Ảnh minh họa.
Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước phát Việt Nam đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%.
Được biết, động thái này của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện để tỉ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, góp phần hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.
Lý giải về việc điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng Trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga-Ukraine đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy các đồng tiền trên thế giới chịu áp lực mất giá khi đồng USD tăng giá mạnh. Đồng euro đã mất 20%-30% giá trị, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10%-12%. VND là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5,5% so với đầu năm.
Trước những căng thẳng kéo dài về tỉ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước đã bán một lượng USD đáng kể từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỉ giá trong nước.
TRẦN NGUYÊN