Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động luật sư và để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hoạt động luật sư và hành nghề luật sư; Kết luận số 92-KL/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức và hoạt động của luật sư. Từ đó, chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên, dần phát huy được các lợi thế của địa phương và nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Hoạt động hành nghề của luật sư có mối quan hệ gắn bó mật thiết đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật – nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc tham gia của các luật sư giúp cho các dự án có tính khả thi, đáp ứng vai trò thực tiễn, mang tính phản biện xã hội cao. Tuy nhiên, song song với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội ngày càng được chú trọng, hoạt động luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước, tham gia tư vấn, hỗ trợ, đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong các hoạt động hành chính công còn nhiều mặt chưa được phát huy. Việc khuyến khích các luật sư tham gia các hoạt động xây dựng Nhà nước còn mang tính chủ trương, chưa có thể chế thống nhất sự tham gia của luật sư trong công tác xây dựng các dự án luật, do đó còn bộc lộ nhiều hạn chế như quyền tham gia của luật sư chưa được quy định rõ ràng, tổ chức luật sư cũng chưa thực sự phát huy đầy đủ vai trò, tiềm năng của mình trong việc phản biện chính sách, pháp luật và thực hiện trách nhiệm xã hội của luật sư; các luật sư chủ yếu góp ý những văn bản luật liên quan trực tiếp đến luật sư mà chưa quan tâm đến góp ý văn bản ở lĩnh vực khác, thậm chí một số luật sư không quan tâm đến việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, còn tồn tại tâm lý e ngại đóng góp ý kiến xây dựng bộ máy Nhà nước mà tập trung nhiều các hoạt động dân sự.
Thực tiễn tại một số địa phương đã từng bước xây dựng thí điểm các đề án nhằm nâng cao vai trò, vị thế của luật sư trong các hoạt động xây dựng Nhà nước, cụ thể như thành phố Cần Thơ ban hành Đề án thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 – 2025, trong đó thể hiện rõ luật sư tham gia hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế của thành phố: luật sư tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (nếu cơ quan soạn thảo thành lập Tổ soạn thảo), tham gia góp ý, phản biện, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tỉnh Bình Thuận ban hành Đề án khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động của tỉnh giai đoạn 2023 – 2026… Tuy nhiên thực tiễn áp dụng chưa thực sự nổi bật tính hiệu quả.
Do vậy, để đảm bảo thực hiện được chủ trương phát huy vai trò, trách nhiệm của luật sư và hành nghề luật sư đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phải xây dựng rõ ràng thống nhất thể chế áp dụng các chủ trương về phát triển đội ngũ luật sư, kiện toàn hệ thống quy định pháp luật, đề ra các giải pháp huy động sự tham gia của luật sư trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; xem xét đề cử các luật sư chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành, có khả năng nghiên cứu tham gia tổ biên tập các dự án luật. Như vậy, các chủ trương, đề án phát triển khuyến khích, thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các hoạt động xây dựng Nhà nước mới mang lại chất lượng, có tính hiệu quả cao trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, để nâng cao vai trò, phát huy năng lực của đội ngũ luật sư trong tiến trình xây dựng Nhà nước, cần xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút phát huy vai trò của luật sư tham gia vào các hoạt động hành chính công. Hiện nay qua thực tiễn cho thấy chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng để khuyến khích, thu hút, phát huy vai trò của luật sư trong việc tham gia giải quyết, thực hiện các kế hoạch, nội dung, chương trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước nói chung và địa phương nơi có đội ngũ luật sư đông đảo nhất là Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Qua rà soát các quy định pháp luật, quy định về các chính sách tài chính (thù lao) đối với hoạt động hành nghề luật sư đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên chưa có các cơ chế, chính sách tài chính để đặt hàng, phát huy vai trò năng lực của Đoàn luật sư và đội ngũ luật sư trong việc tham gia giải quyết, thực hiện các kế hoạch, nội dung, chương trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội để nhằm khuyến khích, thu hút, phát huy vai trò của luật sư. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, thu hút, phát huy vai trò của luật sư tham gia vào các hoạt động hành chính công cùng với các mức hỗ trợ (thù lao) thiết thực là vô cùng cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của luật sư trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
THANH THỊNH