LSVNO - Thăng Long – Hà Nội gắn liền với công cuộc thiên đô của nhà Lý vào năm 1010. Nhưng ít ai biết đến có một di tích nằm bên hồ Trúc Bạch ngày nay gắn liền với sự kiện trọng đại của dân tộc đã được sử cũ chép lại. Đó là đền Cẩu Nhi, hay còn gọi đền Thủy Trung Tiên hiện nay.
Đền Cẩu Nhi – Thủy Trung Tiên gắn liền với sự kiện dời đô của Lý Công Uẩn vào năm 1010.
Đền Cẩu Nhi hay còn có tên gọi khác là đền Thủy Trung Tiên, tọa lạc trên đảo nhỏ tại góc phía Bắc của hồ Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), là ngôi đền có từ thời nhà Lý. Đền Cẩu Nhi thờ “chó con”, theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” của người Việt suốt hàng nghìn năm qua.
Theo hai nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán trong cuốn Hà Nội nghìn xưa thì: “Bên đường Thanh Niên, trong hồ Trúc Bạch có một cái gò. Trên gò dựng ngôi đền nhỏ, kiểu chữ Công, thờ thủy thần – Thủy Trung Tiên từ - và Tam phủ Thánh mẫu. Tương truyền, gò xưa gọi là gò Cẩu Nhi (chó con) và đền là đền Cẩu Nhi (chó con), từ trên đỉnh núi Nùng chuyển ra đó”.
Trong các công trình tín ngưỡng còn lại ở đất Thăng Long – Hà Nội thì đền Cẩu Nhi là một trong những quần thể di tích có liên quan đến công cuộc dời đô của nhà Lý cách đây hơn 1000 năm. Cũng theo Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán cho biết: “Gò và đền có liên quan đến câu chuyện dời đô. Người dời đô là Lý Thái Tổ, sinh năm Giáp Tuất (974) – năm “chó”, năm dời đô là năm Canh Tuất (1010) – cũng là năm “chó” theo lịch 12 con vật của phương Đông cổ truyền.
Sử cũ chép hai huyền tích: khi Lý Công Uẩn còn chưa làm vua, có con chó ở chùa Ứng Thiên Tâm hương Cổ Pháp – quê nhà Lý – đẻ một con chó trắng, trên lưng có đốm đen thành chữ “Thiên tử”. Vì vậy giữa kinh thành, vua lập đền thờ Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi. Một huyền thoại khác kể rằng: chó mẹ hương Cổ Pháp vượt sông sang lót ổ chó con trên đỉnh núi Nùng. Và vì vậy, vua Lý quê Cổ Pháp dời đô ra Thăng Long lấy “Nùng Sơn” làm “chính điện đài” và lập đền thờ chó mẹ, chó con”.
Hình ảnh đền Thủy Trung Tiên được xây dựng trên nền của đền Cẩu Nhi trước đây.
Như vậy, đền Cẩu Nhi ngay từ buổi đầu nhà Lý đã được vua Lý Công Uẩn lập nên ở núi Nùng. “Với huyền thoại trên, ta có thể đoán nhận rằng: vua sinh năm Tuất, khi dời đô đến Thăng Long, đã tổ chức nghi lễ trừ tà, dâng lễ “hy sinh”, giết và chôn chó trên gò núi Nùng để yểm, rồi lập đền thờ chó, đời sau dời đền ra gò hồ Trúc Bạch hiện nay” - Sách Hà Nội nghìn xưa chép.
Về địa danh núi Nùng, lâu nay vẫn có nhiều ý kiến hiểu nhầm về vị trí của địa danh này. Nhà sử học Lê Văn Lan và các tác giả trong công trình Lịch sử Thăng Long – Hà Nội viết: “Núi Nùng (hay còn gọi là núi Khán) vốn còn gọi là núi Long Đỗ (nghĩa là Rốn Rồng), tương truyền vua Lý Thái Tổ đã dựng chính điện ở trên núi này. Núi và điện hiện nay không còn nhưng vết tích thì vẫn được bảo lưu, hiện nằm ở giữa thành Hà Nội. Núi Khán/Nùng vốn ở vào khoảng trước Phủ Chủ tịch bây giờ, đã bị Pháp san bằng vào hồi cuối thế kỷ XIX”.
Theo thời gian, đền Cẩu Nhi là một trong những di tích góp phần quan trọng vào đời sống tinh thần của người dân Thăng Long – Hà Nội qua rất nhiều thời kỳ lịch sử. Đã có thời kỳ, đền Cẩu Nhi bị biến thành phế tích, các hạng mục của công trình tín ngưỡng bị dỡ bỏ.
Đền Thủy Trung Tiên hiện nay là một trong những công trình tín ngưỡng có cảnh quan kiến trúc đẹp của thành phố Hà Nội.
Năm 2015, dự án khôi phục đền Cẩu Nhi được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội triển khai với kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Ngày 20/8/2017, công trình được hoàn thành với quy mô bề thế và nhiều hạng mục. Theo đó, đền được đổi tên thành Thủy Trung Tiên dựa trên ý kiến đồng thuận của các nhà nghiên cứu lịch sử và người dân Thủ đô.
Đền được xây dựng trên vị trí cũ, từ đường Thanh Niên vào đền được nối bằng một cây cầu đá bắc qua hồ Trúc Bạch. Cây cầu có chiều dài 18m, gồm 5 nhịp, mỗi nhịp dài 3,6m, rộng 2,25m. Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền, với tam quan, tòa điện chính và các công trình phụ trợ. Trong đền có nhiều tượng và đồ thờ tự bằng đồng được chế tác bởi các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng bên hồ Trúc Bạch.
Hệ thống tượng thờ, đồ thờ bằng đồng được các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã chế tác.
Đặc biệt, trong khuôn viên của đền Cẩu Nhi vẫn còn lưu giữ được một văn bia bằng đá đặt trong phương đình. Văn bia có niên đại mới, ghi chép lại lịch sử đền Cẩu Nhi và đợt trùng tu hoàn thành vào ngày 04/6/1988, do Trung tâm Bảo quản và Tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin tiến hành.
Đền Cẩu Nhi hay đền Thủy Trung Tiên hiện nay có nhiều lớp thờ trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt, như tín ngưỡng thờ Tam phủ, lầu Cô và thờ thần Cẩu Nhi…
Dù vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi về lịch sử và tín ngưỡng thờ “Chó” tại đền Cẩu Nhi, nhưng những gì lịch sử ghi chép lại về ngôi đền này cho thấy vị trí và vai trò quan trọng của đền Cẩu Nhi và tín ngưỡng về tục thờ “Chó” trong đời sống tâm linh của người dân đất Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.
Bia đá ghi chép lại lịch sử của đền Cẩu Nhi.
Từ khi được hoàn thành, nhiều người dân Thủ đô khá bất ngờ về diện mạo của đền Cẩu Nhi hiện nay. Cùng với chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh quanh khu vực hồ Tây, đền Cẩu Nhi – Thủy Trung Tiên hàng ngày luôn tấp nập du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái. Anh Tiêu Duy Tiến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi vẫn quen gọi là đền Thủy Trung Tiên là đền Cẩu Nhi. Nay được xây dựng lại khang trang không chỉ góp phần về mặt mỹ quan cho thành phố mà còn giúp cho người dân Thủ đô chúng tôi có thêm một nơi linh thiêng để lễ bái”.
Lê Hoàng