/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Năm Cam (kỳ 27): Nỗi lo kẻ xấu đâm sau lưng tướng Tư Bốn

Năm Cam (kỳ 27): Nỗi lo kẻ xấu đâm sau lưng tướng Tư Bốn

05/01/2021 18:04 |

Chuyên án đấu tranh với Năm Cam và đồng bọn ở giai đoạn căng thẳng, tướng Tư Bốn lo lắng chuyện kẻ xấu ám hại là một đằng, nhưng chuyện khiến ông trăn trở hơn là trong quá trình điều tra xuất hiện hàng loạt chứng cứ về những người đồng đội đương chức là cán bộ cấp cao trong ngành công an có “quan hệ” đến băng nhóm Năm Cam…

Nỗi lo kẻ xấu đâm sau lưng

Hàng ngày, xe đưa đón Tư Bốn từ trụ sở bộ về nhà thường xuyên không có mặt ông trong xe. Ngay cả khi ra Hà Nội báo cáo, nhận lệnh từ lãnh đạo bộ, Trung ương, tướng Tư Bốn cũng “nghi binh” thay đổi lộ trình, giờ giấc, đi bằng xe taxi biển trắng. Những việc đó để đảm bảo an toàn cho ông khỏi đòn “đâm lén” của kẻ thù.

Cuộc đời Tư Bốn từ khi lớn lên trong kháng chiến đã luôn sống giữa 2 làn đạn, hòa bình tái lập ông đối mặt với rất nhiều băng nhóm tội phạm nhưng chưa từng sờn lòng. Nhưng những người thân của Tư Bốn thì khác, nhất là trong thời điểm đang rất nhạy cảm trước thông tin Năm Cam và đồng bọn không mua chuộc được sẽ tìm cách “đâm sau lưng”, hướng hòn tên, mũi đạn vào gia đình ông.

Đòn của chuyên án Z5- 01 đã đánh sắp trúng huyệt nên Năm Cam và đồng bọn mới điên cuồng như vậy. Nhưng cú dạo đầu phản kháng như vậy như lời cảnh báo trước đòn ác hiểm của Năm Cam nếu Tư Bốn không để cho bọn chúng một con đường sống.

Hàng ngày, chị Chín (vợ tướng Tư Bốn) vẫn ra ruộng chăm sóc đám lúa, không phải do chị tiếc tiền mướn nhân công, mà vì việc đồng ruộng đã gắn liền với đời chị từ nhỏ đến giờ. Nông dân ở quê anh rất là tốt bụng, họ quý trọng anh, hình dung công việc hệ trọng anh đang gánh vác và sự nguy hiểm có thể vợ con anh phải đối đầu, hàng ngày luôn để tâm quan sát xem có dấu hiệu gì khác lạ để ra tay kịp thời.

Chín Nhàn - người em gần gũi của tướng Tư Bốn dù bộn bề công việc ở văn phòng Tỉnh ủy Tiền Giang vẫn phải dành thời gian rãnh rỗi hiếm có “ngó chừng” chị dâu và các cháu, bí mật quan sát chung quanh. Anh Chín Nhàn thường xuyên dặn dò: “Đi ra ngoài nhớ ngó trước ngó sau nghe chị Tư. Lỡ có bề gì…”.

Nguyễn Tấn Phúc con trai lớn của tướng Tư Bốn công tác ở Công an Tiền Giang. Nguyễn Tấn Phúc cũng theo nghiệp cha, có thể tự bảo vệ an toàn cho mình, gia đình và họ hàng nên ông không lo lắng nhiều. Duy chỉ có Nguyễn Thị Việt Hồng con gái ông vừa tốt nghiệp ngành y trường Đại học Cần Thơ, đang làm bác sĩ ở TP.Hồ Chí Minh mới là điều lo lắng nhiều nhất. Không mua chuộc được cha, bị dồn tới bước đường cùng, Năm Cam sai đồng bọn bắt cóc thủ tiêu Việt Hồng thì sao?

Thành phố lên đèn, tướng Tư Bốn một mình trong phòng vắng, ruột gan nóng như lửa đốt, ông nghĩ đến khuyến cáo người vợ ở quê phải hạn chế tối đa việc đi ra khỏi nhà ban đêm đề phòng đàn em của Năm Cam luôn rình rập trả thù. Ông không sợ chết, nhưng dù sao thì ông vẫn phải lo lắng, có lúc không an tâm khi liên tưởng đến chuyện làm càn, làm liều của Năm Cam và đồng bọn khi chúng bị dồn đến bước đường cùng.

Một buổi chiều chị Chín ở nhà một mình. Hai người đàn ông lạ mặt, ăn mặc sang trọng, xách valy nặng ghé vào nhà tướng Tư Bốn hỏi thăm đường. Chị Chín quan sát thấy họ hỏi chỉ cho có hỏi, không quan tâm đến câu trả lời của chị, họ nói: “Phiền bà chị có thể cho chúng tôi nghỉ lại ở đây để hôm sau đi tiếp”. Quan sát, chị Chín thấy họ thì thầm to nhỏ với nhau điều gì đó, rồi đưa mắt quan sát khắp nhà cửa, vườn tược. Là vợ của tướng công an nên chị cũng có biết chút ít “nghiệp vụ”, chị ân cần mời họ ngồi uống nước, rồi kín đáo ra nhà sau gọi điện báo công an xã. Hai kẻ lạ mặt kia là ai, chắc chắn là một trong những đối tượng thuộc loại xã hội đen có liên quan đến vụ án Dung Hà. Có phải là Lê Duy Long (tức Long “tây”), hay Nguyễn Xuân Trường (Trường “xoăn”), hoặc Nguyễn Việt Hưng (tức Hưng “phi nhon”) hay Hải “bánh”…

Đèn trong phòng làm việc của Tư Bốn sáng choang. Dù mệt lả với công việc nhưng ông cũng không sao chợp mắt được. Trên bàn làm việc đã có 3 chiếc phin cà phê và cái gạt tàn đầy ắp thuốc lá. Hết đứng lại ngồi, hết đi lại bóp trán, vò đầu suy nghĩ về hai kẻ lạ mặt đã vào nhà anh, lúc vợ anh ở nhà một mình. Điều tra là một việc khó, công an không phải là thần để có thể nhìn thấu bọn tội phạm ở mọi ngóc ngách. Dù đã nghe nói đến nhiều về Năm cam cho theo dõi anh và gia đình nhưng sự xuất hiện của hai kẻ lạ mặt trong nhà anh cũng đã buộc anh phải đặt ra nhiều giả thuyết. Thời gian càng kéo dài vấn đề càng thêm rối rắm trước những đòn tấn công của chuyên án. Bất giác anh có cảm giác mình như người đi biển đang ngụp lặn trên sóng, đang lênh đênh trên đại dương.

Trời vừa rực sáng, Tư Bốn nhận ly cà phê từ anh trợ lý rồi hớp từng ngụm nhỏ, mắt đăm chiêu. Mục đích duy nhất của Năm Cam lúc nầy là mua chuộc anh, vì sao phải mua chuộc nếu không dính líu đến cái chết của Dung Hà. Chẳng có tên tội phạm nào không có máu dã thú, đừng mong nơi chúng có sự nhân từ. Không thực hiện được ý đồ của mình Năm Cam có thể hành động điên cuồng.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành

Nghi ngờ “nội gián”

Tư Bốn ra thành phố Nam Định dự hội nghị chuyên đề trấn áp tội phạm có tổ chức. Bên lề hội nghị anh nghe anh em rỉ tai nhau về Dương Minh Ngọc (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh) đang hùn vốn làm ăn với Nam Cam tại nhà hàng Ra Khơi, nhà hàng Cánh Buồm và nhà hàng Thanh Vy. Anh nhớ hình như có một Giám đốc Công an tỉnh đã bảo với Thượng tá Ngọc: “Cậu là sĩ quan công an, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đừng vì vài đồng tiền bát gạo mà hủy hoại uy tín của mình, của ngành công an”. Ngọc phần bua: “Trời ơi! Anh mà cũng nghĩ tôi như vậy sao?”.

Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp và là người từng công tác lâu năm trong ngành công an, tướng Tư Bốn hiểu rất rõ một điều: Tệ nạn và tội phạm xã hội khó mà lộng hành nếu không có sự dung dưỡng, bao che, tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng được nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội.

Nhận nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo Chuyên án Z5 - 01, cuộc họp đầu tiên của Ban chuyên án, tướng Tư Bốn giao Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh dựng lại vụ gây rối của Dung Hà tại vũ trường Phi Thuyền; thu thập tài liệu về các hoạt động kinh doanh của Tống Viết Hòa; dựng lại vụ Hải “bánh” cùng đồng bọn dùng dao, súng phá sòng bạc ở Biên Hòa; khẩn trương truy bắt Hải “bánh” và Hải “bén” (Lê Công Hải); xác minh toàn bộ quá trình di biến động của Năm Cam trước và sau khi xảy ra vụ án, đồng thời điều tra tận gốc các hoạt động của Năm Cam tổ chức các mạng lưới sòng bạc, đá gà, cho vay nặng lãi. Công an TP. Hải Phòng và Hà Nội rà soát lại toàn bộ đối tượng hình sự liên quan đến Dung Hà.

Tướng Tư Bốn nhận định: “Mắt xích quan trọng là sự quậy phá vũ trường Phi Thuyền của Dung Hà, kẻ cần phải sớm được tìm ra là Hải “bánh”, vì Hải là bảo kê vũ trường này theo thỏa hiệp giữa Năm Cam và Tống Viết Hòa. Dung Hà quậy phá, tất nhiên Hải phải ra tay theo lệnh của chủ.

Còn nữa…

LÊ VŨ – THỦY SINH – PHẠM TRƯỜNG/PLVN

/nam-cam-ky-26-bua-tiec-cua-bo-gia-va-quyet-dinh-can-nao-cua-tuong-tu-bon.html