Hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai tại xã Nghi Ân
Cụ thể, tại đường Bùi Thế Đạt, với chiều dài khoảng 1km, nối quốc lộ 46 vào các xóm Kim Đông, xóm 7 của xã, xảy ra hàng loạt công trình, nhà xưởng xây dựng sử dụng đất sai mục đích; các vấn đề về môi trường, phòng cháy chữa cháy bị bỏ ngỏ.
Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 5/2021, hộ kinh doanh xưởng gia công cơ khí Cường Huyền do ông Phạm Văn Cường (thường trú tại xóm 7, xã Nghi Ân) làm chủ đã cho xây dựng một căn nhà xưởng rộng hàng trăm m2 trên đất ở và đất vườn. Căn nhà xưởng được thiết kế kiên cố, móng trụ đổ bê tông cốt thép, sườn nhà dựng bằng thép hộp, xung quanh xây gạch, mái lợp bằng tôn cách nhiệt. Ước tính kinh phí xây dựng nhà xưởng khoảng 500 triệu đồng.
Bể bơi Phương An trên đường Bùi Thế Đạt, thuộc xóm 7 xã Nghi Ân.
Cũng nằm trên đường Bùi Thế Đạt, có bể bơi Phương An rộng hàng trăm m2. Theo ông Phương – chủ bể bơi thì từ tháng 8/2020, gia đình có miếng đất ở nhưng chưa có nhu cầu sử dụng nên đã cho xây tường bao, nhà cấp 4 để làm bể bơi. Từ tháng 4/2021, ông Phương đã cho lắp đặt bể bơi nhằm tuyển sinh các lớp bơi cơ bản. Học phí mỗi khóa là 800 ngàn đồng, đủ mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, việc tiến hành xây dựng bể bơi, ông Phương đã không xin bất cứ một giấy tờ, thủ tục nào. Khi được lý do, thì ông Phương cho hay: “Cái này là đất ở của gia đình, công trình lắp ghép, nhà cấp 4 thì cần gì phải xin giấy phép. Hôm trước có cán bộ xã xuống nhưng sau đó thấy họ không nói gì nên tôi cứ xây. Vì nhu cầu dạy bơi nên nhà tôi mới làm. Còn nếu Nhà nước không cho thì tôi… chuyển đổi sang cái khác…”
Cách đó không xa là xưởng chế tác đá mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Sáng. Đầu năm 2021, ông Sáng thuê lại đất của ông Ngô Bá Tài rồi xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh. Mặc dù xây dựng nhà ở cấp 4, lợp mái tôn nhà xưởng, khoan giếng nước ngầm để sản xuất nhưng theo tìm hiểu thì chủ đất là ông Ngô Bá Tài không có bất cứ giấy phép xây dựng nào.
Đối diện xưởng đá mỹ nghệ này là xưởng sản xuất đồ gỗ của ông Trần Văn Bóng rộng cả ngàn m2. Theo ông Bóng thì năm 2017, ông về đây thuê lại đất của dân, đến tháng 5/2018 thì dựng xưởng sản xuất mộc, đồ gỗ mỹ nghệ.
Được biết, xưởng này cũng xây dựng không có giấy phép. Xưởng nằm giữa khu dân cư, tiếng máy móc cưa xẻ, đục đẽo ầm ầm suốt ngày, hàng chục công nhân hoạt động nhưng không có bảo hộ lao động, bụi gỗ bay mù mịt, bám dày đặc cả lên tường. Đặc biệt, tại xưởng gỗ này, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Cũng tại xã Nghi Ân, thửa đất số 43, tờ bản đồ số 39 (xóm Kim Nghĩa) có diện tích 631,2 m2 thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Văn Phấn – thẩm phán TAND tỉnh Nghệ An. Tháng 3/2018, ông Phấn xin giấy phép xây dựng số 432 để xây dựng công trình “nhà ở riêng lẻ” cấp 4, diện tích 180m2. Tuy nhiên sau khi xây dựng xong, người ta thấy đây là một căn nhà xưởng chứ không phải “nhà ở riêng lẻ” như giấy phép được cấp. Đặc biệt, gia đình ông Phấn không ở đây mà cho Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Nam Khánh thuê để sản xuất kinh doanh nhôm kính.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Phấn cho biết, mấy năm trước đây, ông có xuống mua lại của một hộ dân xóm Kim Nghĩa hơn 600 m2 đất ở và đất vườn. Do chưa có nhu cầu sử dụng nên ông mới cho Cty của cháu ruột là ông Phạm Ngọc Khánh mượn lại để làm xưởng.
Đặc biệt là trường hợp của ông Hoàng Hải (ngụ xóm Trung Tâm, xã Nghi Ân) có một miếng đất ở tại xóm Kim Mỹ (cùng xã)- khoảng 600 m2. Đây là thửa đất lớn, bám mặt tiền đường QL46 có giá trị sinh lợi cao nên vài ba năm trước, ông Hải cho xây dựng một nhà xưởng “khủng” rồi chia ra cho các Cty khác thuê lại.
Khi được hỏi vì sao làm công trình nhà xưởng rộng lớn như thế mà không xin GPXD từ cơ quan chức năng thì ông Hải cho rằng: “Giấy phép ngày xưa tôi lấy của xã, làm khi nào tôi cũng không nhớ nữa (?!).
Ông Hải cho xây dựng một nhà xưởng “khủng” rồi chia ra cho các Cty khác thuê lại.
Bên cạnh đó là trường hợp trang trại lợn mọc trái phép trên đất trồng lúa của ông Bạch Huy Khánh (ngụ xóm Kim Đông, xã Nghi Ân). Vào khoảng tháng 7/2020, ông Bạch Huy Khánh đã ngang nhiên san lấp một diện tích đất trồng lúa gần 500m2 của gia đình đang sử dụng để tiến hành xây dựng trang trại nuôi heo.
Trang trại sừng sững nằm sát bên khu dân cư, xung quanh là lúa, hoa màu không bị che khuất tầm nhìn nhưng từ cán bộ địa chính, xây dựng đô thị của xã Nghi Ân đã “không nhìn thấy”? Trong quá trình xây dựng, nhận thức được việc làm sai trái của ông Khánh có nguy cơ ảnh hưởng ô nhiễm nghiêm trọng đến khu dân cư, người dân đã báo lên chính quyền địa phương.
Tiếp đến là trường hợp lấn chiếm, xây tường bao trên đất nông nghiệp của hộ bà Lan Hương, ngụ xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân. Đây là khu đất có giá trị cao, bám dọc tuyến đường QL46. Mặc dù đang còn tranh chấp, chưa xác định ranh giới và một phần đất nông nghiệp được giao phía sau để trồng lúa, hoa màu nhưng sau khi làm nhà xong, gia đình đã tự ý xây dựng tường kiên cố chạy dài hàng trăm mét bao hết diện tích đất này. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, cán bộ địa chính, trật tự đô thị đã xuống lập biên bản, nhưng đến nay sự việc lấn chiếm trái phép này “đâu vẫn vào đấy”.
Trường hợp xây nhà, khuôn viên trên đất nông nghiệp xảy ra tại xóm Kim Chi của hộ gia đình Hà Lài. Theo người dân phản ánh thì đây là đất công ích 100% do UBND xã Nghi Ân quản lý. Từ đầu năm 2020, gia đình Hà Lài đã ngang nhiên cho xe tải đổ phế thải xây dựng, đất đá lên khoảng đất hơn 100m2 để chuẩn bị tiến hành xây dựng nhà. Cứ vào khoảng thời gian thứ 7, chủ nhật, lại lén lút xây dựng. Căn nhà này cách UBND xã Nghi Ân dăm trăm mét, nằm trên trục đường lớn nhưng không gặp bất cứ một sự “trở ngại” nào. Hiện tại căn nhà này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, thách thức pháp luật và trật tự đô thị tại địa phương.
Trả lời PV về những phản ánh trên, ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho rằng, từ thời điểm ông về nhận công tác (tháng 7/2020) không xảy ra các trường hợp sai phạm.
“Những sai phạm đó là ở thời điểm của lãnh đạo tiền nhiệm, tôi không liên quan” – ông Chu Văn Mai khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hà - công chức Xây dựng đô thị tại Ủy ban này thì cho rằng, các trường hợp vi phạm này đã được lập biên bản.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc, PV đề nghị cung cấp các biên bản vi phạm đã lập trước đó thì ông Mai nói chưa chuẩn bị kịp, ngày mai sẽ cho cán bộ xây dựng đô thị cung cấp cho báo chí. Nhưng nhiều ngày sau đó, PV tiếp tục trực tiếp đến UBND xã Nghi Ân cũng như gọi điện cho cán bộ Xây dựng đô thị, Chủ tịch xã vẫn không lấy được các biên bản này.
Phải chăng các biên bản này chỉ nói cho có để “đối phó” với báo chí, còn trên thực tế chưa có biên bản nào được lập?
PV (t/h)