/ Pháp luật - Đời sống
/ Ngày 25/01/2022 TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử vụ án 'cho ở nhờ mất đất' tại Đô Lương

Ngày 25/01/2022 TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử vụ án 'cho ở nhờ mất đất' tại Đô Lương

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Viện Kiểm sát nhân Cấp cao tại Hà Nội nhận thấy quyết định tại Bản án sơ thẩm số 06/2020 TAND tỉnh Nghệ An về tranh chấp đất đai của ông Lê Sỹ Ngũ và gia đình ông Thái Lam Hồng có những vi phạm về tố tụng, thu thập và đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Mảnh đất ông Lê Sỹ Ngũ đã cho ông Hồng mượn nay còn ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang không có người ở.

Theo đó, ngày 25/01/2022 TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu tháo dỡ tài sản, hủy quyết định cá biệt của bản án sơ thẩm số 06/2020 TAND tỉnh Nghệ An, mà trước đó Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đăng tải. Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cũng đã ra quyết định số 47/QĐKNPT-VC1-DS kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo hướng: Huỷ toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Bản án sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 29/9/2020 của TAND tỉnh Nghệ An về tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu tháo dỡ tài sản, huỷ quyết định cá biệt tuyên: Tạm giao cho các con ông Hồng được sử dụng phần diện tích đất 50,5m2 và được sở hữu gồm 01 ngôi nhà cấp 4 (ba gian, hai hồi, hai dốc) có xây tường gạch chỉ bao quanh, mái lợp ngói, nền gạch bát tràng (18x18), diện tích 61,2m2 xây trên diện tích đất được giao; Buộc các con ông Hồng phải trích lại giá trị chênh lệch tài sản cho ông Lê Sỹ Ngũ, bà Tăng Thị Thìn số tiền 87,5 triệu đồng; Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BB884186 ngày 22/2/2011 do UBND huyện Đô Lương cấp mang tên Lê Sỹ Ngũ, Tăng Thị Thìn tại thửa đất số 77, tờ bản đồ 04, diện tích 239.6m2 của ông Lê Sỹ Ngũ tại xóm Diên Tiên, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương.

Gia đình ông Lê Sỹ Ngũ nhận thấy quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm của TAND Nghệ An có nhiều điểm không phù hợp với quy định của pháp luật, đã kháng cáo đề nghị buộc gia đình ông Thái Lam Hồng tháo dỡ toàn bộ tài sản trên đất và trả lại quyền sử dụng đất cho gia đình ông.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Văn phòng Luật sư Chính Pháp nêu quan điểm cho rằng yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn hoàn toàn có căn cứ để chấp nhận. Quan hệ tranh chấp trong vụ án này được xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu tháo dỡ tài sản trên đất và hủy quyết định cá biệt.

Về quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất, bản chất vụ án là ông Hồng chỉ là người ở nhờ trên thửa đất của bà Liên, ông Ngũ

Theo Luật sư, hiện nay, Tòa án cấp sơ thẩm xác định nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp tại xóm Diên Tiên, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là của vợ chồng ông Ngũ, bà Liên; quan hệ giữa ông Thái Lam Hồng và ông Lê Sỹ Ngũ đối với thửa đất tranh chấp là quan hệ cho mượn đất ở nhờ và ông Lê Sỹ Ngũ có quyền đòi lại diện tích đất đã cho ông Hồng mượn là phù hợp quy định pháp luật.

Cụ thể, theo nội dung kháng cáo người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Năm 1978 gia đình ông Lê Sỹ Ngũ có cho ông Thái Lam Hồng (di dân, không có hộ khẩu, là bạn bè quen biết với ông Ngũ, không có chỗ ở) ở nhờ trên thửa đất của ông Ngũ. Vợ ông Ngũ khi đó là bà Liên không đồng ý. Năm 1982 ông Ngũ và bà Liên ly hôn, Tòa án quyết định cho bà Liên được sở hữu thửa đất mà ông Hồng đang ở nhờ. Tháng 12 năm 1982 ông Hồng xây nhà cấp 4 tại thửa đất đang ở nhờ, bà Liên không đồng ý nên đã xảy ra xô xát với các con ông Hồng sau đó bà Liên đã khởi kiện ông Hồng để đòi đất và yêu cầu bồi thường tiền thuốc men.

Tháng 12 năm 1983, Tòa án sơ thẩm quyết định ông Hồng phải dời nhà trả đất cho bà Liên. Ông Hồng kháng cáo bản án này và tháng 5/1984 Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ giải quyết do hai bên tạm thời thỏa thuận được tranh chấp. Trong thời gian này, bà Liên giao lại đất và nhà cho ông Ngũ và con trai là anh Huy ở. Ông Ngũ đồng ý cho ông Hồng tiếp tục ở nhờ.

Sau đó ông Ngũ lấy vợ hai là bà Thìn. Nhiều lần ông Ngũ bà Thìn yêu cầu ông Hồng dời nhà trả đất nhưng không được, nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại đã được gửi đi nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Năm 1999 ông Ngũ làm đơn cấp bìa đất và được UBND huyện cấp bìa lần đầu năm 2000. Năm 1999 ông Hồng mất nên ngôi nhà bị bỏ hoang không ai ở từ đó đến nay, chỉ có nhờ người trông coi. Năm 2006 ông Ngũ tiếp tục làm đơn kiến nghị và được UBND xã xác nhận để gửi lên cấp cao hơn. Ngày 04/8/2006 UBND huyện trả lời nội dung khiếu nại của ông Ngũ và hướng dẫn quy trình thực hiện để đòi đất. Năm 2010 Nhà nước thực hiện chính sách cấp đổi bìa đất cho ông Ngũ. Năm 2011 ông Ngũ tách thửa cho con trai cả phần diện tích đất còn lại của ông Ngũ bao gồm cả diện tích đất có ngôi nhà đang bị bỏ hoang là di sản của ông Hồng để lại. Liên tục năm 2012, 2013 đến nay ông Ngũ đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã, huyện đòi đất nhưng chưa thành. Ngày 08/9/2017 ông Ngũ làm đơn khởi kiện ra Tòa án.

Hồ sơ vụ án thể hiện nguồn gốc thửa đất là của ông Ngũ, bà Liên. Khi vợ chồng ông bà ly hôn, Tòa án quyết định giao nhà đất cho bà Liên. Năm 1984 bà Liên giao lại nhà đất cho ông Ngũ. Ông Ngũ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2000, cấp đổi bìa năm 2010 và tách thửa tặng cho năm 2011.

Bị đơn cũng thừa nhận nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của ông Lê Sỹ Ngũ và bà Nguyễn Thị Liên (vợ cũ của ông Ngũ), phù hợp với lời trình bày của ông Thái Lam Hồng tại biên bản ghi nhận lời khai ngày 24/9/1983 và đơn trình bày ngày 23/12/1983, lời trình bày của ông Lê Sỹ Ngũ, bà Nguyễn Thị Liên. Do đó có cơ sở khẳng định nguồn gốc thửa đất tranh chấp tại xóm Diên Tiên, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An là của vợ chồng ông Ngũ, bà Liên.

Tuy nhiên, bị đơn cho rằng thửa đất tranh chấp do bố mẹ (ông Thái Lam Hồng, bà Nguyễn Thị Mai đều đã chết) mua của vợ chồng ông Ngũ, bà Liên vào năm 1978 và đã xây dựng nhà ở kiên cố cho đến nay, khi mua bán không làm giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng. Song bị đơn không đưa ra được bất kỳ giấy tờ, tài liệu nào chứng minh việc mua bán giữa hai bên. Biên bản ghi nhận lời khai ngày 24/9/1983 và đơn trình bày ngày 23/12/1983 của ông Thái Lam Hồng trong vụ án tranh chấp giữa bà Liên và ông Hồng tại TAND huyện Đô Lương năm 1983 cũng như quá trình giải quyết vụ án này thì bị đơn đều không cung cấp được bất kỳ chứng cứ, tài liệu nào chứng minh cho việc mua bán đất.

Hồ sơ vụ án cho thấy phía bị đơn không có bất kỳ căn cứ xác lập quyền sử dụng đất nào mà chỉ là người mượn đất và ở nhờ trên đất. Trong khi đó việc ở nhờ này đã nhiều lần bị gia đình nguyên đơn đấu tranh, đòi đất, yêu cầu trực tiếp cũng như khởi kiện ra tòa, đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Căn cứ vào lời khai của bà Liên ngày 24/9/1983, giấy xác nhận của bà Liên ngày 05/10/2018, lời khai của ông Thái Lam Hồng ngày 24/9/1983 thì việc thỏa thuận này không liên quan đến việc bà Liên từ bỏ mảnh đất, nội dung cam đoan không thể hiện việc phân chia đất đai, không thể hiện việc đã cho, bán thửa đất mà chỉ thể hiện cho ông Hồng tiếp tục ở chung như cũ. Do đó về bản chất, ông Hồng chỉ là người ở nhờ trên thửa đất của bà Liên.

Không có cơ sở để TAND tỉnh Nghệ An quyết định trích một phần công sức sử dụng, tôn tạo tài sản tương đương ½ thửa đất tranh chấp

Cũng theo Luật sư Cường, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định trích một phần công sức sử dụng, tôn tạo tài sản tương đương ½ thửa đất tranh chấp là 50,05m2 cho các con của ông Thái Lam Hồng, tạm giao ngôi nhà cấp 4 diện tích 61,2 m2 (trong ranh giới thửa đất 58,8 m2, nằm ngoài ranh giới thửa đất 2,4 m2) cho các con ông Hồng được sử dụng và phải trích lại giá trị chênh lệch tài sản cho ông Ngũ, bà Thìn 87,5 đồng. Tòa án chỉ buộc các con ông Hồng tháo dỡ toàn bộ tài sản trên phần diện tích còn lại của thửa đất tranh chấp là không hợp lý, dẫn đến việc giao nhà cho các con ông Hồng sử dụng là chưa phù hợp quy định pháp luật.

Thứ nhất, việc cho ở nhờ là quan hệ được xác lập giữa ông Ngũ và ông Hồng, không phải với các con của ông Hồng. Trong khi đó ông Hồng đã mất từ năm 1999. Thửa đất đi mượn không phải là di sản của ông Hồng theo quy định Bộ luật Dân sự. Do đó việc các con ông Hồng sử dụng nhà đất của ông Ngũ sau khi ông Hồng mất là chiếm hữu trái pháp luật. Đã nhiều lần gia đình ông Ngũ đòi đất nhưng các con ông Hồng vẫn không trả. Trường hợp này cần thiết phải xác định các con ông Hồng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không thể xác định là có công sức tôn tạo, duy trì tài sản, làm tăng giá trị đất như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định.

Thứ hai, sau khi ông Hồng mất thì nhà đất bị bỏ hoang. Từ đó đến nay các con ông Hồng không sử dụng nhà đất này mà nhờ người khác trông coi. Do đó Tòa án sơ thẩm xác định căn nhà là nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên của gia đình, việc tháo dỡ sẽ làm mấy giá trị, công năng sử dụng của tài sản là không đúng thực tế.

Thứ ba, Tòa án giao căn nhà cho bị đơn tiếp tục sử dụng trong khi bị đơn cũng hoàn toàn không có nhu cầu về nhà ở. Tại Biên bản xác minh ngày 19/12/2019 của TAND tỉnh Nghệ An với cán bộ địa chính UBND xã Lưu Sơn (BL274) thể hiện: Sau khi ông Thái Lam Hồng mất năm 1999 thì gia đình ông Hồng không có ai sinh sống trên thửa đất, các con của ông Hồng đều đi làm ăn xa mà thửa đất được các con của ông Thái Lam Hồng giao cho ông Lê Công Hoa trông coi.

Việc trích công sức phải căn cứ trên công sức duy tu, quản lý, tôn tạo, làm tăng giá trị tài sản và nhu cầu của người sử dụng đất thực tế. Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể nào đối với trường hợp xác định công sức trong việc sử dụng, tôn tạo tài sản cho ở nhờ. Rõ ràng với tài sản ở nhờ thì người ở nhờ đã được lợi trong suốt quá trình sử dụng, không phải chi trả chi phí thuê đất. Việc trích công sức cho người mượn đất đến 50% giá trị tài sản là quá cao, không phù hợp thực tế là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngũ, không phù hợp quy định pháp luật.

PV

Nghệ An: Vụ kiện tranh chấp đất đai vì cho bạn 'ở nhờ' có nhiều tình tiết cần phải làm rõ

Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội kháng nghị Bản án sau 40 năm đi đòi đất

Lê Minh Hoàng