Ngày 03/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden đã công bố “Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời”, nhằm truyền tải tầm nhìn của ông về cách thức nước Mỹ can dự với thế giới.
Tổng thống Biden cho biết, ông chỉ đạo các bộ và cơ quan liên bang điều chỉnh hành động của mình theo chỉ dẫn này, ngay cả khi chính quyền bắt đầu xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia. Tổng thống Biden cho rằng hiện không có thời gian để lãng phí, bởi đơn giản là nước Mỹ không thể vắng mặt lâu trên “sân khấu thế giới”. Dưới chính quyền của ông, nước Mỹ trở lại, ngành ngoại giao trở lại và các liên minh trở lại. Nhưng chính quyền của ông không nhìn lại, mà đang hướng tới tương lai và tất cả những gì có thể đạt được cho người dân Mỹ.
Chỉ dẫn xác định, ngày nay, hơn bao giờ hết, số phận của nước Mỹ gắn bó chặt chẽ với các sự kiện bên ngoài biên giới lãnh thổ. Nước Mỹ đang phải đương đầu với một đại dịch toàn cầu, một nền kinh tế suy thoái, một cuộc khủng hoảng về bình đẳng chủng tộc và sự khẩn cấp về khí hậu ngày càng sâu sắc.
Nước Mỹ cũng phải đương đầu với một thế giới mà chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nền dân chủ đang suy thoái, sự cạnh tranh ngày càng tăng với Nga, Trung Quốc, và các quốc gia khác. Một cuộc cách mạng công nghệ cũng đang định hình lại mọi khía cạnh trong đời sống. Đây là thời kỳ của những thách thức chưa từng có, nhưng cũng là cơ hội không gì sánh được.
“Thời khắc này kêu gọi tất cả chúng ta hướng về phía trước chứ không phải lùi lại, mạnh dạn can dự với thế giới để giữ cho người dân Mỹ an toàn, thịnh vượng và tự do. Điều đó đòi hỏi một sự thấu hiểu mới và rộng hơn về an ninh quốc gia; các cách tiếp cận sáng tạo dựa trên tất cả các nguồn lực của sức mạnh an ninh quốc gia, bao gồm sự đa dạng, nền kinh tế mạnh mẽ, xã hội dân sự năng động và nền tảng công nghệ đổi mới, các giá trị dân chủ bền vững, mạng lưới quan hệ đối tác và liên minh sâu rộng, và quân đội hùng mạnh nhất thế giới.
Nhiệm vụ của chính quyền là đảm bảo những lợi thế này bền bỉ, thông qua xây dựng lại tốt hơn ở trong nước và củng cố lại vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài. Từ một vị trí sức mạnh được làm mới, nước Mỹ có thể giải quyết bất kỳ thách thức nào”.
Chỉ dẫn của Tổng thống Biden nêu rõ các ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm bảo vệ và nuôi dưỡng các nguồn lực cơ bản của sức mạnh Mỹ bao gồm người dân, kinh tế, quốc phòng, và dân chủ trong nước; thúc đẩy phân phối quyền lực thuận lợi nhằm răn đe và ngăn ngừa các đối thủ trực tiếp đe dọa Mỹ và các đồng minh, ngăn cản tiếp cận các nguồn tài nguyên chung, hoặc thống trị các khu vực chủ chốt; lãnh đạo và duy trì một hệ thống quốc tế mở và ổn định dựa trên các liên minh dân chủ mạnh mẽ, các mối quan hệ đối tác, các thể chế đa phương và các quy định.
Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ không thể thực hiện được các ưu tiên trên một mình, do đó nước này sẽ cần củng cố và hiện đại hóa các mối quan hệ đồng minh và đối tác của mình trên toàn thế giới. Mỹ sẽ tái khẳng định, đầu tư, và hiện đại hóa khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các mối quan hệ đồng minh với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với các mối quan hệ đồng minh và đối tác khác trên toàn thế giới vì đây là tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ.
Các lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ cần tới sự liên kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Châu Âu, và khu vực Tây Bán cầu. Mỹ sẽ củng cố quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam, và các quốc gia thành viên khác thuộc ASEAN nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung. Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc đảo Thái Bình Dương và tái cam kết đối với quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, củng cố một chương trình nghị sự chung và mạnh mẽ với Liên minh châu Âu và Anh trong việc xác định các vấn đề của thời đại.
Ở khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ duy trì cam kết vững chắc đối với an ninh của Israel trong khi tìm cách thúc đẩy sự hội nhập của nước này đối với các nước láng giềng đồng thời nối lại vai trò của Mỹ là nước thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực nhằm răn đe sự hung hăng của Iran và các mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phá vỡ al-Qaeda và các mạng lưới khủng bố liên quan, ngăn chặn sự trỗi dậy của IS, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết các cuộc xung đột vũ trang phức tạp đe dọa ổn định khu vực.
Mỹ khẳng định sức mạnh quân sự không phải là câu trả lời cho các thách thức trong khu vực, do đó Mỹ đã rút hỗ trợ các hoạt động tấn công quân sự ở Yemen và ủng hộ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến tại đây. Mục đích của Mỹ là giảm căng thẳng khu vực và tạo không gian cho người dân trên toàn khu vực Trung Đông thực hiện mong ước của mình.
Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác ở châu Phi bằng cách xây dựng xã hội dân sự và củng cố các mối liên két văn hóa, kinh tế, và chính trị lâu dài. Mỹ sẽ phối hợp nhằm chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu tại châu Phi và ngăn chặn các cuộc xung đột mới đồng thời gia tăng cam kết đối với sự phát triển, an ninh y tế, bền vững môi trường, tiến bộ dân chủ và pháp quyền ở châu Phi. Mỹ sẽ giúp các quốc gia châu Phi đối phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu và chủ nghĩa cực đoan bạo lực đồng thời giúp các nước này độc lập về kinh tế và chính trị trước ảnh hưởng của nước ngoài.
Chỉ dẫn của Tổng thống Biden nhấn mạnh ngoài việc tái cam kết các mối quan hệ đồng minh và đối tác, Mỹ sẽ lại tăng cường hợp tác quốc tế hướng tới một thế giới thịnh vượng, an toàn và tốt đẹp hơn. Mỹ sẽ nhanh chóng giành lại vị thế lãnh đạo tại các thể chế quốc tế và cùng cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và các thách thức chung khác. Mỹ cũng sẽ cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức của đại dịch Covid-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác mà có thể trở thành đại dịch trong tương lai.
Trong khi tái can dự vào hệ thống quốc tế, Mỹ sẽ giải quyết mối đe dọa còn tồn tại từ vũ khí hạt nhân. Mỹ sẽ ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và tái thiết lập sự đáng tin cậy của mình trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, Mỹ đã nhanh chóng gia hạn Hiệp ước START mới với Nga. Mỹ sẽ tham gia các cuộc đối thoại với Nga và Trung Quốc về một loạt các vấn đề liên quan tới các hoạt động phát triển công nghệ quân sự mới nổi liên quan tới ổn định chiến lược.
Trong khi thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới, Mỹ sẽ đưa ra các lựa chọn sáng suốt và cân nhắc liên quan tới quốc phòng và sử dụng quân sự một cách có trách nhiệm trong khi đề cao vai trò của ngoại giao là giải pháp đầu tiên. Mỹ sẽ không lưỡng lự sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo vệ các lợi ích quốc gia sống còn của mình, tuy nhiên việc sử dụng vũ lực sẽ là giải pháp cuối cùng.
Tổng thống Biden cho rằng Mỹ không nên và sẽ không tham gia vào các cuộc chiến không hồi kết khiến nhiều người thiệt mạng và gây tốn kém hàng nghìn tỉ USD. Mỹ sẽ tìm cách chấm dứt cuộc chiến dài nhất của mình tại Afghanistan một cách có trách nhiệm trong khi đảm bảo rằng nước này sẽ không lại trở thành nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố chống lại Mỹ.
Tổng thống Biden nhấn mạnh chỉ dẫn này sẽ củng cố các lợi thế lâu dài của Mỹ và cho phép nước này vượt lên trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác. Cách hiệu quả nhất để Mỹ vượt qua trong cuộc canh tranh với Trung Quốc về lâu dài là đầu tư cho người dân, kinh tế và dân chủ Mỹ. Bằng cách khôi phục độ tin cậy của Mỹ và tái khẳng định hướng tới sự lãnh đạo toàn cầu, Mỹ sẽ đảm bảo Mỹ chứ không phải Trung Quốc sẽ thiết lập nghị sự quốc tế.
Bằng cách củng cố và bảo vệ các mạng lưới đồng minh và đối tác và đầu tư quốc phòng sáng suốt, Mỹ cũng sẽ răn đe sự “hung hăng” của Trung Quốc và đối phó với các mối đe dọa đối với an ninh tập thể, thịnh vượng và đời sống dân chủ. Khi cách hành xử của chính quyền Trung Quốc trực tiếp đe dọa lợi ích và giá trị Mỹ, Mỹ sẽ đáp trả thách thức từ Bắc Kinh.
Vẫn theo ông Biden, Mỹ sẽ đối đầu với các hoạt động thương mại bất hợp pháp và không công bằng, đánh cắp qua mạng, và các hoạt động kinh tế cưỡng ép làm phương hại tới người lao động Mỹ và tìm cách làm xói mòn lợi thế chiến lược và khả năng cạnh tranh quốc gia của Mỹ. Mỹ sẽ đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng của mình đối với công nghệ an ninh quốc gia quan trọng và các nguồn cung y tế. Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chung bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.
Mỹ sẽ tự định vị về ngoại giao và quân sự để bảo vệ các đồng minh của mình. Mỹ sẽ ủng hộ các nước láng giềng và đối tác thương mại của Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền của mình trong việc đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập mà không bị cưỡng ép và bị ảnh hưởng bởi nước ngoài. Mỹ sẽ ủng hộ Đài Loan và sẽ đảm bảo các công ty Mỹ không phải từ bỏ các giá trị Mỹ trong giao thương với Trung Quốc. Mỹ sẽ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương, và Tây Tạng.
Mỹ sẽ tiến hành ngoại giao dựa trên kết quả và thực tế với Trung Quốc và sẽ tìm cách giảm rủi ro hiểu sai và tính toán sai lầm. Mỹ sẽ hoan nghênh sự hợp tác của chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí, và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
PV/VOV
Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Gina Raimondo làm Bộ trưởng Thương mại