NATO tổ chức cuộc diễn tập 'Dynamic Manta 2021' chống tàu ngầm

25/02/2021 00:15 | 3 năm trước

(LSVN) - NATO đang tiến hành cuộc tập trận mang tên “Dynamic Manta 2021” (DYMA21) để huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tàu nổi, diễn ra từ ngày 22/02 tại ngoài khơi bờ biển Sicily (Italy).

Cận cảnh cuộc diễn tập. Ảnh: Army Now.

Theo thông báo của NATO (nato.int), Liên minh này đang tiến hành cuộc tập trận mang tên “Dynamic Manta 2021” (DYMA21) để huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tàu nổi.

Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 22/2 tại ngoài khơi bờ biển Sicily (Italy) với sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu cùng nhân viên quân sự thuộc 8 quốc gia đồng minh NATO (gồm: Hy Lạp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Bỉ).

Mục tiêu của “Dynamic Manta 2021” là cung cấp cho tất cả lực lượng tham gia khóa huấn luyện tác chiến phức hợp và nhiều thử thách để nâng cao khả năng tương tác cũng như thành thạo các kỹ năng tác chiến chống tàu ngầm và chống tàu nổi, nhưng vẫn bảo đảm yếu tố an toàn.

Với tư cách là nước chủ nhà, Italy hỗ trợ cuộc diễn tập thông qua cảng Catania, căn cứ trực thăng hải quân ở Catania, căn cứ không quân hải quân ở Sigonella, cũng như hỗ trợ hậu cần (hoạt động tiếp nhiên liệu, hỗ trợ y tế và chỗ ở cho nhân viên) từ căn cứ hải quân Augusta.

Phó Đô đốc Keith Blount, chỉ huy Bộ Tư lệnh Hàng hải đồng minh của NATO cho biết sức mạnh của các lực lượng quân sự NATO có thể được thể hiện tốt nhất trong các cuộc tập trận như Dynamic Manta 2021.

Việc phát triển và duy trì các lực lượng sẵn sàng chiến đấu, được huấn luyện và hợp đồng tác chiến tốt là nền tảng để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ tập thể. Cuộc tập trận này cũng sẽ chứng minh thêm rằng dịch Covid-19 không làm thay đổi khả năng phục hồi và sẵn sàng chiến đấu của NATO.

“Dynamic Manta” là một trong hai cuộc tập trận tác chiến chống tàu ngầm lớn do Bộ Tư lệnh Hàng hải NATO chỉ đạo hàng năm. Cuộc tập trận không chỉ tập trung vào việc huấn luyện và duy trì sự sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng NATO mà còn nhằm tăng cường sự gắn kết và khả năng tương tác giữa các nước tham gia, thể hiện sự hiện diện của NATO và đảm bảo với các đồng minh về cam kết phòng thủ tập thể trên biển.

Theo TTXVN

Chính phủ Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn RCEP

Từ khoá : lsvn.vn LSVN NATO