Bị đình chỉ vẫn hoạt động
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doank karaoke Thọ Duyên 1.
Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tối ngày 12/12/2022, Công an huyện Nam Sách đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đột xuất đối với cơ sở kinh doanh karaoke Thọ Duyên 1 (địa chỉ tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở vẫn công khai mở cửa hoạt động, không chấp hành nghiêm Quyết định tạm đình chỉ hoạt động do UBND huyện Nam Sách ban hành.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, từ ngày 04/8 đến 30/9, Cơ quan Công an các cấp đã tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ 367 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đã đình chỉ hoạt động 36 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC và CNCH, trong đó có cơ sở kinh doanh karaoke Thọ Duyên 1 có địa chỉ tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách.
Nghi vấn nạn sử dụng bóng cười tại cơ sở karaoke
Trước khi lực lượng chức năng huyện Nam Sách tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh karaoke Thọ Duyên 1. Tòa soạn đã nhận được phản ánh của quần chúng nhân dân về việc cơ sở kinh doanh karaoke Thọ Duyên 1, mặc dù đã bị chính quyền huyện Nam Sách đình chỉ hoạt động vì vi phạm các quy định về PCCC và CNCH nhưng trong thời gian qua cơ sở này vẫn bất chấp lệnh cấm, bỏ mặc sự an toàn để kinh doanh dịch vụ hát.
Trong vai khách đi hát PV đã có mặt tại cơ sở để xác minh thông tin theo phản ánh. Tại thời điểm chúng tôi có mặt có rất nhiều phòng hát đang có khách hát, theo quan sát có rất đông khách hàng đang nhảy múa theo tiếng nhạc chát chúa và có rất nhiều đang sử dụng bóng giống như bóng cười. Việc cơ sở bán cho khách những quả bóng giống như bóng cười dường như diễn ra một cách công khai, không có ý lo ngại cơ quan chức năng; ngay khi chúng tôi đang tiếp cận ở quầy lễ tân thì có thêm một tốp khách mới vào hát, họ thản nhiên gọi phục vụ bóng cười. “Cho luôn em 12 quả bóng cười vào phòng nhé”, một người trong nhóm gọi quầy phục vụ?
Bóng cười được cơ sở bán công khai cho khách sử dụng.
Ngay khi lực lượng chức năng bất ngờ ập đến kiểm tra, cơ sở karaoke trên đã đóng sập nhằm chống đối, cố thủ trong quán bất chấp các yêu cầu mở cửa của lực lượng chức năng. Sau hơn 10 phút, bằng các biện pháp nghiệp vụ và yêu cầu cứng rắn của lực lượng chức năng, nhân viên quán mới chịu mở cửa cho lực lượng kiểm tra.
Ngay sau đó, Công an huyện Nam Sách phối hợp cùng Công an xã Hồng Phong đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với cơ sở trên.
Trao đổi với PV Trung tá Vũ Đức Trung, Phó trưởng Công an huyện Nam Sách, cho biết quan điểm: "Sẽ xử lý nghiêm theo trình tự của pháp luật".
Việc liên tiếp trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương làm 33 người thiệt mạng hồi đầu tháng 9/2022 mới đây. Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cả nước đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm siết chặt công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Trong khi các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương cố gắng thực hiện các chỉ đạo, các cơ sở kinh doanh phần lớn cũng đang khắc phục những tồn tại, các cơ quan truyền thông đang ra sức tuyên truyền nhằm giảm thiểu đến mức tối đa những hiểm họa có thể xảy ra do các cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Thì đâu đó vẫn tồn tại những cơ sở như cơ sở kinh doanh karaoke Thọ Duyên 1, mặc dù khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn PCCC và CNCH. Lực lượng chức năng đã phải đình chỉ hoạt động của cơ sở để cơ sở tiến hành sửa chữa khắc phục đảm bảo an toàn PCCC và CNCH nhưng cơ sở này đã không tuân thủ, bất chấp các quy định của pháp luật vẫn công khai mở cửa hoạt động bất chấp hiểm họa có thể sẽ đến bất cứ lúc nào. Qua sự việc này, Tạp chí Luật sư Việt Nam đề nghị các cấp chính quyền của tỉnh Hải Dương xử lý nghiêm minh cơ sở kinh doanh karaoke Thọ Duyên 1, có địa chỉ tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để làm gương cho các cơ sở kinh doanh khác.
Điều kiện kinh doanh quán karaoke?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là một trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây cũng là quy định được nêu tại khoản 1, Điều 3, Nghị định 54/2020/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 3. Nguyên tắc kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường 1. Doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau khi được cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định này, các quy định của pháp luật khác có liên quan. |
Theo đó, điều kiện để được mở quán karaoke được nêu tại Điều 4, Nghị định 54/2019/NĐ-CP gồm:
- Được thành lập theo hình thức là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh;
- Đảm bảo điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự;
- Diện tích của phòng hát phải đáp ứng tối thiểu từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ;
- Bên trong phòng hát không được đặt chốt cửa hoặc thiết bị báo động trừ thiết bị báo cháy nổ.
Như vậy, có thể thấy, quy định về đảm bảo PCCC quán karaoke là một trong những điều kiện để được kinh doanh dịch vụ karaoke.
Quán karaoke phải tuân thủ quy định PCCC thế nào?
Hiện nay, quy định về PCCC quán karaoke đang được nêu tại Điều 5, Thông tư 147/2020/TT-BCA quy định biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Cụ thể:
Điều kiện
- Cao ≥ 03 tầng hoặc tổng khối tích ≥ 1.000m3:
Có nội quy, biển cấm, biển cáo, biển chỉ dẫn/sơ đồ PCCC, thoát nạn;
Có lực lượng PCCC cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ sẵn sàng chữa cháy tại chỗ;
Có phương án chữa cháy được phê duyệt;
Có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, cấp nước…
Có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm quyệt thiết kế và chấp thuận két quả nghiệm thu về PCCC…
- Cao < 03 tầng hoặc tổng khối tích < 1.000m3: Có nội quy, biển cấm, biển cáo, biển chỉ dẫn/sơ đồ PCCC, thoát nạn; Có phương án chữa cháy được phê duyệt; Có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện…
- Trong nhà cao tầng, nhà đa năng: Có nội quy, biển cấm, biển cáo, biển chỉ dẫn/sơ đồ PCCC, thoát nạn; Dùng thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo; Cử người tham gia đội PCCC cơ sở; Phối hợp thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC.
Thiết kế
- Đối tượng: Quán karaoke cao ≥ 03 tầng hoặc tổng khối tích ≥ 1.500m3; nằm trong nhà.
- Thiết kế:
Liền kề với công trình khác: Tường ngoài là tường ngăn cháy loại 1 (nhà có bậc chịu lửa I, II, III); loại 2 (nhà có bậc chịu lửa IV).
Quán karaoke cao nhất là không quá 16 tầng; cho phép bố trí trong tầng hầm 01 hoặc tầng bán hàm khi tổng diện tích không lớn hơn 300m2 và có ít nhất 02 lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài.
Trong một gian phòng, một tầng hoặc một nhà phải có hệ số sàn là 01m2/người.
Biển quảng cáo là vật liệu không cháy, được lắp không che kín toàn bộ nhà, công trình, lối thoát nạn, ban công. Nếu là biển ngang thì đảm bảo mỗi tầng chỉ đặt một biển cao ≤ 02m, ngang không vượt quá chiều ngang mặt tiền công trình; mặt ngoài nhô ra khỏi tường ≤ 0,2m. Biển dọc thì ngang ≤ 01m, cao ≤ 04m không vượt quá chiều cao của tầng đặt biển, mặt ngoài nhô ra khỏi tường ≤ 0,2m.
Hệ thống chiếu sáng là nguồn điện riêng, có cầu dao, aptomat bảo vệ, không để hàng hoá dễ cháy dưới/gần chỗ đặt biển quảng cáo. Đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn có ở tùng gian phòng hát.
Đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phương tiện PCCC; chuông, đèn báo cháy hành lang tầng, chuông báo cháy có ở trong từng gian phòng; hệ thống báo cháy liên động để tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh trong các phòng hát khi hệ thống báo cháy hoạt động nếu có sự cố, nổ xảy ra.
Mỗi tầng của nhà, mỗi phòng có diện tích > 50m2 phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Nếu số người đồng thời không quá 20 người/tầng thì có phép mỗi tầng có 01 lối thoát nạn.
Cửa phòng quán karaoke phải mở theo chiều thoát nạn…
Không đảm bảo PCCC, quán karaoke bị phạt ra sao?
Xử phạt hành chính
Nếu cơ sở karaoke vi phạm quy định về PCCC thì bị phạt hành chính theo Điều 44, Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
Mức phạt | Hành vi |
100.000 - 300.000 đồng Cảnh cáo | - Che khuất, cản trở lối phương tiện chữa cháy. - Dùng phương tiện chữa cháy thông dụng không đảm bảo chất lượng. |
500.000 - 1,5 triệu đồng | - Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ. - Làm mất, hỏng, mất tác dụng phương tiện chữa cháy. |
03 - 05 triệu đồng | - Sử dụng, lắp đặt phương tiện PCCC chưa kiểm định. - Dùng phương tiện chữa cháy dùng với mục đích khác. |
05 - 10 triệu đồng | - Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công tình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC. - Làm mất, hỏng, mất tác dụng của hệ thống báo cháy, chữa cháy. - Tẩy xoá, sữa chữa nội dung giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC… |
15 - 25 triệu đồng | Không lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy. |
Xử lý hình sự
Luật sư cho biết, trong trường hợp nguyên nhân của vụ cháy và các thiệt hại đã xảy ra là do cơ sở kinh doanh karaoke đã không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ thì chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" (Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm.
Bên cạnh đó, nếu bị kết luận có lỗi gây ra vụ cháy thì chủ cơ sở kinh doanh karaoke còn có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho các nạn nhân theo quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 590 và Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015.
Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm loại khí có công thức hóa học N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide), không màu, không mùi, nhẹ hơn không khí. Khi người dùng hít vào thì hợp chất hóa học nói trên làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể, khiến người này có cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Khí cười cũng có tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng thường xuyên từ đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, khí này còn được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp để làm kem bông tươi, tăng năng suất động cơ xe. Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng, các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12… Quy định hiện nay nêu rõ: N2O được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất). Đáng chú ý, N2O vẫn chưa được xếp vào danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng ban hành trong Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, cũng như không được xếp vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP và Nghị định 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ. “Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O với mục đích để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. Về góc độ pháp lý, Điều 33, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Hiện, chưa có quy định cụ thể việc xử phạt hành vi sử dụng bóng cười, trong khi đó hành vi sản xuất, kinh doanh bóng cười thì được phép nhưng phải đi cùng Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất. Các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp). Cụ thể, khoản 4 và khoản 5, Điều 10, Chương 2, Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 12 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực. Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất. Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc nhập khẩu khí N2O nhằm mục đích sử dụng cho công nghiệp nhưng sau đó đem bán sử dụng cho con người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, ngày 29/5/2019, Bộ Y tế có Công văn 2954/BYT-KCB nêu rõ: không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo. |
PV
Khách hàng 'tố' Chủ sàn Phoenix Diễn Châu (Nghệ An): Một lô đất bán cho nhiều người