Quốc lộ 48 E đoạn qua Eo Lèn bị đất đá chắn ngang tắc giao thông hoàn toàn
Tại huyện Quỳnh Lưu, mưa xuất hiện ở nhiều vùng, đến 300mm và liên tục trong nhiều giờ, nhiều xã nước tràn vào cả nhà dân. Theo chính quyền địa phương Thị trấn Cầu Giát cho biết, thống kê chưa đầy đủ có 70 hộ dân bị ngập. Trong đêm 28/9 địa phương đã huy động lực lượng đến từng gia đình di chuyển đồ đạt, kê cao lương thực, vật dụng tránh thiệt hại cho các hộ. Những hộ có người già cả, neo đơn thì được đưa đi sơ tán tại những chỗ an toàn.
Xóm 4 xã Quỳnh Tam do mưa lớn có 01 đoạn đê đập Hóc Cối nguy cơ bị vỡ. Chính quyền địa phương đã huy động dân, phương tiện, thức trắng đêm để gia cố đê. Đến sáng ngày 29/9, lực lượng quân đội chi viện cùng người dân xã Quỳnh Tam quyết tâm giữ không để đê bị vỡ.
Tại huyện Thanh Chương các xã Thanh Tùng, Thanh Đức, Thanh Hà, Thanh Xuân nước ngập sâu bị chia cắt, dân đi lại bằng thuyền. Xã Thanh Mỹ nhiều nhà bị ngập nước sâu tới 02-03 mét. Lãnh đạo huyện Thanh Chương phân công nhau túc trực tại các điểm ngập sâu chỉ đạo sơ tán, bảo đảm tính mạng cho dân, hạn chế thiệt hại thấp nhất, không để tình trạng thiếu đói người dân tại các điểm bị cô lập.
Trong huyện có nhiều điểm sạt sở rất nguy hiểm, gây ách tắc giao thông, nghiệm trọng đoạn qua Rú Nguộc. Tại xã Thanh Khai có 01 nhà dân bị sập hoàn toàn, 12 nhà bị đổ bờ rào.
Toàn huyện đến sáng ngày 29/9 có 509 nhà dân bị ngập, 05 nhà bị sạt lở, 04km đường bê tông, 800m kênh mương bị sạt lở, 95ha ngô rau màu, 10ha cây công nghiệp bị thiệt hại, 150,8ha ao cá bị cuốn trôi.
Nhiều trường học ở huyện Thanh Chương bị ngập.
Huyện Nghi lộc từ 07h ngày 28/8 đến 07h ngày 29/9/2022 lượng mưa đo được gần 468mm, nhiều tuyến đường trong huyện bị ngập sâu. Tính đến 10h ngày 29/9 trong huyện có 333ha lúa mùa, 120ha ngô, 180ha rau màu, 18ha lạc, hơn 180ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Mưa lớn làm chìm 01 thuyến máy công suất 24CV của ông Nguyễn Văn Đức, xóm Cảnh Xuân, xã Nghi Xuân.
Tại xã Nghi Công Nam, nhiều tuyến đường ngập sâu, dân bị chia cắt, nhiều gia đình gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 01 người chết. Đó là ông Nguyên Văn Huệ ( Sinh năm 1967) tại xóm 2. Vào lúc 23h, ngày 28/9 do bất cẩn ông bị nước cuốn trôi ở tràn Khe Thị. Đến 07h30 sáng ngày 29/9, thi thể ông Huệ được tìm thấy cách đập tràn 1,5 km.
Hiện nay, ở huyện Nghi Lộc trời mưa vẫn to, các điểm nguy hiểm, những đoạn đường ngập huyện đã cử lực lượng túc trực 24/24 hướng dẫn dân đi lại an toàn.
Do nước lũ dâng, nhiều trường bị ngập có toàn tỉnh Nghệ An có gần 300 trường học sinh phải nghỉ học. Trường Tiểu học Võ Liệt (Thanh Chương), Ban Giám hiệu cắt cử giáo viên ở lại trực. Khi nước bắt đầu dâng nhà trường huy động cả giáo viên ở gần đến nhanh chóng sơ tán đồ dùng dạy và học, nên tránh được thiệt hại rất lớn.
Trường Tiểu học Thanh Ngọc từ 01h đêm ngày 29/9, nhà trường đã huy động giáo viên và phụ huynh thu dọn bờ rào bị đổ, các phòng học bị ngập.
Huyện Con Cuông nhiều điểm trường bị ngập sâu. Đặc biệt, ở xã Lục Dạ các tuyến đường đến trường đều bị nước bao vây, sáng ngày 29/9 trên 90% các trường học trong huyện phải cho học sinh nghỉ học.
Bộ đội cùng với người dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu gia cố bảo vệ đoạn đê có nguy cơ vỡ ở đập Hốc Cối. Ảnh: TPO.
Do tình trạng nước ngập sâu, sạt lở đất đá rất nguy hiểm nên tỉnh Nghệ An đã quyết định đóng cửa nhiều tuyến đường. Quốc lộ 7 đoạn đi qua huyện Con Cuông bị sạt lở nhiều đoạn, mặc đù địa phương có cố gắng huy động phương tiện, nhân lực đến xử lý, sáng ngày 29/9 giao thông vẫn ách tắc.
Quốc lộ 48E, tại khu vực Eo Lèn giáp ranh giữa xã Tân Lòng và Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) hàng nghìn mét khối đất đá dổ xuống đường khiến giao thông đoạn km 148+100 đến km 148+170 ách tắc hoàn toàn. Quốc lộ 48D đoạn đi qua xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) đất đá sạt xuống chắn ngang đường, phương tiện không thể lưu thông được.
Trước tình hình mưa lũ diễn ra hết sức phức tạp Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng, Công an, các Sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tập trung chỉ đạo, rà soát các khu dân cư, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ngập sâu, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá.
Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Biên phòng và Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân, di dời dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Trước tình hình diễn biến phức tạp về khí hậu thiên tai Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nan, Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu mọi người dân không được chủ quan, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
HẢI HƯNG
Kon Tum: Nhiều huyện có mưa to kèm theo gió mạnh gây ngập lụt, sạt lở đất và mất điện