/ Nhìn ra thế giới
/ Mỹ: Các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục tăng lương cơ bản

Mỹ: Các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục tăng lương cơ bản

16/09/2024 14:26 |

(LSVN) - Các lãnh đạo phụ trách tiền lương cũng cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng các chiến lược ngoài lương cơ bản để tăng tổng thu nhập cho nhân viên, chẳng hạn như các loại tiền thưởng khác nhau.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images).

Theo một khảo sát mới từ tổ chức nghiên cứu The Conference Board, phần lớn các tập đoàn lớn tại Mỹ dự kiến sẽ tăng lương cơ bản trung bình 3,9% trong năm tới. Khảo sát này được thực hiện với sự tham gia của 300 lãnh đạo phụ trách vấn đề tiền lương từ 11 ngành công nghiệp chính của Mỹ.

Theo The Conference Board, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 4,4% của năm 2023, đánh dấu mức tăng lương cơ bản cao nhất trong 20 năm qua.

Việc tăng ngân sách lương cơ bản thường được coi là chỉ báo cho mức tăng lương trung bình mà nhân viên có thể nhận được.

Giám đốc kinh tế của The Conference Board, Dana Peterson, cho biết: “Dù tốc độ tuyển dụng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp có chút gia tăng, mức tăng lương cao tại các doanh nghiệp Mỹ dự báo tiếp tục duy trì đến năm 2025. Sự thu hẹp nguồn cung lao động đang buộc các doanh nghiệp phải tập trung vào việc giữ chân lực lượng lao động hiện tại, dẫn đến việc tăng lương bền vững và tăng trưởng lương thực tế cao hơn khi lạm phát giảm.”

Khảo sát của The Conference Board, được thực hiện từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Sáu năm nay, chủ yếu có sự tham gia từ các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ. Gần 80% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có doanh thu vượt qua 1 tỷ USD, và gần một nửa trong số đó có ít nhất 10.000 nhân viên.

Ngoài ra, để giữ chân các nhân tài quan trọng, nhiều người trả lời khảo sát cho biết họ dự định sử dụng nhiều ngân sách cho việc tăng lương hơn cho các mục đích như thăng chức (39%); duy trì mức lương cạnh tranh dựa trên áp lực thị trường bên ngoài (32%); đưa mức lương lên mức tối thiểu cho các khoảng lương của một vai trò cụ thể (29%); thay đổi trách nhiệm công việc (18%) cũng như phụ cấp cho các vị trí quan trọng (12%) và thưởng cho các nhân viên chủ chốt (7%).

Về vấn đề bình đẳng lương, gần đây được chú trọng trong các luật công khai lương của các bang và địa phương, The Conference Board cho biết: “Sự chú trọng liên tục vào bình đẳng lương trong các tổ chức, được thúc đẩy bởi các yêu cầu pháp lý và các mệnh lệnh mới, cho thấy sự minh bạch lương và việc giữ chân nhân viên đang ảnh hưởng đến chiến lược tổng thể về lương thưởng của các công ty.”

Các lãnh đạo phụ trách tiền lương cũng cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng các chiến lược ngoài lương cơ bản để tăng tổng thu nhập cho nhân viên, chẳng hạn như các loại tiền thưởng khác nhau.

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ, giá nhập khẩu của nước này giảm mạnh trong tháng 8/2024 do chi phí của nhiều loại hàng hóa giảm, dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới.

Giá nhập khẩu của Mỹ đã giảm 0,3% trong tháng 8/2024, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2023, sau khi tăng 0,1% vào tháng 7/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 8, giá nhập khẩu đã tăng 0,8%, sau khi tăng 1,7% trong tháng trước đó.

Giá nhiên liệu nhập khẩu giảm 3,0% trong tháng 8/2024, đảo ngược mức tăng 1,1% của tháng 7/2024, trong khi các sản phẩm dầu mỏ giảm 3,2%. Giá thực phẩm giảm 0,1% sau khi tăng vọt 1,5% vào tháng 7.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy giá xuất khẩu giảm 0,7% trong tháng 8/2024, sau khi tăng 0,5% vào tháng 7/2024, trong đó giá hàng hóa xuất khẩu nông nghiệp và phi nông nghiệp đều giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 8/2024, giá xuất khẩu giảm 0,7%, sau khi tăng 1,2% trong tháng 7/2024.

Với áp lực giá cả đang giảm dần, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện đang tập trung vào thị trường lao động, vốn đã chậm lại đáng kể so với mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ của năm ngoái.

Fed dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ được mong đợi từ lâu vào ngày 18/9 tới, với mức cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm được kỳ vọng mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 12/9, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của nước này tăng nhẹ trong tuần trước, cho thấy tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thị trường lao động đang chậm lại.

Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã tăng 2.000 đơn, lên mức 230.000 đơn trong tuần tính đến ngày 07/9. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới chưa điều chỉnh giảm 12.968 đơn, xuống còn 177.663 đơn vào tuần trước.

Kể từ cuối tháng 7/2024, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần của Mỹ đã hầu như không thay đổi, sau khi giảm từ mức cao nhất trong gần 1 năm là 250.000 đơn.

PV/TTXVN

Bùi Thị Thanh Loan