/ Pháp luật - Đời sống
/ Ngăn chặn tình trạng phát tán, lan truyền tin giả

Ngăn chặn tình trạng phát tán, lan truyền tin giả

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tin giả phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Để đối phó tình trạng này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả. Cụ thể, Cục nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt tin giả.

 

 

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tin giả do con người tạo ra. Với các nền tảng có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay như Facebook, Youtube, Tiktok.. có tin giả thì ngay lập tức sẽ có hàng ngàn lượt chia sẻ, với hàng triệu lượt xem, bình luận sẽ làm cho tin giả tăng theo cấp số nhân. Uy tín, danh dự của một con người bị bôi xấu, bị bào mòn mà không có cơ hội để giải thích, thanh minh. Tin giả làm xói mòn niềm tin xã hội, tạo ra những nghi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được.

Hành vi loan truyền tin giả, tin sai sự thật diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới. Nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên giới chủ yếu là do người sử dụng cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng "vô danh nên vô trách nhiệm", không sợ bị xử lý, nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định, công bố là tin giả thì người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội.

Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Ngoài ra, người dân trong nước ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok trong bối cảnh nước ta chưa có các dịch vụ tương tự phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân

Ông Lưu Đình Phúc nhận định, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu, độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook. Trong khi hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, mà chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm. Các giải pháp hữu hiệu ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube và Tik Tok chưa đạt hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đẩy mạnh, tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, đề nghị 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok, Apple ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.

Tin giả phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Để đối phó tình trạng này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả. Cụ thể, Cục nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt tin giả.

Cục cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân. Cơ quan báo chí chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh. Cục cũng tăng cường đẩy mạnh việc khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng; qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích.

Thống kê của Trung tâm xử lý tin giả, đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 4.363 tin phản ánh; thẩm định, gắn nhãn và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu độc, link giả mạo. Quá trình xử lý tin giả, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã thiết lập được mạng lưới xử lý tin giả trên toàn quốc, với hơn 100 đầu mối thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.

Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ký kết các biên bản ghi nhớ với các Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai để tăng cường phối hợp tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin sai sự thật trên mạng; thẩm định, kết luận về tính chính xác của nội dung thông tin được đăng tải, chia sẻ trên mạng; gắn nhãn, công bố tin giả, tin sai sự thật và cung cấp thông tin chính xác trên cổng thông tin Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (www.tingia.gov.vn). Các bên cũng phối hợp xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm đối với các hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật trên mạng; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng cho xã hội; trao đổi, chia sẻ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý, thực thi pháp luật về cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng; những vấn đề phát sinh sẽ trao đổi làm rõ và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ký kết với các bộ, ngành để tăng cường công tác phối hợp, giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả. Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ sẽ tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để tạo áp lực buộc Facebook, Google, TikTok,... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Apple, Tiktok,... tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này.

DUY ANH

Hướng dẫn sử dụng biên lai điện tử theo quy định mới

Lê Minh Hoàng