Binh sỹ gác tại Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN.
Ngày 06/02, Hội đồng Điều hành Nhà nước Myanmar đã ra sắc lệnh đổi tên Văn phòng Tổng thống thành Văn phòng Hội đồng điều hành nhà nước.
Theo sắc lệnh trên, Văn phòng Chính phủ liên bang cũng sẽ được đổi thành Văn phòng Hội đồng điều hành nhà nước. Bên cạnh đó, Hội đồng Điều hành nhà nước đã thành lập một nhóm truyền thông gồm 3 thành viên do Chuẩn tướng Zaw Min Tun đứng đầu.
Văn phòng Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang đã thành lập Hội đồng Điều hành nhà nước sau khi Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và trao quyền điều hành đất nước cho Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing.
Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Hội đồng Điều hành nhà nước đã tiến hành cải tổ Ủy ban bầu cử liên bang để xem xét lại tiến trình bầu cử năm ngoái.
Ngày 01/02 vừa qua, quân đội Myanmar đã can thiệp nhằm ngăn chặn Quốc hội triệu tập phiên họp đầu tiên và thông qua chính phủ mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.
Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng NLD vào rạng sáng 02/02.
Bà San Suu Kyi, 75 tuổi, đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật xuất nhập khẩu, trong khi Tổng thống U Win Myint bị bắt giữ với cáo buộc ông và gia đình đã gặp gỡ một số người trong chiến dịch tranh cử của đảng NLD cầm quyền vào ngày 20/9/2020 trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 và bị buộc tội vi phạm các biện pháp liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 theo Luật xử lý thiên tai.
Trước tình hình này, tối 05/02, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đã có cuộc điện đàm với Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Soe Win, trong đó bà Burgener kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các nhân vật bị bắt giữ.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về cuộc chính biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp khẩn ngày 05/02, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí "nhấn mạnh cần duy trì tiến trình và các thể chế dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng các quy định của pháp luật".
ĐẶNG ÁNH/TTXVN
Hội đồng Bảo an yêu cầu phải duy trì các thể chế và quy trình dân chủ ở Myanmar