Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (sau đây gọi tắt là NXB GD), đơn vị độc quyền biên soạn sách giáo khoa trong nhiều năm trước đây, đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhóm các nhà xuất bản khác như NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP. HCM, NXB ĐH Huế, NXB Đại học Vinh,…nhưng bằng một cách nào đó, một số địa phương đã và đang giúp đỡ NXB GD cố gắng duy trì thế độc quyền của mình, đi ngược lại với các nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bằng cách lựa chọn duy nhất một bộ sách của NXB GD.
Dư luận băn khoăn rằng, các Hội đồng Phê duyệt sách giáo khoa của các địa phương, liệu có đủ tâm và tầm? Về mặt chuyên môn, rõ ràng các Hội đồng này không thể so sánh với Hội đồng Thẩm định cấp Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Vậy thì tại sao, những cuốn sách do Hội đồng Thẩm định Quốc gia đề xuất và được Bộ trưởng kí phê duyệt lại bị các Hội đồng Thẩm định ở địa phương loại ra, trong khi nhiều giáo viên ở các địa phương đó bộc lộ sự chán nản vì năm nào cũng phải họp, phân tích nhận xét và đề xuất sách, cuối cùng vẫn không được dạy bộ sách mình mong muốn.
Vừa qua, dàn lãnh đạo NXB GD bị khởi khởi tố, tạm giam do có nhiều sai phạm trong công tác, đặc biệt là liên quan đến việc sai sót trong đấu thầu giấy in. Có dư luận cho rằng, hiện tại, NXB GD đang đối diện với việc thiếu giấy in sách giáo khoa phục vụ năm học 2023 - 2024. Điều này càng có cơ sở khi ngày 12/4/2023, trong Thông báo Kết luận của Bộ trưởng tại buổi làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đoạn: “Cân nhắc thời điểm đăng tải sách giáo khoa PDF trong trường hợp sách giấy chậm tiến độ, công bố rộng rãi để xã hội biết và đảm bảo người dùng dễ tiếp cận và dễ sử dụng”.
Thông báo Kết luận của Bộ trưởng về buổi làm việc với NXBGD Việt Nam ngày 12/4/2023.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu thực sự sách giấy của NXB GD chậm tiến độ, giáo viên và học sinh ở những địa phương chỉ chọn bộ sách của NXB GD sẽ dạy và học thế nào?
Phương án sử dụng bản PDF theo kết luận trong buổi làm việc của Bộ trưởng rõ ràng chưa thể hiện được hết vấn đề. Không phải học sinh nào, gia đình nào cũng có máy tính để học sinh truy cập vào sách, đặc biệt ở vùng nông thôn. Chưa kể học sinh không thể đem máy tính hay điện thoại đến trường.
Chỉ hình dung việc phụ huynh phải in bản PDF sách giáo khoa cho con em mình đã thấy sự nhếch nhác và lãng phí khủng khiếp. Giả sử sách giáo khoa của NXB GD chậm tiến độ 1 tháng, số bản in dùng tạm mà phụ huynh phải thực hiện cho con mình sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền? Ai là người chịu trách nhiệm về sự lãng phí vô lí này? Trách nhiệm của các Hội đồng chọn sách ở các địa phương sẽ thế nào, họ có phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật và xã hội khi biết trước sự việc nhưng vẫn khăng khăng với quyết định của mình? Câu hỏi để ngỏ, đang rất cần sự trả lời từ các bên liên quan.
PV