Cụ thể, trong năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong khu vực nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển nhanh sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng các loại sản phẩm có giá trị cao, nhân rộng các mô hình nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Triển khai các đề án thành lập các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn. Tăng cường công tác khuyến nông, huấn luyện kỹ thuật sản xuất, phát triển nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, nâng giá trị sản phẩm, chủ động làm tốt công tác thú y, phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh, đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất và chống hạn, xâm nhập mặn.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là phòng chống cháy rừng, trồng mới rừng tập trung khoảng 20.000ha, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%, ứng dụng công nghệ, phát triển chế biến sản phẩm gỗ và lâm nghiệp ngoài gỗ, triển khai thực hiện quy hoạch lâm nghiệp ứng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản các huyện miền núi, đảm bảo nguồn cung tại chỗ, mở rộng nhanh diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, theo công nghệ mới, nâng cao giá trị chế biến thủy hải sản.
Nghệ An phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 290 nghìn tấn, duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 21.550ha. Tiếp tục hỗ trợ ngư dân giải quyết khó khăn cho các tàu thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ, phát triển khai thác, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường tuyên truyền ngư dân, kiểm tra các hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản trên biển, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, sớm gỡ thẻ vàng châu Âu (IUU). Trong năm, sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản mục tiêu phấn đấu từ 23.144 đến 23.254 tỉ đồng, so với năm 2024 đạt 104,5-105%.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Tập trung chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM năm 2025. Trong đó, phấn đấu năm 2025 toàn tỉnh có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM (đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 331 xã (chiếm tỷ lệ 80,54%), 19 xã đạt NTM nâng cao, 8 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phát triển sản phẩm đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa chỉ, đảm bảo các yêu cầu của thị trường nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình: “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, nâng cao quy mô và chất lượng sản phẩm OCOP để có nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi kinh doanh của các siêu thị.
Về phát triển công nghiệp - xây dựng, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, chế biến chế tạo, nhất là dự án qui mô lớn. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng khu công nghiệp, trong Khu kinh tế Đông Nam, Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1), Khu công nghiệp Hoàng Mai II, Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 2 Nghệ An, tăng cường thu hút các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải quyết vướng mắc đối với các dự án sản xuất công nghiệp. Tập trung hỗ trợ đẩy mạnh tiến độ, sớm đưa các dự án đầu tư đã đăng ký, nhất là các dự án FDI trong khu kinh tế và các khu công nghiệp đi vào hoạt động trong năm 2025 như: Dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive Quang Học Vinh; nhà máy sản xuất Technology Xinfeng Việt Nam; Nhà máy sản xuất Gaofia Optics Technology Việt Nam; All Top Industrial sản xuất linh kiện điện tử, Dự án Luxshare-ICT2; nhà máy Luxvisions Innovation Nghệ An, sản xuất điện tử TopGoal Việt Nam… Các nhà máy điện như: Châu Thôn, Bản Mồng, Suối Choang với tổng công suất 78,8MW.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng qui mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi, chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, lồng ghép các chính sách phát triển công nghiệp nông thôn để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền công nghệ, cơ cấu sản phẩm, đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh doanh thấp. Tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp mạnh trong ngành xây dựng, đảm bảo thực hiện các dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Năm 2025 tỉnh nhà nỗ lực thu từ công nghiệp - xây dựng từ 43.118 đến 43.501 tỉ đồng so với năm 2024 đạt 112,5-113,5%.
Phát triển nhanh khu vực dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng dịch vụ. Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại địa phương. Tiếp tục triển khai thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, khai thác hiệu quả xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt. Theo sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết. Mục tiêu doanh thu từ dịch vụ từ 52.502 đến 53.082 tỉ đồng, so với năm 2024 đạt 108,7-109,9%.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Đề án phát triển xuất khẩu Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Mở rộng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để vượt qua rào cản thương mại. Chú trọng nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, bao bì… Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, từng bước tạo dựng hình ảnh và thị phần hàng hóa Nghệ An. Phấn đấu năm 2025 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4.500 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khoảng 4.000 triệu USD. Phát triển các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics để thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thông suốt, hiệu quả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, triển khai thực hiện Đề án phát triển tỉnh Nghệ An thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Triển khai hiệu quả Chiến lược du lịch du lịch Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn 2035; Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 09/4/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường, tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến như: Du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh, du lịch vui chơi giải trí tổng hợp và nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch hội nghị, hội thảo.
Mặc dù đang còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Nghệ An quyết vươn lên, đồng lòng, tập trung, chỉ đạo, lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025 làm tiền đề cho phát triển kinh tế 5 năm tiếp theo.