/ Luật sư trực ban
/ Năm 2023 người cao tuổi có thuộc đối tượng được tăng tiền trợ cấp?

Năm 2023 người cao tuổi có thuộc đối tượng được tăng tiền trợ cấp?

14/02/2023 14:54 |

(LSVN) - Theo quy định, năm 2023, người cao tuổi có thuộc đối tượng được tăng tiền trợ cấp không? Bạn đọc H.D. hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 2, Luật người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Theo quy định này thì công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên sẽ là người cao tuổi. Tuy nhiên, chỉ những người cao tuổi thuộc một số trường hợp nhất định mới được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 17, Luật Người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, bao gồm:

“1. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.  

2. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hằng tháng.”

Theo quy định tại Điều 18 và Điều 19, Luật Người cao tuổi năm 2009 thì những người cao tuổi thuộc những đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội nêu trên sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, trừ trường hợp được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng và được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ sau đây: “a) Trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng; b) Cấp tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày; c) Được hưởng bảo hiểm y tế; d) Cấp thuốc chữa bệnh thông thường; đ) Cấp dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; e) Mai táng khi chết.” Nếu người cao tuổi thuộc diện nêu trên mà có người nhận chăm sóc tại cộng đồng thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bằng mức nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, được hưởng bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.

Theo quy định tại khoản 5, Điều 5, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021), người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây sẽ là đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, bao gồm:

“a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng”.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ thì “mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng” (tăng 90.000 đồng/tháng so với quy định cũ (270.000 đồng/tháng) tại khoản 1, Điều 4, Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

Mặt khác, tại khoản 3, Điều 4, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định: “Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định: a) Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; b) Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.” Theo các quy định này, tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại từng địa phương (theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) mà mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi (thuộc đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội) là có thể khác nhau (nhưng không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Đồng thời, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội cũng có thể rộng hơn các đối tượng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ thì tùy theo từng nhóm đối tượng mà mức trợ cấp xã hội hàng tháng sẽ được tính bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội (quy định tại Điều 4 Nghị định này) nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, nếu từ đủ 60 đến 80 tuổi được hưởng hệ số 1,5 tương đương (360.000 đồng x 1,5) là: 540.000.đồng/tháng, còn nếu từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng hệ số 2,0 tương đương (360.000 đồng x 2,0) là: 720.000 đồng/tháng.

Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; và người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng (không thuộc diện quy định nêu trên) thì được hưởng hệ số 1,0 tương đương (360.000 đồng x 1,0) là: 360.000 đồng/tháng.

Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; không có điều kiện sống ở cộng đồng; đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng được hưởng hệ số 3,0 tương đương (360.000 đồng x 3,0) là: 1.080.000 đồng/tháng.

Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng các mức theo các hệ số khác nhau quy định nêu trên hoặc tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất. Riêng người đơn thân nghèo đang nuôi con là đối tượng quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì được hưởng cả chế độ đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 5 và chế độ đối với đối tượng quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

TRẦN VŨ

Cách tra cứu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi không có sổ hộ khẩu

Nguyễn Hoàng Lâm