Cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về dự Lễ có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng; ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; ông Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, TP. Hồ Chí Minh; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đông đảo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Trình bày diễn văn Lễ kỷ niệm, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành trọn cả cuộc đời, hy sinh cả tình nhà lo việc nước. Người để lại cho Nhân dân ta, cho các cháu thiếu niên, nhi đồng một tình cảm sâu nặng, quan tâm chu đáo. Người dành cho quê hương sự ân cần.
Người đi khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, nhưng luôn khắc khoải nhớ về quê hương đất nước, nhớ về xứ Nghệ. Người nhớ da diết những làn điệu dân ca Ví giặm, hát phường vải quê nhà. Xa quê nửa thế kỷ mới trở về thăm nhưng giọng Người vẫn là giọng xứ Nghệ.
Bao năm xa đất nước, mãi đến năm 1941, Người mới trở về lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người giành được thắng lợi to lớn. Đất nước ta giành độc lập, tự do, dân có cơm no, áo mặc sau bao đêm trường nô lệ. Chiến Thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, làm nên “thiên sử vàng”. Mãi đến tháng 6/1957, Người mới có dịp về thăm quê lần thứ nhất. Bồi hồi xúc động sau bao năm xa cách mới trở lại quê nhà. Người được gặp lại những người bạn thời niên thiếu. Người lặng đi trước những kỷ vật không thể nào quên.
Mãi 4 năm sau, ngày 08/12/1961, Người mới về thăm quê lần thứ 2. Ba ngày ít ỏi tại quê nhà, Người nói chuyện với cán bộ, đồng bào tại thành phố Vinh. Người vui mừng, khen ngợi phong trào lao động Nghệ An những năm qua thu được thành tích to lớn, Người nhắc nhớ tỉnh nhà: “Phải tăng cường lãnh đạo các Cấp ủy Đảng”, “cố gắng hơn nữa để phát triển kinh tế, trước hết phát triển nông nghiệp nhằm tự túc lương thực và cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp”. Người đặt ra những vấn đề lớn và trách nhiệm của Nghệ An đối với cả nước: “Đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh nhà thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”, “góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”. Người đi thăm Trường sư phạm miền núi Nghệ An, Nhà máy cơ khí Vinh, Nông trường Đông Hiếu, HTX Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Những nơi Người đến đã để lại tình cảm sâu nặng, thân thiết đối với cán bộ và Nhân dân. Người dân xứ Nghệ không ngờ đó là lần về thăm quê cuối cùng của Người.
Trong những năm hoạt động xa Tổ quốc, Người luôn nắm tình hình trong nước và Nghệ - Tĩnh. Người trực tiếp bồi dưỡng, dìu dắt thanh niên quê nhà xuất dương. Nhiều người đã trở thành chiến sĩ Cộng sản kiên trung, học trò mẫu mực của Người điển hình như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Khai. Người tự hào về “Nghệ Tĩnh Đỏ” đi đầu, kiên cường, bất khuất chống kẻ thù. Mặc dù bộn bề về việc nước, Người luôn nặng lòng với quê hương, thể hiện qua 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, mà như Người nói: "Lấy danh nghĩa một người đồng chí già để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm” cho quê hương. Tình cảm thiêng liêng, cao cả giành cho quê hương là tài sản vô giá, nguồn cổ vũ lớn lao, động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh nhà vượt qua mọi thử thách, gian khổ trên chặng đường làm Cách mạng.
Gắn với Lễ kỷ niệm 60 năm Người về thăm quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình khởi công xây dựng vào tháng 10/2020 ngay trên nền đất cũ, các vật liệu, kết cấu hoa văn, họa tiết phỏng theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, thể hiện tôn nghiêm, ấm cúng, mộc mạc, gần gũi, tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn của đồng bào, chiến sĩ đối với Người kính yêu.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất vui mừng khi Nghệ An đạt được các mục tiêu trong năm 2021. Chủ tịch nước đề nghị càng vinh dự, tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nghệ An càng thấy rõ trách nhiệm cao cả của mình để thực hiện hóa những điều Người hằng mong ước đối với quê hương lúc sinh thời. Vì vậy, với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên Nghệ An chúng ta cần nỗ lực, quyết tâm làm nên “một kỳ tích sông Lam” mà cả nước đang mong đợi.
Tỉnh Nghệ An cần tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương để đưa các Nghị quyết vào cuộc sống vì sự phát triển của Nghệ An - quê hương thân yêu của Bác Hồ kính yêu. Cùng với phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thấm nhuần sâu sắc quan điểm “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Đảng, cần quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa và con người xứ Nghệ. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là những “địa chỉ đỏ” nhằm giữ gìn, phát huy những di sản Hồ Chí Minh trên quê hương, để giáo dục truyền thống Cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước, các thế hệ con cháu hiện nay và mai sau.
HẢI HƯNG
Thủ tướng: Văn học, nghệ thuật phải phát triển ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội