Quá trình đo đạc, xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ từ cán bộ công chức địa chính, lãnh đạo UBND thị trấn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường đến lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không hiểu vì sao đã không xác định đúng loại đất, không tuân thủ đúng quy trình, quy định của Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ, dẫn đến những sai sót, để lại những hệ lụy nghiêm trọng. Dù đã có bằng chứng cho thấy hành vi này có dấu hiệu vi phạm hình sự, nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở việc "rút kinh nghiệm", mà thiếu các biện pháp xử lý cụ thể, thậm chí bỏ qua “lỗi” trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.
Qua tìm hiểu được biết, thửa đất số 253, tờ bản đồ số 16 (bản đồ địa chính 2014) có nguồn gốc là thửa đất số 81, tờ bản đồ số 117-62d (bản đồ địa chính năm 1997 và được chỉnh lý số hóa năm 2005). Thửa đất này, thuộc khu vực Âu thuyền và miệng cống thoát nước số 2, khối 4, thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Năm 1986, gia đình bà Nguyễn Thị Thường đến đây bồi đắp một phần diện tích thửa đất 81, khoảng 200-300m2 để khai hoang sau đó chuyển nhượng cho gia đình ông Hồ Trọng Hùng và bà Hoàng Thị Yêm năm 1994. Đến năm 2003, vợ chồng ông Hùng chuyển nhượng cho vợ chồng ông Nguyễn Hữu Ngụ và bà Trần Thị Minh Tân. Khi ông Ngụ xây tường bao lấn chiếm đất bờ đê, UBND thị trấn Cầu Giát phát hiện, yêu cầu ông Ngụ tháo dỡ. Đến tháng 7/2016, vợ chồng ông Ngụ xây móng nhà khi chưa có giấy tờ theo quy định, bị UBND thị trấn Cầu Giát xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và yêu cầu ông Ngụ dừng thi công, trả lại mặt bằng.
Đáng nói là trong bối cảnh thửa đất số 253, có nguồn gốc là đất nông nghiệp, người đầu tiên đến khai hoang là bà Thường, nhưng UBND thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu “linh hoạt áp dụng” từ bản đồ địa chính năm 1997 để cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Ngụ. Sau khi được cấp GCNQSDĐ cuối năm 2016, năm 2017 vợ chồng ông Ngụ đã chia nhỏ lô đất 253 thành 3 lô nhỏ chuyển nhượng cho 3 hộ gia đình khác trong xóm và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc xét duyệt cấp sổ đỏ cho ông Ngụ, bà Tân kéo dài 2 đời Chủ tịch UBND thị trấn: Ông Nguyễn Xuân Dương, ông Võ Đức Mùi và 2 cán bộ địa chính UBND thị trấn Cầu Giát là ông Nguyên Xuân Đường và ông Nguyễn Hữu Thọ. Trong đó ông Nguyễn Xuân Dương và ông Nguyễn Xuân Đường là anh em ruột, và cũng là anh em con gì với bà Trần Thị Minh Tân (vợ ông Nguyễn Hữu Ngụ).
Lý do gia đình ông Ngụ được cấp GCNQSDĐ thửa 253 (đất Âu thuyền) vì ông Ngụ được UBND thị trấn Cầu Giát, và các cán bộ phòng, ban liên quan của huyện Quỳnh Lưu dựa vào bản đồ địa chính năm 1997, bản đồ địa chính năm 2005 và giấy xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất từ ông Hùng sang ông Ngụ.
Được biết, thửa đất 253, tờ bản đồ số 16 (bản đồ địa chính năm 2014) có nguồn gốc từ thửa đất 81, tờ bản đồ số 117-65d (bản đồ địa chính năm 1997 và được chỉnh lý số hóa năm 2005)… Việc UBND thị trấn xác định thửa đất 81 là đất ở là không đúng loại đất vì thời điểm đo đạc bản đồ thửa đất chưa được sử dụng vào mục đích đất ở, đến năm 2016 thửa đất mới sử dụng vào mục đích đất ở nên việc xác định loại đất khi đo đạc bản đồ năm 1997 và 2005 là không đúng loại đất.
Việc sai sót này đã tạo ra những hệ lụy liên đới khác, khiến dư luận đưa ra nhiều câu hỏi về tính hợp pháp và minh bạch trong quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan trong việc quản lý đất đai.
“Về hiện trạng, quá trình sử dụng đất thì việc bản đồ địa chính số được phê duyệt tháng 12/2014 thể hiện thửa đất số 253, tờ bản đồ số 16, loại đất ở đô thị là không đúng với quy định tại điểm 2.4, khoản 2, Điều 8 Thông tư số 25/2014 ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Điều 3 Nghị định số 43/2014 ngày 15/5/2014 của Chính phủ; căn cứ vào hồ sơ lưu trữ tại UBND thị trấn Cầu Giát thì thửa đất 253, tờ bản đồ số 16 của gia đình ông Ngụ sử dụng thì các giấy tờ trên không phải là giấy tờ sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013; Điều 18 Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ”, báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát của tổ công tác UBND huyện Quỳnh Lưu thể hiện.
Ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Giát đã thừa nhận rằng việc xác nhận giấy chuyển nhượng đất từ ông Hồ Trọng Hùng sang hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Ngụ, bà Trần Thị Minh Tân là không đúng quy trình, sai nguyên tắc. Mặc dù quy trình yêu cầu phải qua bộ phận địa chính để kiểm tra trước, nhưng vì nể ông Hùng là Bí thư Chi bộ, ông Dương đã xác nhận giao dịch chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, sau này vị Chủ tịch đã phát hiện ra rằng diện tích ao hồ mà ông Hùng chuyển nhượng cho gia đình ông Ngụ, bà Tân thực chất là đất lạch thoát nước.
Riêng bà Thường cũng khẳng định rằng do không biết chữ, vì vậy khi bán đất cho ông Hồ Trọng Hùng, mỗi chồng bà thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, bà chỉ điểm chỉ vào hồ sơ. Tuy nhiên, trong hồ sơ mua bán đất từ ông Hùng sang ông Ngụ lại có giấy chuyển nhượng viết tay của bà Thường, nhưng không có dấu vân tay điểm chỉ của bà. Câu hỏi được đặt ra là người đã viết giấy chuyển nhượng đất, có phải vì mục đích làm giả hồ sơ? Tại sao các thành viên trong Hội đồng xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ không phát hiện hoặc biết nhưng vẫn bỏ qua vấn đề này?! Cho rằng, việc xét duyệt cấp bìa đỏ cho thửa đất số 253 đã bộc lộ nhiều điểm bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhiều hộ dân địa phương viết đơn phản ánh, tố cáo gửi chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng và Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Tổ công tác của UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ ra rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Ngụ và bà Tân đối với thửa đất 253 tại khối 4, thị trấn Cầu Giát là không đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hiện hành. Đồng thời chỉ rõ ràng trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến sai sót trên. Trước hết là trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Giát; Công chức Địa chính - Xây dựng tại thời điểm lập hồ sơ năm 2016; Hội đồng xét duyệt cấp GCNQSDĐ cho thửa đất số 253; Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quỳnh Lưu (nay là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai); Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường…nhưng không bị xử lý thích đáng, thậm chí chưa có kết quả rõ ràng. Sự thiếu minh bạch trong quy trình cấp sổ đỏ đã dẫn đến sự hoài nghi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Trường hợp ông Đặng Ngọc Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu là người ký danh sách đề nghị cấp và ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Ngụ, bà Tân. Tuy nhiên không hiểu vì sao ông Bình là người “vô can”. Khi PV hỏi trường hợp ông Bình có liên quan, thì lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu tỏ ra lúng túng và im lặng.
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Sơn, thuộc Đoàn Luật sư Nghệ An, với diễn biến sự việc như trên đã có dấu hiệu hành vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Hậu quả của hành vi phạm tội là gây thất thoát tài sản của nhà nước trong lĩnh vực về đất đai. Do đó, cần có sự vào cuộc của Cơ quan Cảnh sát điều tra nhằm tập trung điều tra làm rõ vụ án, xử lý các đối tượng có liên quan và khẩn trương thu hồi tài sản thất thoát theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm các vi phạm là cần thiết để tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch và đáng tin cậy.
Việc lập hồ sơ, cấp sổ đỏ cho gia đình ông Ngụ, bà Tân trái pháp luật đất đai không chỉ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước mà còn làm giảm lòng tin vào hệ thống pháp luật.
Để cải thiện tình hình, cần có sự quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dư luận đang kỳ vọng, chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý những tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót nghiêm trọng trên. Có như vậy, việc bảo vệ hệ thống quản lý đất đai mới có thể trở nên minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.