Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng, từ ngày 03/6/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân.
Từ khi tổ chức thực hiện phương án nêu trên, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức thực hiện nghiêm túc phương án bán vàng miếng SJC; tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bán vàng miếng tại các điểm bán vàng miếng SJC; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, không để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền trong hoạt động bán vàng; đảm bảo việc tổ chức thực hiện bán vàng miếng SJC được hiệu quả, đúng mục tiêu.
Vì vậy, trường hợp khách hàng có kiến nghị về cách thức bán vàng miếng SJC bằng phương thức trực tiếp hay đăng ký trực tuyến của Công ty SJC, đề nghị khách hàng liên hệ với Công ty SJC qua các kênh thông tin điện tử hoặc đến trực tiếp các điểm kinh doanh của Công ty SJC để được giải đáp.
Theo phương án ổn định thị trường vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước, có 4 ngân hàng thương mại cụ thể gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và Công ty vàng SJC triển khai bán vàng miếng trực tiếp cho người dân. Từ ngày 14/10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở rộng các điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2024, giá vàng trong nước đã liên tiếp lập đỉnh và xô đổ các kỷ lục từng ghi nhận.