đã phải mất rất nhiều thời gian đấu tranh để có được vị thế như ngày nay. Có vị lãnh đạo của Michibenren còn khiêm tốn cho biết, “Chúng tôi phải cảm ơn các bạn vì nhờ qua những cuộc tiếp xúc như thế này, chúng tôi có thêm cơ hội để soi lại mình”. Thậm chí, với một quốc gia mà nền tư pháp được xếp vào hàng tiến bộ như Nhật Bản, nguyên tắc suy đoán vô tội được tôn trọng, nhưng không phải lúc nào công lý cũng được thực thi. Khi đến làm việc với Văn phòng Luật sư Chung (Tokyo), chúng tôi được một luật sư ở đây chia sẻ, chính anh là người đã trực tiếp tham gia bào chữa giải oan cho 4 trường hợp bị tòa án tuyên tử hình cách đó cả chục năm. Có thể nói, thông qua chuyến công tác này, chúng tôi đã thu lượm được nhiều điều bổ ích cho nghề nghiệp của mình. Đó không chỉ là hoạt động tư pháp, cách thức tổ chức, quản lý, bồi dưỡng chuyên môn, giữ gìn phẩm giá luật sư ở Nhật Bản, mà còn là những mô hình, kinh nghiệm hoạt động thực tế liên quan đến nghề luật sư ở các tổ chức hành nghề khi có thời gian đến làm việc trực tiếp tại Văn phòng Luật sư Chung, Công ty Luật Thế kỷ (Tokyo), Công ty Luật Vạn Niên, Công ty Luật Datte (Fukuoka)…
Một điều hết sức thú vị nhưng đồng thời cũng thể hiện sự hiếu khách, chân tình là tại các buổi học tập, làm việc là sau khi tự giới thiệu ngắn gọn về mình, các bạn Nhật đều nhắc đến đợt mưa tuyết ở Tokyo hôm 22/01/2018 và kể về kỷ niệm với Việt Nam. Số là vào dịp đầu năm mới, thời tiết ở Nhật Bản rất lạnh, nhiều khi ngoài trời dù đang nắng nhưng tuyết vẫn rơi. Tuy vậy, nhưng chính những người Nhật mỗi năm may mắn cũng chỉ được ngắm tuyết rơi 1 -2 đợt, song không phải lúc nào cũng có tuyết dày. Thú vị là đúng dịp đến Tokyo, chúng tôi đã gặp một trận mưa tuyết lớn. Mưa tuyết hôm đó phủ trắng thủ đô nước Nhật với độ dày trên 10cm và kéo dài mấy hôm sau vẫn chưa tan hết. Đây được coi là “điềm lạ” và cũng chính vì trận mưa tuyết này đã khiến chúng tôi phải hủy một bữa tối giao lưu do LĐLS Nhật Bản dự định chiêu đãi để tranh thủ về khách sạn trước khi bị mắc kẹt lúc trời đã nhá nhem. Còn kỷ niệm với Việt Nam thì rõ quá, chúng tôi có cảm giác là các bạn Nhật luôn thích thú khi kể lại những ấn tượng tốt đẹp của họ về cảnh sắc, truyền thống và tình cảm của người Việt. Phải chăng đó cũng là lý do Việt Nam và Nhật Bản từ sớm đã nâng mức quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, Nhật Bản là một trong những nước cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Và phải chăng, đó còn là điều lý giải cho hoạt động giao lưu trên các lĩnh vực giữa hai quốc gia ngày càng được mở rộng, thực chất (?!).
Trận mưa tuyết hôm 22/01 phủ trắng Tokyo.
Những điều mắt thấy, tai nghe
Như đã nói, tuy lịch học tập, làm việc dày đặc, nhưng chúng tôi cũng tranh thủ thời gian được nghỉ vào cuối tuần và buổi tối để “khám phá” nơi đây. Là thành phố thuộc diện đắt đỏ nhất thế giới, nhưng do thường xuyên phải hứng chịu động đất nên ở Nhật Bản không có quá nhiều nhà cao tầng. Những tòa nhà trên 11 tầng chủ yếu xuất hiện ở những khu vực trung tâm đô thị với kiến trúc chắc chắn và thường có các tầng ngầm dưới lòng đất. Khác với vẻ đơn giản bề ngoài, nội thất mỗi tòa nhà đều được thiết kế khoa học. Tuy diện tích các phòng ở, phòng làm việc khá khiêm tốn nhưng có đầy đủ tiện nghi hiện đại. Sự chỉn chu, bài bản trong xây dựng, giao thông đó đều hướng đến sự an toàn, phục vụ cuộc sống của con người. Cùng với các phương tiện đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt, làm việc, mọi sự sắp đặt, cảnh báo về thiên tai, bệnh dịch ở đây rất được quan tâm.
Những ngày đầu năm 2018 nhiệt độ ngoài trời ở Nhật có khi âm 5 độ và có mưa tuyết, nhưng ở trong các tòa nhà và trên các phương tiện giao thông đều đủ ánh sáng, ấm áp do hầu hết chúng đã được lắp đặt hệ thống đèn, điện sưởi ấm. Có lẽ vậy mà ở đất nước có đến 127 triệu dân, “người xe như mắc cửi”, song tai nạn giao thông lại rất hãn hữu. Một chiều, khi ngang qua ngã tư gần Bộ Tư pháp Nhật Bản, anh Cẩm chỉ tay lên tấm bảng điện tử thông báo về tai nạn giao thông, bảo: “Hôm nay trên toàn nước Nhật không có vụ va chạm giao thông nào”. Nhân nói đến giao thông, nếu như trên các tuyến phố ở Tokyo chúng ta rất ít gặp người đi bộ hay các phương tiện giao thông khác ngoài ô tô, tàu cao tốc thì ở các khu thương mại, nhà ga dưới lòng đất ở thành phố là cả biển người. Những toán người hối hả đi lại trong trật tự, đông đúc như phố Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội. Tokyo quả là một thế giới sôi động nhưng kỷ cương diễn ra chủ yếu dưới lòng đất!
Một tuyến phố ở trung tâm Tokyo.
Tinh thần dân tộc và tính kỷ luật của người Nhật hẳn là điều ấn tượng khi người ta nhớ lại quá trình tái thiết đất nước này sau năm 1945 hay những câu chuyện cảm động trong đợt động đất và sóng thần khủng khiếp diễn ra ở xứ Phù Tang vào năm 2011 làm 22 nghìn người chết và mất tích. Nhưng có đến đây mới cảm nhận được phần nào về điều đó. Họ rất tôn trọng lời hứa, hành xử đúng mực, chính xác về thời gian. Cứ nghĩ ở một quốc gia giàu có như Nhật Bản, nơi giao dịch quốc tế diễn ra sôi động như vậy thì ngôn ngữ, tiền tệ cũng sẽ phải “hội nhập”, nhưng không phải vậy. Trên các đường phố, biển bảng, tên hiệu quảng bá và giao dịch ở đây chủ yếu là bằng tiếng, chữ Nhật. Đồng tiền sử dụng phổ biến ở xứ này là Yên Nhật, chứ không phải đô la Mỹ, Euro hay vàng như những nơi khác. Thậm chí, có người nói vui: “Ở Việt Nam, mình rất dốt tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của người Nhật còn kém hơn mình rất nhiều”. Đây cũng là lý do khiến những người lần đầu đến Nhật Bản như chúng tôi luôn rất vất vả mỗi khi tranh thủ tự đi mua sắm, đổi tiền hay đến các nhà hàng nếu không có phiên dịch . Nổi tiếng với đồ điện tử nhỏ gọn, bền, đẹp, có giá trị sử dụng cao, nhưng khác với những mặt hàng xuất khẩu ra bên ngoài, ở Nhật có một “dòng” các sản phẩm làm ra để phục vụ nội địa. Những thiết bị này đều có công suất 100 - 110v, ổ cắm điện được thiết kế thống nhất có 2 đầu dẹt, thông tin trên đó hoàn toàn bằng chữ Nhật, nhưng khi xem kỹ sẽ thấy có khá nhiều mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam.
Nếu ở Tokyo, mạng lưới giao thông được xem là “ngầm hóa”, việc đi lại thuận tiện nhưng không dễ dàng cho người lạ thì ở Fukuoka lại có vẻ hài hòa hơn. Nằm ở phía Nam Nhật Bản, Fukuoka cách Tokyo 1.100 km và có thể di chuyển bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo những khai quật khảo cổ trong thành phố thì từ thời kỳ đồ đá cũ con người đã sinh sống ở vùng đất này. Vì nằm gần Bán đảo Triều Tiên nên Fukuoka có sự giao thoa về văn hóa và kinh tế lâu đời với Hàn Quốc và Trung Quốc. Fukuoka là một trong 9 tỉnh của đảo Kyushu - đảo lớn thứ 3 trong 4 đảo lớn nhất hình thành nên nước Nhật.
Tại khu trung tâm Tenrin (Fukuoka), tuy cũng có hệ thống giao thông ngầm, nhưng trên các tuyến phố có nhiều người qua lại hơn, dẫu vậy vẫn là những toán người đi bộ cùng các phương tiện khác là ô tô và xe đạp. Việc mua sắm, tìm quán ăn ở Tenrin cũng như nhiều địa phương ngoài Tokyo không mấy khó khăn bởi có thể do diện tích vùng đô thị không quá rộng, người dân sống tương đối tập trung. Điều thú vị là, trong 5 ngày ở Fukuoka, chúng tôi được gặp rất nhiều bạn trẻ là người Việt đang học tập, làm việc ở đây. Các bạn sinh viên làm thêm tại một cửa hàng 7 eleven (một dạng siêu thị mini) cho biết, mỗi tuần họ được làm thêm 28h theo ca với mức thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng/người. Mức thu nhập này được tính khoảng 8.000 yên/1h, trong khi ở Tokyo khoảng 10.0000 yên/1h. Việc làm thêm này được chính quyền quản lý rất chặt, nếu phát hiện quá thời gian quy định có thể sẽ bị trục xuất về nước ngay lập tức. Đối với lao động phổ thông hoặc lao động có tay nghề cao, nhưng ở Nhật thường được gọi với danh nghĩa “thực tập sinh” hay “tu nghiệp sinh” thì mức lương chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần. Và cũng do chính sách an sinh xã hội tốt nên người lao động nước ngoài ở Nhật rất được quan tâm. Nghe nói, mấy năm trước, có một lao động người Việt qua đời do làm việc quá sức, anh này đã được bảo hiểm nước bạn chi trả đến 40 triệu yên (tương đương 400 nghìn đô la Mỹ). Dĩ nhiên, thu nhập cao nhưng chi phí sinh hoạt ở đây khá đắt đỏ, nhất là đối với các mặt hàng được xếp vào loại xa xỉ phẩm hoặc không được khuyến khích dùng, như 1 bao thuốc lá có giá gần 100 nghìn đồng, 1 lon bia khoảng hơn 80 nghìn đồng, còn những mặt hàng gắn mác “Madein Việt Nam” cũng cao hơn so với trong nước từ 1 - 2 lần… Nhưng chính sự chặt chẽ, trách nhiệm trong quản lý đã giúp cho người tiêu dùng luôn yên tâm mua sắm do “đáng đồng tiền bát gạo”.
Ở Nhật Bản, vấn đề kỷ luật lao động rất chặt chẽ. Hàng ngày, tại các công sở, họ làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều, thời gian ăn và nghỉ trưa vẫn được tính là giờ làm. Các bữa ăn phần lớn được chuẩn bị theo suất với việc tính toán phù hợp đủ lượng calo dưới dạng cơm hộp, tuy ít rau xanh và nhiều món cá nhưng sạch sẽ, bài trí bắt mắt. Quan điểm không khuyến khích dùng bia rượu, thuốc lá ở nơi làm việc được quán triệt ở khắp nơi, nhưng tại các nhà hàng, nhất là ở các quán nhậu thì bên cạnh “phong cách Nhật”, việc phục vụ các thực khách diễn ra khá tự do, thoải mái.
Một buổi học tập trung của đoàn.
Là quốc gia có nền công nghệ phát triển nên cùng với cơ sở hạ tầng tiên tiến, người Nhật rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ nhân quyền, quyền tự do cá nhân. Tại các nơi làm việc, cùng với sự bài trí ngăn nắp, chỉn chu, tạo điều kiện tốt nhất cho người làm việc, các điểm sinh hoạt, giải trí luôn được bố trí hợp lý. Bởi vậy mà tuy đoàn của chúng tôi chỉ vỏn vẹn 10 ngày công tác với lịch làm việc khép kín, nhưng vẫn được phía bạn dành 1 buổi sáng để hướng dẫn và cung cấp các thủ tục bảo hiểm, giao dịch ngân hàng, cách thức sinh hoạt, liên lạc, cảnh báo về các tình huống bất trắc có thể xảy ra, bảo vệ bản quyền tác giả, bảo mật internet... Đây cũng chính là một trong những điều khiến chúng tôi rất vất vả khi giải thích về việc không cập nhật thường xuyên lịch trình về nhà và hết sức lúng túng khai thác thông tin lúc mới đến xứ sở hoa anh đào.
Đoàn công tác chụp ảnh cùng Ban lãnh đạo LĐLS Nhật Bản.
10 ngày - một quãng thời gian quá ngắn so với kế hoạch học tập nghiên cứu như đã được máy tính lập trình sẵn và càng khó khăn hơn khi muốn tìm hiểu sâu về đất nước, con người Nhật Bản, nhưng chuyến đi đã mang lại nhiều điều bổ ích, có giá trị với chúng tôi. Đó không chỉ là những tri thức thực tế, những kỹ năng, kinh nghiệm thu lượm được để phục vụ cho nghề nghiệp, mà còn là sự trải nghiệm thú vị, hào hứng để tìm hiểu về xứ Phù Tang vẫn ẩn chứa nhiều điều cần được giao lưu, khám phá.
Hà Nội, 01/2018
Liêu Chí Trung