Ảnh minh họa.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.
Ngành Công an bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc buôn bán thiết bị công nghệ cao.
Hàng năm, trong công tác tuyên truyền, tập huấn trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đều cung cấp thông tin, tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ coi thi để lực lượng này chủ động phát hiện, nhận diện thí sinh mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận.
Để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng.
Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được.
Cơ quan Công an cũng khuyến cáo, theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tối mật.
Việc sử dụng các thiết bị ngụy trang, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại 2 chiều gây lộ đề trong các kỳ thi nói trên là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” (Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015). Người thực hiện hành vi gian lận trong thi cử còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gian lận trong thi cử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/6, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được các địa phương triển khai chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện, sẵn sàng để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và thành công.
THU HƯƠNG