Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa.
Sáng nay (16/12), TAND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xét hỏi các bị hại trong vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm bị truy tố các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền".
Theo đó, Chủ toạ phiên tòa thông báo trong hôm nay (16/12) sẽ xét hỏi hết các bị hại trong các dự án còn lại. Ngày mai (17/12) là ngày xét hỏi cuối cùng để xét hỏi những bị hại chưa được tham gia xét hỏi.
Chủ toạ phiên tòa cũng thông báo sáng chủ nhật (ngày 18/12), đại diện VKS sẽ trình bày bản luận tội và bước sang phần tranh luận. Do đó, Tòa thông báo để Luật sư bào chữa cho các bị cáo, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết để tham gia phiên tòa.
Ngoài ra, theo HĐXX, trong những ngày xét hỏi vừa qua, nhiều bị hại yêu cầu được nhận đất. Tuy nhiên, đối với những yêu cầu này, HĐXX sẽ đánh giá và xem xem có đúng quy định của pháp luật hay không. Sau khi nghị án, nếu xét thấy không đúng theo quy định sẽ bác yêu cầu.
Liên quan đến vụ việc, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (31 tuổi, em ruột của Luyện và Lĩnh, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và Võ Thị Thanh Mai cùng 18 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài tội danh trên, 02 bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, cựu Giám đốc Công ty Alibaba Law Firm) và Nguyễn Thái Lực còn bị đưa ra xét xử thêm về tội “rửa tiền”. Riêng, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán Công ty Alibaba) bị đưa ra xét xử về tội “rửa tiền”.
Trong vụ án, bị cáo Võ Thị Thanh Mai được tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ; bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng được tại ngoại để chữa bệnh.
Theo cáo trạng, Công ty Alibaba được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ 01 tỉ đồng; thay đổi lần thứ 3 vào năm 2017 với vốn điều lệ 1.700 tỉ đồng. Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty và chỉ đạo người thân, nhân viên đứng tên để nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận…
Các cá nhân này sau khi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, ủy quyền lại cho các pháp nhân trực thuộc Công ty Alibaba mà Luyện thành lập. Từ đó, Luyện đã “vẽ” lên các dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp; phân lô, tách thửa trái quy định và dùng truyền thông để quảng cáo bán dự án.
Luyện thu hút khách hàng bằng cách cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 02%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Khi đến hạn, hầu hết khách hàng đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết. Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các “hợp đồng quyền chọn” hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực chất, các dự án trên được vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp đặc biệt lớn, không phải là đất thổ cư như trong hợp đồng chuyển nhượng thể hiện. Tổng cộng, Luyện và đồng phạm đã “vẽ” ra 58 dự án không có thật, lừa bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỉ đồng.
Đối với hành vi rửa tiền, ngày 21/11/2019, bị cáo Mai chỉ đạo Lĩnh nộp 50 tỉ đồng tiền khách hàng mua đất tại Công ty Alibaba vào tài khoản của Lực và chỉ đạo Lực rút tiền, mở sổ tiết kiệm. Sau đó, Mai chỉ đạo Lực rút 31 tỉ đồng để mở sổ tiết kiệm cho Thắng và chỉ đạo Thắng rút 18 tỉ đồng để mua 02 căn nhà tại tỉnh Đồng Nai; còn lại 13 tỉ đồng.
Đến tháng 9/2019, khi Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án Công ty Alibaba lừa đảo, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi (hơn 13,9 tỉ đồng) vào tài khoản do Mai đứng tên. Sau đó, Mai chuyển 13 tỉ đồng vào tài khoản của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra và giao lại cho Mai để trả nợ, tiêu xài. Cả 03 đều thừa nhận biết đây là tiền bất hợp pháp, do Luyện lừa đảo mà có.
TRẦN VŨ
Tuyên án phạt tù chung thân cho nữ sinh 21 tuổi đầu độc cha ruột bằng xyanua