Ảnh minh họa.
Phòng vệ thương mại (PVTM) là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, quan điểm của Đề án là cần nâng cao năng lực về PVTM, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về PVTM để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới. Tăng cường năng lực thực thi PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực PVTM hoặc xây dựng Luật PVTM. Đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM. Đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu về PVTM để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM được xây dựng và củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác PVTM trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Năng lực của Cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước. Nội dung PVTM được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm. Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định về PVTM, giải quyết tranh chấp về PVTM trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA.
Ngoài ra, để đạt các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nghiên cứu mô hình cơ quan điều tra PVTM của các nước và tổng kết thực tiễn hoạt động ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra PVTM. Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các FTA. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp PVTM theo đúng quy định pháp luật.
Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phần mềm phục vụ cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để cập nhật diễn biến các vụ việc PVTM liên quan đến Việt Nam, tạo điều kiện để các bên liên quan nộp và tiếp cận tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử. Thực hiện trực tuyến việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, bản trả lời trong quá trình điều tra các vụ việc PVTM. Xây dựng cơ chế tư vấn, hỗ trợ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá khả năng áp dụng biện pháp PVTM, tác động của các vụ việc PVTM. Xây dựng, triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các vụ việc PVTM.
LINH NHI
Bệnh viện Việt Đức bị phạt 14 triệu đồng vì để lây lan dịch bệnh