Ngày 13/02, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 3 (Bắc Giang, Đắc Nông, Nghệ An), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra nhằm xem xét, giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến việc hình thành, sáp nhập các cơ quan, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bởi, việc sáp nhập các bộ, sở ngành phải bắt đầu từ luật; đòi hỏi cùng một lúc phải sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho xây dựng, triển khai tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh họa.
Đặt lại vấn đề "tại sao phải tinh gọn", Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, hiện nay ngân sách quốc gia đang dành tới 70% cho chi thường xuyên, bộ máy quá cồng kềnh, làm 10 đồng chỉ có 03 đồng để xây dựng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, còn lại 07 đồng để cho chi thường xuyên. Muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng mà trông cậy vào 30% thì không có cách nào khác là phải tinh gọn. Tuy nhiên, để tinh gọn hiệu quả, cần phải có hành lang pháp lý phù hợp.
Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, quá trình tinh gọn bộ máy đến nay mới chỉ là bước đầu và cần tiếp tục nghiên cứu để tinh gọn nữa, vì thế luật có thể cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, yêu cầu làm sao phải có được bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn và tiền nhân dân đóng góp để nuôi bộ máy ít nhất có thể, còn lại dành tiền cho việc phát triển kinh tế-xã hội để cải thiện đời sống cho người dân.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, nhiệm vụ thứ nhất mà kỳ họp bất thường đặt ra là phải tạo ra hành lang pháp lý không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước vận hành hiệu quả mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật, đó là xoá bỏ việc "không quản được thì cấm" và bảo đảm pháp luật phải thực hiện được cả 02 chức năng, đó là chức năng quản lý và chức năng kiến tạo để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Vấn đề thứ hai, đó là tư duy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nữa, nhiều hơn nữa. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, ngày 12/02, chúng ta đã bàn về Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nhiều và Quốc hội cũng ủy quyền cho Chính phủ, phân cấp phân quyền cho Chính phủ và hôm nay (13/02) bàn về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng theo tinh thần đổi mới như vậy, phải phân cấp, phân quyền cho bên dưới nhiều hơn.