/ Tin tức
/ Ngăn chặn kịp thời "căn bệnh" sợ trách nhiệm

Ngăn chặn kịp thời "căn bệnh" sợ trách nhiệm

19/06/2023 05:23 |

(LSVN) - Thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức có chiều hướng gia tăng và rất đáng lo ngại, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; làm giảm lòng tin của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức, cũng như bộ máy nhà nước.

Ảnh minh họa.

Chính vì căn bệnh sợ trách nhiệm, mà một số nơi đã có tình trạng thực thi nhiệm vụ công vụ bị ách tắc cục bộ; cán bộ, công chức không dám thực hiện nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ có liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đấu thầu mua sắm tài sản công hoặc thực hiện các dự án đầu tư công,… Nguyên nhân của tình trạng sợ trách nhiệm là do thời gian qua nhiều cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý tại một số bộ, ngành, địa phương bị xử lý kỷ luật, bị truy tố, xét xử do có sai phạm trong công tác.

Thực tế hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầy đủ, kịp thời, đã bao quát, điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt vẫn còn những quy định có nhiều cách hiểu khác nhau nên một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm vì sợ sai. Từ lý do này, nhiều địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp thường xuyên gửi công văn xin hướng dẫn, chỉ đạo của bộ, ngành. Tuy nhiên, rất nhiều văn bản được bộ, ngành phúc đáp theo kiểu trích dẫn điều khoản,… một cách chung chung, không rõ ràng, cụ thể nên không giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ách tắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức ở địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay, mặc dù pháp luật đã có hiệu lực nhưng các địa phương vẫn phải chờ văn bản dưới luật (như nghị định, thông tư, nghị quyết HĐND và quyết định của UBND các cấp) và các văn bản hướng dẫn thi hành của bộ, ngành thì mới triển khai thực hiện. Do đó, nhiều văn bản luật mặc dù đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Để thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, các bộ, ngành, địa phương cần phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị; đồng thời, cần phải rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn, làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Việc cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, đúng hướng và toàn diện. Nó khác hoàn toàn với việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng không vì lợi ích chung, việc làm chỉ mang tính cục bộ, lợi ích cá nhân, thiếu cơ sở khoa học, đặc biệt là vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…, gây thiệt hại cho xã hội thì pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc.

Và ngược lại, cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, không vì lợi ích riêng, vì Nhân dân, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần làm kinh tế, xã hội phát triển… thì phải được tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng.

ĐỖ VĂN NHÂN

Bùi Thị Thanh Loan