/ Nhìn ra thế giới
/ Nga quyết định ngừng tham gia Hội đồng Nghị viện OSCE

Nga quyết định ngừng tham gia Hội đồng Nghị viện OSCE

04/07/2024 06:25 |

(LSVN) - Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã nhất trí thông qua đề nghị của Quốc hội Liên bang Nga đình chỉ sự tham gia của phái đoàn Nga vào OSCE PA và ngừng đóng phí cho tổ chức này.

Nga ngừng tham gia Hội đồng Nghị viện OSCE. Nguồn: APA.

Ngày 03/7, các Nghị sĩ Quốc hội Nga đã bỏ phiếu đình chỉ việc Moskva tham gia Hội đồng Nghị viện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE PA).

Theo hãng tin TASS, tại phiên họp toàn thể, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đã nhất trí thông qua đề nghị của Quốc hội Liên bang Nga đình chỉ sự tham gia của phái đoàn Nga vào OSCE PA và ngừng đóng phí cho tổ chức này.

TASS trích dẫn nội dung tài liệu của cuộc họp nêu rõ: "Các thượng Nghị sĩ Nga và các thành viên Duma quốc gia (Hạ viện) coi việc đình chỉ sự tham gia của phái đoàn Quốc hội Liên bang Nga vào OSCE PA và việc thanh toán các khoản đóng góp cho ngân sách OSCE PA là hợp lý và chính đáng."

Các Nghị sĩ Nga cũng tin rằng ban lãnh đạo OSCE PA và các thành viên của tổ chức này đã phớt lờ những lời kêu gọi của phái đoàn Nga nhằm quay trở lại đối thoại bình đẳng giữa các nghị viện.

Tài liệu có đoạn “thay vì tạo điều kiện cho việc trao đổi quan điểm mang tính xây dựng và hình thành chương trình nghị sự thống nhất, OSCE PA đang được sử dụng như một công cụ chính trị hóa để chủ ý thực hiện đường lối chống Nga."

Việc Romania từ chối cấp thị thực cho các thành viên phái đoàn Nga tham gia phiên họp thường niên của OSCE PA tại Bucharest vào năm 2024 là “giọt nước tràn ly".

Các Nghị sĩ Nga khẳng định phái đoàn nước này sẵn sàng quay trở lại làm việc tại Hội đồng nếu lãnh đạo tổ chức và một số quốc gia thành viên xem xét lại các cách tiếp cận hiện nay trong giải quyết các vấn đề cấp bách về an ninh châu Âu.

OSCE có 57 thành viên, trong đó có cả Nga và Ukraine. Hội đồng Nghị viện của OSCE không phải là cơ quan ra quyết định mà nhằm mục đích tạo điều kiện cho đối thoại giữa các cơ quan lập pháp của các thành viên.

LÊ ÁNH/TTXVN

Đi ngược xu thế, Hy Lạp áp dụng mô hình làm việc 6 ngày/tuần

Nguyễn Hoàng Lâm