/ Đời sống - Xã hội
/ Ngành BHXH Việt Nam: Nỗ lực vượt khó, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ

Ngành BHXH Việt Nam: Nỗ lực vượt khó, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ

14/07/2022 02:05 |

(LSVN) - Ngày 13/7/2022, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn; cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tại hơn 700 điểm cầu địa phương có: Giám đốc, Phó Giám đốc, lãnh đạo các phòng trực thuộc BHXH tỉnh và BHXH các quận, huyện trong toàn quốc.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển BHXH, BHYT lộ trình đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW). 6 tháng đầu năm, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Cùng việc xác định rõ quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả", ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đề ra. Một số kết quả nổi bật như sau:

BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến chính sách BHXH, BHYT như: Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)… Đồng thời, chủ động trao đổi, thống nhất để kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia trong việc giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động (NLĐ) mắc Covid-19 điều trị tại nhà; chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) từ quỹ BHTN; đóng BHXH tự nguyện theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại các cơ sở KCB vượt trần, vượt quỹ; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT, không để người bệnh tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng...

Đối với các lĩnh vực hoạt động của Ngành, bên cạnh tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, toàn ngành BHXH Việt Nam nêu cao tinh thần nỗ lực, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện. 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với tình hình mới trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến cuộc sống, thu nhập của người dân, bên cạnh đó còn có sự thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu trong năm 2022... để phát triển, vận động người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Nhờ đó, số người tham gia BHXH, BHTN có sự tăng trưởng tích cực. Đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH đạt trên 16,8 triệu người (tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 1,7% so với hết năm 2021) chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó: BHXH tự nguyện khoảng 1,323 triệu người. Số người tham gia BHTN khoảng 13,794 triệu người (tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với hết năm 2021), chiếm 27,28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT đạt khoảng 86,538 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 88,66% dân số. 

Hai là, giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội càng được khẳng định. Công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN luôn đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy định, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH. 6 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành đã giải quyết: 38.810 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 5.998.841 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 443.457 người hưởng các chế độ BHTN. Ngoài ra, cả nước có khoảng 64,231 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền chi KCB BHYT là 46.294 tỉ đồng.

Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam tăng cường triển khai. Tính đến hết ngày 15/6/2022, toàn Ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 9.971 đơn vị. Qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 7.219 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 38,1 tỉ đồng; 16.328 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 17,6 tỉ đồng; tổng số tiền các đơn vị được thanh tra kiểm tra nợ trước khi có quyết định thanh tra kiểm tra là 1.238,3 tỉ đồng, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp là 950,6 tỉ đồng; Ban hành 94 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 10,7 tỉ đồng. 

Bốn là, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành tiếp tục được đẩy mạnh; phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Đáng chú ý, với việc xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL Quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL  quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến ngày 30/6/2022, hệ thống đã xác thực 47.414.355 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số CMND và CCCD) có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 35.636.200 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có 6.433 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 253.130 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng "VssID - BHXH số"; tính đến hết tháng 6/2022, đã có trên 26,2 triệu người đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng và có hơn 1,2 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB.

Chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Bên cạnh quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Đến hết tháng 6/2022, thực hiện 03 chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện giảm đóng vào các Quỹ BHXH, BHTN và chi hỗ trợ từ nguồn quỹ BHTN với tổng kinh phí trên 45.444 tỉ đồng cho NLĐ và NSDLĐ, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, trong đó: riêng chi trả chế độ hỗ trợ bằng tiền cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền 30.804 tỉ đồng.

- Thực hiện nhiệm vụ của Ngành được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, BHXH Việt Nam đã đạt kết quả (tính đến 10/7/2022) như sau: (1) Với NLĐ đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng), cơ quan BHXH đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.767.134 lao động tham gia BHXH bắt buộc. (2) Với NLĐ quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng), cơ quan BHXH đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Kết quả trên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Tăng tốc mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong toàn Ngành, đồng thời đánh giá cao sự chủ động của BHXH các địa phương đã có nhiều giải pháp, cách làm hay trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN như: chủ động tham mưu, tranh thủ sự chỉ đạo sát sao, sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác BHXH, BHYT; đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… 

Nhấn mạnh tiêu chí của ngành BHXH Việt Nam luôn kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn lưu ý BHXH các tỉnh cần thẩm định, kiểm tra kỹ khi tiếp nhận các trường hợp hưởng BHXH một lần, vừa hài hòa lợi ích của NLĐ, vừa đảm bảo đúng quy định...

Ghi nhận sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường đề nghị, BHXH Việt Nam cần tiếp tục có giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành năm 2022. Trong đó, tận dụng triệt để việc ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm trong thực hiện BHXH, BHYT. “Đề nghị lãnh đạo BHXH các địa phương nếu gặp vướng mắc, cần sớm phát hiện, tổng hợp về BHXH Việt Nam, để báo cáo Hội đồng quản lý sẵn sàng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội này...”, ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách và đại diện lãnh đạo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam. Trong đó, Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị và BHXH các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Toàn Ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là: vừa đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; đảm bảo hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ BHXH, BHYT, BHTN...”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh./.

PV

Loan B T Thanh