Nhờ quan hệ đặc biệt với những quan chức ngành công an, Năm Cam đã dựng kịch bản “cứu chúa” đổ tội cho đàn em, bẻ cong chứng cứ và làm sai lệch hồ sơ khiến vụ án đi vào bế tắc, nhờ vậy đã cứu con cháu trong gia tộc thoát án giết người bình an vô sự.
Kịch bản thế thân “cứu chúa”
Nghe Hiệp kể lại tỉ mỉ mọi chi tiết, Năm Cam lặng lẽ suy nghĩ. Để cứu những thành viên của gia tộc ra khỏi vụ giết hai người, trong đó có một cảnh sát hình sự là chuyện không đơn giản chút nào. Bẩm sinh của một con cáo già, Năm Cam tự biết mình phải cầu cứu những ai. Sau khi nắm tình hình Năm Cam nhận xét việc Thịnh bị đánh ở Hải Triều là chuyện nhỏ, nhưng Thọ là cha của Thịnh đáng lẽ khi biết Thịnh gọi điện kêu Bảy Việt ra quán đánh nhau thì phải can ngăn. Đằng này Thọ còn theo Thịnh ra Hải Triều để đánh nhau. Sự có mặt của Thọ ở Hải Triều là nguyên nhân để xảy ra vụ án làm chết hai người.
Tối 29/01/2000, Năm Cam cùng Hồ Việt Sử đến nhà Hiệp, gọi cho Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung rồi Thượng tá Dương Minh Ngọc, đều là những sĩ quan công an Năm Cam từng cộng tác làm đặc tình lúc “hàn vi” ở hẻm 148 Tôn Đản (quận 4). Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung là cao thủ điều tra trọng án, còn Thượng tá Dương Minh Ngọc là sĩ quan cảnh sát hình sự lừng danh, anh em SBC thường lấy hình ảnh anh quên thân mình bảo vệ nhân dân, dũng cảm triệt phá các băng cướp sừng sỏ để làm gương. Sau khi được cầu cứu, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung gặp riêng Năm Cam để thuyết phục đưa Bảy Việt ra đầu thú.
Nếu Bảy Việt ra tự thú như gợi ý của Nguyễn Mạnh Trung và khai theo sắp xếp của Năm Cam, có nghĩa Bảy Việt là kẻ chủ mưu, nhưng lỡ Bảy Việt phản cung thì sao. Năm Cam quyết định sẽ tính cách khác chứ không để Bảy Việt đầu thú.
Sau Tết Nguyên đán, Hiệp đến nhà Kim Anh thuyết phục Bảy Việt nhưng tên này không đồng ý với kế hoạch trên. Bảy Việt trốn sang Campuchia nhờ các mối quan hệ của gia đình Năm Cam, rồi dùng hộ chiếu giả định xuất ngoại sang Canada nhưng bị cảnh sát Thái Lan phát hiện nên kế hoạch không thành.
Năm Cam xoa tay tỏ vẻ yên tâm khi Kim Anh thông báo về tình hình của Bảy Việt. Với y, kẻ nào dám đụng vào gia đình, con cháu của y đều phải trả giá. Bởi vì, chỉ có gia đình y mới xứng đáng là người và mạng sống mới đáng quý. Còn bất kỳ ai khác, sống chết chẳng khác gì con ruồi.
Bẻ cong chứng cứ
Sau khi vụ trọng án xảy ra, Đại tá Võ Văn Măng (Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc, báo cáo kết quả điều tra vì sao trung sĩ Phan Lê sơn bị giết trong thời gian sớm nhất.
Cơ quan điều tra giao Công an quận 1 triệu tập Đặng Thu Thơm (chủ quán Cấm Chỉ) đến để làm việc. Chồng Thu Thơm (công tác tại Đội An ninh điều tra - Công an quận 1) cũng được mời lên làm việc. Điều tra viên Nguyễn Văn Thành và Trưởng Công an quận 1 là Vũ Chinh tiếp Thu Thơm. Ông Chinh trực tiếp hỏi Thu Thơm theo kiểu mớm ý: “Bọn nó đã ra đầu thú hết cả rồi, sự việc đã rõ hết, nhưng muốn cô khai đúng sự việc. Vì bọn chúng nói là vẫn thường xuyên tới quán cô ăn và biết cô. Con dao chúng nó lấy chém nhau là ở quán của cô, Bảy Việt đã dùng con dao này chém Phan Lê Sơn”. Thơm ngạc nhiên: “Dạ không có chuyện đó, dao nhà cháu vẫn còn nguyên, hơn nữa không dính chút máu nào. Người chém Sơn mặc áo trắng chứ không phải Bảy Việt”.
Biết chồng Thơm cũng là 1 chiến sĩ công an, ông Chính nói vòng vo: “Chồng cô là người tốt, nếu cô không khai đúng sự việc thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của chồng”. Ông Chinh đưa Thơm sang phòng Phó trưởng Công an quận Nguyễn Hoàng Tuấn. Tuấn gặng hỏi: “Sao không chịu khai hết, lại cứ nói là người áo trắng chém. Tôi khẳng định là Sơn đã lấy dao trong quán Cấm Chỉ chém lại bọn nó và thằng Thịnh nó khai là nó lấy dao ở quán em mà, nó chém xong thì bỏ dao lại”. Thơm một mực khẳng định: “Em biết gì đã khai hết, Sơn không có lấy con dao ở quán em chém Thịnh”. Ông Tuấn tiếp tục tra hỏi: “Anh nói cho em biết nhé, dao bọn nó và thằng Sơn lấy ở trong quán em, mà em nói không có thì mai mốt anh cứ triệu tập em hoài xem em có dám không lên không. Còn chuyện phát triển của chồng và việc buôn bán của em nữa”.
Tình tiết Phan Lê Sơn lấy con dao của quán Cấm Chỉ được hình thành, vụ án được điều tra sang hướng Trung sĩ Phan Lê Sơn và bọn côn đồ xô xát nhau do ăn nhậu. Sơn lấy dao ở quán Cấm Chỉ đánh lại và sau đó bị bọn côn đồ cướp dao chém chết. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung căn cứ vào chứng cứ thu thập được về Thọ “đại úy” còn yếu, chỉ là gây rối trật tự công cộng, chưa đủ cơ sở khởi tố và bắt giam Thọ về tội giết người. Mạnh Trung báo cáo Đại tá Võ Văn Măng cần tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để bắt đúng người, đúng tội thì sẽ thuyết phục hơn.
Sau khi bị Công an quận 1 tra hỏi một cách khó hiểu ngày 4/4/2000, nhân chứng Đặng Thu Thơm đã làm đơn trình bày gửi lãnh đạo Công an TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.
Lần đó cơ quan điều tra đã không xem xét Thọ “đại úy” theo hướng tội giết người từ hành vi cầm đầu, xúi kẻ khác phạm tội để tìm chứng cứ chứng minh là một sai sót lớn. Nếu căn cứ khoản 2 điều 245 Bộ luật Hình sự để bắt Thọ sẽ có lợi hơn là để hắn ta ngoài xã hội, bởi hắn vì là cháu ruột kêu Nam Cam bằng cậu, nên Thọ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức tội phạm của Năm Cam. Do không bắt Thọ nên hắn đã bỏ trốn khi sức khỏe đã khá hơn, công tác điều tra truy tìm thủ phạm giết Phan Lê Sơn gặp rất nhiều khó khăn.
Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Thượng tá Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự), Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung (Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra) gặp riêng Nam Cam, thuyết phục y đưa Bảy Việt về đầu thú sau khi phát hiện gã đang lẩn trốn bên Campuchia. Tuy nhiên, Bảy Việt có đến cơ quan điều tra tự thú nhưng lại khai báo theo sự sắp xếp của Năm Cam.
Điều tra viên Đặng Hải Tương cho Bảy Việt đối chất các đối tượng tham gia gây án đã khi y là kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ án giết cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn nhưng y phản cung. Điều tra viên triệu tập Thọ, Hiệp và những người Bảy Việt vừa khai đến trại giam Chí Hòa đối chất với Bảy Việt.
Khi đã có tội phạm đầu thú, hướng điều tra tất nhiên sẽ tập trung làm rõ hành vi phạm tội của họ. Năm Cam bí mật cho Bảy Việt biết chờ đến khi kết luận điều tra về vụ án được hoàn thành, chuyển sang VKS và đưa ra tòa xét xử. Khi đó nếu kẻ đầu thú phản cung thì vụ án sẽ rơi vào bế tắc, phải hoàn trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, lúc đó mọi chuyện sẽ diễn tiến theo hướng gây rối trật tự công cộng, Bảy Việt sẽ được thoát vòng lao lý.
Làm theo chỉ đạo, Bảy Việt phản cung, phủ nhận lời khai của mình: “Không có ai xúi giục và giúp đỡ tôi trốn qua Campuchia cả!”. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trung ký kết quả điều tra, chuyển hồ sơ kết luận Bảy Việt là kẻ chủ mưu vụ án giết Phan Lê Sơn sang Viện kiểm sát TP. Hồ Chí Minh. Bảy Việt thấy mình có khả năng bị nhận mức án cao nhất nên đã viết đơn kêu oan và tố cáo Năm Cam.
Với những tài liệu, chứng cứ cơ quan điều tra đã thu thập được đã đủ cơ sở kết luận Năm Cam, Hiệp “phò mã”, Thọ “đại úy” và những người có liên quan theo lời khai của Bảy Việt phạm tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngòai hoặc ở lại nước ngòai trái phép.
Vậy còn những kẻ như Nguyễn Hữu Thịnh, Bảy Việt, Minh bu đã lôi kéo, xúi giục đồng bọn sát hại cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn thì sao? Căn cứ kết luận và đề nghị truy tố Thọ tội “Gây rối trật tự công cộng”, Nguyễn Thị Kim Yến, Lê Thị Hồng Ngọc, Phan Thị Trúc tội “Che giấu tội phạm”. Và các bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội “Giết người” của cơ quan điều tra. Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra cáo trạng chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp.
Thủ phạm, chủ mưu giết Phan Lên Sơn là những tên con cháu trong gia đình và những tên đàn em thân cận của Năm Cam, sau khi án mạng xảy ra, Năm Cam dùng tiền dàn xếp, can thiệp vào quá trình điều tra làm sai lệch hồ sơ vụ án. Thọ tuy là kẻ chủ mưu nhưng chỉ bị khởi tố tội “Gây rối trật tự công công cộng” và được tại ngọai. Năm Cam, Hiệp “phò mã” gần như ngoài cuộc. Kết luận điều tra và cáo trạng sau đó đều xác định Bảy Việt là kẻ chủ mưu giết người, từ việc đưa hung khí đến lôi kéo đồng bọn đánh nhau và đâm chết Phan Lê Sơn, Phạm Phước Hưng.
Tuy nhiên lời khai của Bảy Việt có nhiều khuất tất, có không ít sai phạm trong quá trình điều tra. Thêm vào đó là lá đơn của nhân chứng Đặng Thu Thơm gửi lãnh đạo Công an TP.Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ việc điều tra vòng vo của Công an quận 1, tiếp đó là lá đơn kêu oan, tố cáo của Bảy Việt khi phát hiện mình có nguy cơ chịu án “dựa cột”.
Ngay sau đó, cuộc họp giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Công an TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra, Thẩm phán Bùi Hòang Doanh (Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh) phát biểu: “Tòa trọng chứng hơn trọng cung, yêu cầu cơ quan điều tra xác định rõ vai trò của Bảy Việt, làm rõ nguồn gốc các lọai hung khí gây án, không để lọt người, lọt tội”. Ông Nguyễn Văn Bông (Viện trưởng VKSND thành phố) đề nghị cơ quan điều tra làm rõ vài trò của Bảy Việt trong vụ án, xác định nguồn gốc hung khí gây án.
Lá đơn của nhân chứng Đặng Thu Thơm được Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và VKSND Tối cao tiếp nhận. Sau khi xem xét có dấu hiệu sai phạm trong điều tra, xử lý, Tổng cục Cảnh sát vào cuộc sau khi Viện Khoa học hình sự cử lực lượng giám định pháp y thực nghiệm các cơ chế hình thành dấu vết, thương tích, xác định các lọai hung khí gây nên thương tích trên hai tử thi Phan Lê Sơn và Hồ Phước Hưng.
Vụ án trung sĩ Phan Lê Sơn vì thế rơi vào thế bế tắc, phải đến khi “giang hồ đất Cảng” ào ạt “Nam tiến”, khuấy động địa bàn làm ăn khiến ông trùm đứng ngồi không yên. Giọt nước tràn ly khi Năm Cam “lệnh” cho Hải “bánh” một gã du đảng nổi tiếng Đất Bắc sát hại bà trùm “giang hồ đất Cảng” là Dung Hà thì vụ án mới tiếp tục được điều tra làm rõ, từ đây chân tướng Năm Cam và đồng bọn mới lộ diện.
(Còn nữa)
LÊ VŨ – THỦY SINH – PHẠM TRƯỜNG/PLVN