Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện Nghệ An là một trong 21 tỉnh/thành trên cả nước đang có dịch tả lợn Châu Phi, với 106 ổ dịch tại 17 huyện, thành phố, thị xã chưa quá 21 ngày. Các ổ dịch phát sinh đều từ những ổ dịch cũ của các năm trước và xảy ra rải rác tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các huyện có số lượng lợn tiêu hủy lớn như: Thanh Chương có 31 ổ dịch, tiêu hủy 2.119 con lợn; Đô Lương có 22 ổ dịch, tiêu hủy 663 con lợn; Yên Thành có 22 ổ dịch, tiêu hủy 441 con lợn; Diễn Châu có 16 ổ dịch, tiêu hủy 366 con lợn.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở Việt Nam từ giữa tháng 10/2020 tại các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn bệnh lây lan rất nhanh ra 24 tỉnh, thành phố.
Tại Nghệ An, dịch bệnh này xuất hiện đầu tiên ở xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp vào giữa tháng 12/2020. Đến đầu tháng 02/2021, dịch bệnh xuất hiện trở lại và lây lan rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 85 ổ dịch, tại 17 huyện, thị, thành phố; với số trâu, bò mắc bệnh là 668 con, tiêu hủy 26 con.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đang diễn ra ở Nghệ An.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 81 ổ dịch viêm da nổi cục tại 17 huyện, thị, thành chưa qua 21 ngày với 648 con bò mắc bệnh tại 464 hộ chăn nuôi. Hầu hết các ổ dịch này phát sinh tại những hộ chăn nuôi chưa tiến hành tiêm vaccine, không thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại.
Theo nhận định, thời gian tới nguy cơ các bệnh đối với gia súc, gia cầm có thể bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi cho các hộ gia đình.
Bò bị bệnh viêm da nổi cục.
Đối với cây trồng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An sâu bệnh đã gây hại cho 1.757ha lúa, trong đó có 117ha nhiễm nặng bệnh đạo ôn lá và 411ha cháy lá; bệnh khảm lá hại sắn gây thiệt hại cho người nông dân tại 7 huyện với tổng diện tích nhiễm bệnh hơn 1.940ha. Bên cạnh đó, nạn chuột, ốc bươu phá hoại cây trồng đang có biểu hiện lan rộng và gây thiệt hại lớn.
Tại Hội nghị, các địa phương đã báo cáo tình hình diễn biến dịch bệnh và đề xuất một số giải pháp nhằm khống chế tình hình dịch bệnh.
Huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh tham mưu trình HĐND tỉnh cho khôi phục chức danh thú y tại cơ sở, tiếp tục quan tâm hỗ trợ hóa chất khử trùng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phác đồ điều trị bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, quan tâm điều tiết nước diện tích lúa đang thời kỳ làm đồng, trổ bông.
Tại huyện Nghĩa Đàn, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện trên địa bàn 11/15 xã, có 165 con trâu, bò nhiễm bệnh, trong có 8 con đã chết. Hiện nay, có 575/638 diện tích cây sắn trên địa bàn huyện bị bệnh khảm lá sắn, đối với diện tích bị nhiễm nặng đã tổ chức tiêu hủy đúng với chỉ đạo của Chi cục Bảo vệ thực vật. Huyện đã vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động tiêm vaccine bệnh viêm da nổi cục sớm, không đợi hỗ trợ của nhà nước mới thực hiện.
Một số địa phương đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh để người dân tự giác khai báo, thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy gia súc gia cầm, tránh tình trạng mổ chui, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường.
Chi cục Thú y vùng III, Trung tâm Bảo vệ thực vật Khu IV đã nêu nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua, đề xuất phác đồ điều trị bệnh viêm da nổi cục trên gia súc, biện pháp phòng chống dịch. Lãnh đạo sở, ngành đã trả lời các nội dung kiến nghị của các địa phương. Riêng tăng mức hỗ trợ cho việc tiêu hủy gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh chết, theo lãnh đạo Sở Tài chính nội dung này phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu biểu dương các đơn vị, địa phương thời gian qua đã triển khai quyết liệt phòng, chống dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ông yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt quan tâm phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch tả lợn Châu Phi ở lợn, khảm lá sắn, sâu bệnh trên cây lúa vụ Xuân theo chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ khôi phục sản xuất theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay các địa phương phải luôn xác định kinh tế nông nghiệp rất quan trọng, do đó phải thực hiện theo đúng tinh thần: “Chống dịch như chống giặc” để hạn chế thiệt hại trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của người dân, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn năm 2021.
HẢI HƯNG
Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử