(LSVN) - Mọi việc xuất phát từ hoạt động đầu tư của một cá nhân mua cổ phần Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An – Chủ đầu tư dự án tại xã Hưng Lộc, Tp Vinh và cổ phần Công ty CP Havi land. Mục đích đầu tư là nhận chuyển nhượng cổ phần để nhà đầu tư kiểm soát hoạt động của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An.
Mua giúp cổ phần, thực hiện công việc một cách minh bạch vẫn bị tố lừa đảo
Các tài liệu từ Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An), các cơ quan, cá nhân liên quan như: văn bản thỏa thuận đầu tư, các chứng từ ngân hàng, biên bản đối chiếu, biên bản giao nhận hồ sơ tài liệu, các đoạn ghi âm, tin nhắn điện thoại … cho thấy bà Lê Thị B. T. và bà Trần Thị Khánh T. quen biết nhau do đều là các doanh nhân nữ ở tỉnh Nghệ An.
Tháng 3/2019, bà Trần Thị Khánh T. đã nhờ bà Lê Thị B. T. mua gom cổ phần của Công ty CP ĐTTM Dầu khí Nghệ An và Công ty CP Havinland, đứng tên thay cho bà Trần Thị Khánh T. và toàn bộ kế hoạch đầu tư với cách thức thực hiện việc đầu tư chỉ được ghi nhận trong văn bản có tên "Thỏa thuận kế hoạch đầu tư" vào tháng 03/2019. Lý do bà Trần Thị T. hay người thân không trực tiếp đứng tên cổ phiếu mà phải nhờ bà Lê Thị B. T. (dù ban đầu bà Lê Thị B. T. không muốn).
Theo văn bản trên, trong giai đoạn 1, bà Trần Thị Khánh T. đầu tư "mua lại 2 Công ty" thông qua việc mua gom cổ phần. Như trước đây chúng tôi đã phản ánh, có 4 người ký tên vào văn bản gồm các bà Trần Thị Khánh T., Lê Thị B. T., Lê Thị K. Ng. và ông Trần Lương S.. Văn bản nói trên thể hiện rõ bà Lê Thị B. T. có trách nhiệm mua gom cổ phần, trích nguyên văn (Tên được viết tắt): "Bà: Lê Thị B. T. là người chịu trách nhiệm trước bà Trần Thị Khánh T. về số tiền bà T. đã góp vốn vào Công ty (quy thành cổ phần tại công ty CP Havi land) đứng tên 100% toàn bộ số tiền nêu trên cho Bà Trần Thị Khánh T.. Và cam kết rằng khi nào Bà Trần Thị Khánh T. có nhu cầu thì chuyển tên toàn bộ số Cổ phần này tại Công ty CP Hanvi land lại cho bà Trần Thị Khánh T." Còn có một số đoạn khác cũng thể hiện các nội dung tương tự.
Các tài liệu cho thấy bà Trần Thị Khánh T. đầu tư mua cổ phần với mục đích kiểm soát Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An, hoàn toàn không có bất kỳ thỏa thuận nào thể hiện việc mua dự án, hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án Nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên của Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An.
Theo thỏa thuận trên, bà Lê Thị B. T. chỉ là người thay mặt bà Trần Thị Khánh T. thực hiện việc đầu tư bao gồm: đứng tên thay, mua gom cổ phần. Khi thực hiện thỏa thuận, bà Trần Thị Khánh T. đã chuyển tiền (16 lần). Dòng tiền đều qua hệ thống ngân hàng, qua nhiều tài khoản nên mọi việc được thể hiện rõ. Có một dòng vốn sau khi qua tài khoản trung gian tới Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An và được giải ngân bằng tiền mặt nhưng có người của bà Trần Thị Khánh T. giám sát. Bà Lê Thị B. T. cho biết, toàn bộ số tiền đã chuyển đều được sử dụng đúng mục đích, đúng yêu cầu của bà Trần Thị Khánh T., mọi việc hoàn toàn minh bạch, không có góc khuất. Các tài liệu cho thấy bà Lê Thị B. T. không chiếm đoạt một đồng vốn của nhà đầu tư.
Một trong những chứng từ số tiền đã chuyển đều được sử dụng đúng mục đích, đúng yêu cầu của bà T.
Tuy nhiên, sau khi đầu tư chưa được một nửa số vốn cần giải ngân trong giai đoạn một như đã thỏa thuận, không hiểu vì sao, vào khoảng tháng 5 năm 2020, bà Trần Thị Khánh T. đột nhiên dừng việc đầu tư. Tại thời điểm bà Trần Thị Khánh T. dừng việc đầu tư, tình hình kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có những dự báo cho thấy tình hình khó khăn còn kéo dài.
Sau khi ký Biên bản đối chiếu ngày 11/05/2020, việc đòi lại vốn đầu tư được thực hiện ráo riết và gây nhiều khó khăn cho các bên liên quan do kế hoạch thay đổi. Các đoạn ghi âm và tin nhắn mà bà Lê Thị B. T. cung cấp cho thấy bà rất có thiện chí để giải quyết vấn đề, hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt tài sản. Cũng có lúc bà Trần Thị Khánh T. đòi được thực hiện dự án ở xã Hưng Lộc. Sự việc trở nên ồn ào từ đây với nhiều đơn thư kiến nghị, tố cáo đến cơ quan chức năng cũng như các thông tin chưa đúng bản chất vụ việc trên mạng, an ninh trật tự tại dự án Nhà ở tại xã Hưng Lộc không được đảm bảo.
Sau khi gửi đơn tới các ban ngành, ngày 2/11/2020, đối với nội dung về tranh chấp giữa các bên, UBND tỉnh đã hướng dẫn Trần Thị Khánh T. nộp đơn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là hướng dẫn phù hợp quy định pháp luật, vì UBND tỉnh cũng như các Sở không có chức năng giải quyết tranh chấp.
Câu chuyện hết sức rõ ràng như vậy nhưng bà Lê Thị B. T. đã bị tố cáo lừa đảo. Có những người tới dự án tại xã Hưng Lộc quấy rối, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương và họ hoàn toàn không liên quan đến bà Lê Thị B. T. cũng không phải là người dân có đất trong dự án hay có bất kỳ quan hệ, giao dịch với chủ đầu tư là Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An. Họ nhiều lần tới dự án giăng băng rôn biểu ngữ với nội dung đất đang tranh chấp cũng như đòi nợ bà Lê Thị B. T.
Bà Lê Thị B. T. bị suy sụp sức khỏe nghiêm trọng vì từ xưa đến nay, bà và gia đình là những người làm ăn uy tín ở địa phương. Việc được nhờ mua và đứng tên cổ phiếu cũng phản ánh điều đó. Trong sự việc này, các bên đều có văn bản đối chiếu, văn bản, chứng từ theo dõi chi tiết từng khoản chi, thể hiện sự minh bạch khi thực hiện công việc của bà Lê Thị B. T., luôn làm đúng theo yêu cầu của bên có quyền.
Hồ sơ pháp lý dự án cũng như các tài liệu khác liên quan đến giao dịch giữa các bên đã cho thấy có quá nhiều thông tin sai sự thật được tung lên mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như người dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần bàn giao đất trên thực địa cho doanh nghiệp
Trong một diễn biến liên quan dự án Nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ Công nhân viên tại xã Hưng Lộc, Tp Vinh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến: Hiện nay, Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích giao đất phải nộp tiền sử dụng đất và có quyết định miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích giao đất được miễn tiền sử dụng đất. Theo quy định tại Điều 61, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, được sửa đổi tại khoản 40, điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ, khoản 5 Điều 24 của Quy định về trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 72/2017/QĐ-UBND ngày 28/11/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, thì Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành giao đất trên thực địa để Công ty thực hiện dự án theo quy định.
Cty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng chờ ý kiến chỉ đạo.
Dù trước đó Dự án đã có bàn giao các mốc ranh giới tại hiện trường giữa chủ đầu tư và Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Nghệ An (Đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) với 60 mốc được cắm, bản đồ địa chính của khu đất cũng đã được đo vẽ. Vậy nhưng doanh nghiệp này đã bị buộc phải tạm ngừng thi công chỉ vì chưa có biên bản bàn giao thực địa, tính đến nay đã hơn 3 tháng để chờ cơ quan chức năng kết luận có vi phạm hành chính hay không? Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định doanh nghiệp có vi phạm hành chính hay không, trong khi doanh nghiệp lao đao.
Và điều quan trọng hơn, vi phạm nếu có cũng không nghiêm trọng, mà ngược lại khắc phục được dễ dàng và doanh nghiệp này cũng đủ điều kiện để bàn giao thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 18/12/2020. Thực chất, việc bàn giao trên thực địa là để doanh nghiệp hưởng các quyền của mình sau khi đã thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Như đã phân tích trước đây, hoàn toàn đủ cơ sở cho thấy UBND tỉnh Nghệ An không chỉ đạo tạm dừng các thủ tục hành chính cho Công ty ĐTTM Dầu khí Nghệ An và vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến chỉ đạo việc bàn giao trên thực địa cho doanh nghiệp.
Trong khi Sở khác vẫn thực hiện các thủ tục hành chính tại dự án nhưng tại sao Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An trì hoãn bàn giao đất trên thực địa cũng như các thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền là một câu hỏi nhức nhối nhiều tháng nay. Bên cạnh khó khăn do yếu tố dịch bệnh khách quan thì yếu tố con người cũng góp phần làm cho doanh nghiệp thêm khó.
THÁI QUẢNG - MINH TÚ
Theo Tạp chí Doanh nghiệp&Tiếp thị