Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).
Sáng 15/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 54, cho ý kiến vào các dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày dự thảo báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, chủ động trong các hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.
Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội khóa XIV đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng.
Trong 10 kỳ họp qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng được phê chuẩn, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với lợi ích của quốc gia.
Trong nhiệm kỳ này, công tác giám sát của Quốc hội được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, nhân dân đánh giá cao. Hoạt động giám sát góp phần khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Quốc hội khóa XIV cũng xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, phát triển vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với đó, Quốc hội khóa XIV có mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và mối quan hệ phối hợp công tác được chú trọng - những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai khối lượng lớn công việc, nhiều nội dung quan trọng
Theo dự thảo báo cáo tóm tắt công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục cải tiến, đổi mới chỉ đạo, điều hành việc chuẩn bị cho các kỳ họp của Quốc hội, bảo đảm việc triệu tập, tổ chức thực hiện chương trình, tổng kết kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị tốt các nội dung trình Quốc hội, nhờ đó các dự án, dự thảo đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 pháp lệnh, 32 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng.
Trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập dự kiến chương trình giám sát để trình Quốc hội xem xét, quyết định bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Công tác chuẩn bị cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn ở Quốc hội được thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng trọng tâm; tiếp tục có sự đổi mới, linh hoạt để bảo đảm nâng cao chất lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quan tâm, chỉ đạo và chủ trì tổ chức thực hiện chương trình giám sát bảo đảm đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm và linh hoạt, phù hợp với thực tế, đạt mục tiêu đề ra.
Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn tại 5 phiên họp, lựa chọn các nhóm vấn đề nổi cộm, bức xúc, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; lần đầu tiên tiến hành chất vấn, giám sát lại đối với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; giám sát 7 chuyên đề với nhiều cải tiến về cách thức tổ chức, tiến hành hoạt động của Đoàn giám sát; tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 8/2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ bội chi, nợ công, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô, an toàn, an ninh tài chính quốc gia; ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh, thiên tai.
Đặc biệt, trong năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời cho ý kiến, quyết định nhiều chính sách về thuế, phí, tín dụng, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 46 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019-2021; xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Phát biểu tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá nhiệm kỳ khóa XIV đã thành công; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri và nhân dân giao phó; góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến cụ thể để hoàn thiện các dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Dự kiến kỳ họp khai mạc ngày 24/3, bế mạc ngày 8/4, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 12 ngày (dự phòng ngày 09/4).
HOÀNG THỊ HOA/TTXVN
Luật sư Trương Trọng Nghĩa tự ứng cử Đại biểu Quốc hội ở TP. Hồ Chí Minh